1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Lo đâu 60.000 tỷ đồng để tăng lương?

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Theo Nghị quyết của Quốc hội, tổng chi cho việc tăng lương, điều chỉnh lương hưu, một số chế độ trợ cấp là 12.500 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã tính toán 60.000 tỷ đồng để chủ động thực hiện chính sách.

Xoay nguồn tăng lương 

Theo Thông tư 78/2022/TT-BTC ban hành ngày 26/12/2022, từ 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.

Thông tư cũng đề cập nhiều nội dung liên quan đến việc thực hiện cơ chế tạo nguồn để thực hiện chế độ tiền lương, trợ cấp trong năm 2023.

Theo đó, các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo quy định; trong đó phạm vi, tỷ lệ trích số thu được để lại thực hiện theo quy định tại điểm d, điểm đ phía dưới.

Đồng thời, khi phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc phải xác định tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm năm 2023 so với năm 2022 dành cho cải cách tiền lương (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ), đảm bảo không thấp hơn mức Bộ Tài chính giao (nếu có).

Lo đâu 60.000 tỷ đồng để tăng lương? - 1

Từ 1/7/2023, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (Ảnh: Mạnh Quân).

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi phân bổ và giao dự toán ngân sách cho ngân sách cấp dưới phải xác định dành tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2023 theo quy định để thực hiện cải cách tiền lương năm 2023.

Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 của các địa phương bao gồm 70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2022 thực hiện so với dự toán, (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết; tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới…) được Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2022 còn dư chuyển sang; 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao.

Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%.

Thông tư cũng nêu rõ, các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các cơ quan được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên.

Các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao khoán kinh phí và tự bảo đảm tiền lương: Đơn vị được quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương.

Ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ nhu cầu điều chỉnh tiền lương tăng thêm cho các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương ngân sách khó khăn sau khi đã cân đối nguồn điều chỉnh tiền lương mà chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương theo chế độ quy định.

Cần 60.000 tỷ đồng để tăng lương

Trước đó, nói về công tác chuẩn bị nguồn lực để tăng lương cơ sở từ 1/7/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, ngay từ khi triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành địa phương bố trí nguồn lực tài chính để sẵn sàng khi cấp có thẩm quyền quyết định chính sách cải cách tiền lương.

Giải pháp đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện chính sách tiền lương là tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi.

Từ khi triển khai nhiệm vụ này, tính đến hết năm 2021, theo số liệu từ các địa phương Bộ Tài chính đã tổng hợp, nguồn từ ngân sách địa phương đạt khoảng trên 290.000 tỷ đồng và ngân sách Trung ương là 43.000 tỷ đồng.

Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, theo phương án điều chỉnh tăng lương cơ sở đã được Quốc hội duyệt, tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội... do Ngân sách Nhà nước chi trả, và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở sẽ cần khoảng 60.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, với nguồn lực hiện có, nhà nước hoàn toàn chủ động trong quyết sách tăng lương cơ sở.