1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Lao động Việt đón Tết nơi xứ người, nước mắt hóa đá cùng tuyết rơi!

Nguyễn Vy

(Dân trí) - "Nghĩ đến đêm giao thừa lùi lũi một mình trong đêm giá lạnh, tuyết rơi trắng trời, không được quây quần bên mâm cơm gia đình, tôi chợt thấy cay xè khóe mắt", nam lao động Việt tại Nhật nghẹn ngào.

Nước mắt rơi trong tuyết

Những ngày cận Tết Nguyên đán, vẫn như thường lệ, Phạm Thành Chung (28 tuổi) kết thúc ca làm việc ở nhà máy và trở về ký túc xá khi trời sập tối. Lê chân trên những con đường đầy tuyết ở quận Ishiakwa (Nhật Bản), Chung cảm nhận đôi chân, hai bàn tay đã lạnh cóng.

Lao động Việt đón Tết nơi xứ người, nước mắt hóa đá cùng tuyết rơi! - 1

Trong mùa tuyết rơi nhiều, đặc biệt là những ngày cuối năm, anh Chung tan làm, về nhà giữa trời lạnh giá (Ảnh: NVCC).

Thế nhưng, nỗi cô đơn nơi đất khách quê người mới chính là cái lạnh tái tê, héo hắt lòng nhất. Không còn xa lạ với cảnh này nhưng Chung vẫn vô thức mà rơi nước mắt. Nước mắt lặng lẽ rơi còn đóng băng luôn giữa trời tuyết trắng xóa. 

Về đến ký túc xá, anh Chung chưa vội làm bữa tối mà bốc điện thoại gọi ngay về nhà. Tiếng chuông điện thoại chỉ reo đến lần thứ 2, vợ anh đã nghe máy.

Qua màn hình chiếc điện thoại sờn cũ, vợ anh khoe đã sắm quần áo mới cho con, bận rộn trang hoàng nhà cửa để đón Tết. Khoảnh khắc ấy, anh Chung chợt thấy sống mũi cay xè.

Sang Nhật từ tháng 8/2023, chàng trai cho hay đây là lần đầu anh đón Tết xa nhà. Vé máy bay trong những ngày này rất đắt đỏ, anh Chung đành hẹn gia đình đoàn tụ vào dịp khác.

"Năm nay tôi không về Việt Nam đón Tết cùng gia đình. Thú thật là bản thân nhớ vợ, nhớ con lắm nhưng đành nén chịu…", anh Chung bộc bạch.

Vì Nhật Bản và Việt Nam chênh lệch múi giờ, hằng ngày lại đi làm về khá trễ nên anh Chung phải tranh thủ từng phút để gọi về nhà, để được gặp người thân ít phút.

Lao động Việt đón Tết nơi xứ người, nước mắt hóa đá cùng tuyết rơi! - 2

Lần đầu đón Tết xa nhà, anh Chung cho hay bản thân ngổn ngang cảm xúc khó tả (Ảnh: NVCC).

Những ngày qua, mỗi khi lướt mạng xã hội, anh lại có cảm giác khó tả khi chứng kiến hình ảnh bạn bè, gia đình bận rộn chuẩn bị Tết.

"Vì người Nhật không ăn Tết Nguyên đán nên tôi vẫn phải đến nhà máy như ngày thường, không có thời gian cảm nhận Tết cổ truyền nữa. Trước đây khi còn ở quê nhà, những ngày cận Tết tôi rất háo hức, giờ thì thấy chạnh lòng, nhớ nhà. Tôi không còn mong chờ Tết chút nào nữa", chàng trai bộc bạch.

Như Trúc (23 tuổi, quê An Giang) cũng sang Nhật làm việc từ khi 21 tuổi, bỏ học đại học để đi lao động, kiếm tiền.

Cô gái xác định năm nay tiếp tục phải đón Tết xa nhà do vẫn chưa dư dả, trong tình hình đồng yên mất giá, phí sinh hoạt lại cao.

Mỗi ngày, Trúc bắt đầu công việc từ 18h đến 9h hôm sau. Trúc hiện làm nhân viên tại công ty thực phẩm, chuyên nấu, chế biến suất ăn đóng hộp, với mức lương 22-25 triệu đồng/tháng. Số tiền này đã bao gồm cả giờ tăng ca. Thực tế, phải tăng ca thì Trúc mới có đủ tiền trang trải cuộc sống và gửi về cho gia đình theo đúng kế hoạch.

"Tết này lại đành lỡ hẹn đoàn tụ. Hi vọng năm sau tôi có thể tích cóp đủ tiền để về ăn Tết với gia đình. Ba mẹ, bạn bè nhắn nhủ nhiều lắm nhưng tôi chỉ có thể cười trừ và lại hẹn năm sau…", Trúc thở dài.

Lao động Việt đón Tết nơi xứ người, nước mắt hóa đá cùng tuyết rơi! - 3

Như Trúc (áo đen) từng đón Tết xa nhà cùng các đồng hương tại Nhật (Ảnh: NVCC).

Đón Tết theo cách riêng

Anh Nguyễn Xuân Hùng (quê Nghệ An) cũng lần đầu nếm mùi đón Tết xa nhà. Hùng sang Hàn Quốc làm việc đến nay đã tròn 1 năm. Khu ký túc xá nơi anh ở có nhiều đồng hương, cùng cảnh ngộ nên chàng trai cảm thấy được an ủi phần nào.

"Lúc này, gia đình tôi ở Việt Nam chắc đã dọn dẹp nhà cửa xong hết rồi. Mọi người có gọi điện hỏi thăm và động viên để tôi đỡ buồn. Đây là lần đầu bản thân tôi trải nghiệm cảnh đón Tết không đào, không mai. Những bữa cơm ngày Tết và việc chúc Tết đều chỉ làm qua điện thoại di động", Xuân Hùng bày tỏ.

Đối với Hùng, dù trong lòng có chút tủi thân và nhớ nhà nhưng anh cũng muốn một lần trải nghiệm cảnh đón Tết nơi xứ người để thấm thía ý nghĩa của đoàn tụ. Từ đó, chàng trai mong bản thân sẽ trưởng thành và có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống.

Không giấu được nỗi buồn khi phải đón Tết xa nhà nhưng anh Văn Chung cho hay, bản thân vẫn sẽ tìm cách để tận hưởng ngày Tết truyền thống ngay tại xứ người.

"Ở công ty, chỉ một mình tôi là người nước ngoài nên rất khó chia sẻ. May mắn là ở khu ký túc xá vẫn có một số anh chị em người Việt sinh sống. Mặc dù công việc bận rộn, chúng tôi vẫn hẹn nhau cùng làm một bữa tiệc mừng năm mới vào mùng 1 Tết cho đỡ nhớ nhà", anh Chung dự tính.

Lao động Việt đón Tết nơi xứ người, nước mắt hóa đá cùng tuyết rơi! - 4

Lao động Việt mong muốn trong năm mới, bản thân và bạn bè đồng hương có nhiều sức khỏe, công việc thuận lợi, kiếm được nhiều tiền để lo cho gia đình (Ảnh: NVCC).

Trong năm mới, chàng trai thầm mong bản thân và bạn bè đồng hương có cuộc sống an lành, công việc thuận lợi.

"Người Việt tha hương mưu sinh chỉ mong công việc được thuận lợi, thu nhập ổn định để ngày trở về với gia đình có thể rút ngắn hơn. Dù ở xa hay gần nhà, với chúng tôi, Tết Nguyên đán vẫn mang lại cảm giác bồi hồi, đầy hi vọng", chàng trai bộc bạch.