Lao động không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp trước khi nhận lương hưu
(Dân trí) - Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi bổ sung trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng sau khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp.
Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi mới nhất bổ sung các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhằm hạn chế gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, dự thảo Luật quy định, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật trừ các trường hợp sau đây:
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định của Bộ luật Lao động; Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức.
Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.
Người lao động hưởng lương hưu. Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng.
Các trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khác cơ bản vẫn theo quy định của pháp luật hiện hành, song có chỉnh sửa, bổ sung thêm, bao gồm: Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật.
Luật Việc làm hiện hành chỉ quy định người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp gồm: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Trường hợp đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên, trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến 12 tháng.
Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm.
Điều kiện về thời gian tìm được việc làm kể từ khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng được đề xuất rút ngắn từ 15 ngày xuống 10 ngày.
Theo đó, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chưa tìm được việc làm sau 10 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: Có việc làm và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn đủ 12 tháng trở lên...
Bên cạnh đó, đối chiếu với bản dự thảo được lấy ý kiến tháng 3, dự thảo Luật có sự điều chỉnh quy định những trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cụ thể, trước đó, dự thảo đề xuất các trường hợp đang đóng bảo hiểm thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó có người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động;
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có 14,244 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Từ năm 2009 đến nay, thu, chi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo đúng quy định. Kết dư Quỹ đảm bảo cân đối tài chính, chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Tính đến hết năm 2023, số tiền kết dư Quỹ khoảng 59.357 tỷ đồng.