1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lạng Sơn: Kiếm bộn tiền nhờ ghép cây đào chuông quý hiếm ra hoa đẹp, "độc", lạ.

Trước nguy cơ cây đào chuông - một giống đào rừng quý bị chặt hạ đến tận diệt, ông Hoàng Trường Sinh (tỉnh Lạng Sơn) đã quyết mang giống cây đào đẹp xuống núi nhân giống trong vườn nhà.

Nguy cơ tận diệt đào rừng quý

Lạng Sơn vốn được coi là xứ sở hoa đào với nhiều giống đào đẹp và quý, trong số đó có giống cây đào chuông bông hoa nở to, đẹp và độc lạ. 

Loại đào chuông này phân bố chủ yếu tập trung ở các huyện Đình Lập, khu vực núi Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình...

Nhìn thấy những cây đào chuông bị chặt hạ dẫn đến có nguy cơ tận diệt, ông Sinh đã ấp ủ dự định mang đào chuông từ rừng về vườn nhà.

Ông Sinh cho biết, đào chuông (hay Hoa Anh Đào) có dáng cây bắt mắt, cấu trúc hoa đặc biệt được kết bằng những cánh mỏng trong như thủy tinh. 

Lạng Sơn: Kiếm bộn tiền nhờ ghép cây đào chuông quý hiếm ra hoa đẹp, độc, lạ. - 1

Do vẻ đẹp độc lạ, giá trị cao, nên vào dịp Tết hằng năm, người dân lại đổ xô lên rừng săn tìm và đốn hạ đào chuông mang xuống núi bán.

 

Cây đào chuông có sức sống mãnh liệt, bộ rễ bám chặt giữa những vách đá, khe suối nên dù có những thời điểm nhiệt độ xuống âm 3 độ C, đào chuông vẫn đâm chồi nảy lộc, xanh mướt.

Theo quan niệm phong thủy, đào chuông có thể trị bách quỷ, là biểu tượng cho sự đổi mới, với sức sinh trưởng phát triển mạnh mẽ.

 Vào dịp Tết, người dân thường lên rừng đốn hạ đào chuông để mang về nhà trồng, bán cho thương lái, thậm chí bứng cả cây đào chuông trong rừng.

Đến mùa quả đào chuông chín, người dân lại thu hái quả ăn tươi, mang về ngâm rượu,... Do thân cây đào chuông cao, to, phân cành cao nên bà con chủ yếu lấy quả bằng cách chặt hạ cành, thâm chí chặt hạ cả cây. Điều này đã khiến giống đào chuông này hiếm dần trong tự nhiên.

"Xưa hoa đào chuông nở trên rừng đẹp lắm, giờ thì chặt hết rồi, trong rừng chả còn mấy cây đào chuông nữa đâu" ông Sinh tâm sự.

Bảo tồn, phát triển giống đào quý

Chứng kiến đào chuông ngày càng bị tận diệt, ông Sinh đã nảy ra ý tưởng làm vườn ươm để nhân giống đào chuông. Đồng thời từ năm 2018, ông Sinh được một số chuyên gia từ Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng – Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kỹ thuật nhân giống đào chuông. 

Từ đó, ông có thêm động lực, quyết đưa giống đào đẹp và quý hiếm về vườn nhà và nhân giống, phát triển.

Ông Sinh cho biết, bắt đầu từ năm 2014, ông bắt tay vào ươm cây giống, tuy nhiên tỷ lệ cây ươm thành công thấp.

 "Mặc dù đào chuông trong tự nhiên có khả năng sống sót cao và phát triển tương đối tốt, nhưng nếu ươm cây giống tại vườn, cần phải chú ý giữ độ ẩm cho bầu ươm phù hợp. Nếu độ ẩm quá thấp, cây con sẽ không thể nảy mầm do khô, thiếu nước, còn quá cao thì cây con sau khi nảy mầm rất dễ bị úng cây, vàng lá dần rồi chết", ông Sinh chia sẻ.

Cứ vào khoảng tháng 5 hằng năm, ông lại tất bật với công việc sàng lọc hạt giống để chuẩn bị cho quá trình ươm hạt, nhân giống đào chuông. Ông Sinh chọn ra những quả đào lớn nhất, sau đó tách hạt và tiếp tục lựa chọn những hạt to nhất để ươm. 

"Có chọn lọc như vậy mới đảm bảo tỷ lệ nảy mầm cao, cây đào chuông giống khỏe mạnh và phát triển tốt", ông Sinh cho biết.

Lạng Sơn: Kiếm bộn tiền nhờ ghép cây đào chuông quý hiếm ra hoa đẹp, độc, lạ. - 2

Vẻ đẹp tinh khiết, độc lạ và đặc biệt của những bông hoa đào chuông trên vùng rừng núi tỉnh Lạng Sơn. Đây cũng là 1 trong những lý do khiến người dân săn lùng cây đào chuông ở trong rừng.

Theo ông Sinh, để có một giống cây đào chuông đáp ứng tiêu chuẩn bán ra thị trường, phải mất ít nhất 10 tháng. Cây đào chuông con khỏe mạnh sau khi được trồng tỉ lệ sống sẽ cao và phát triển mạnh mẽ hơn. 

Sau thời gian ươm cây đào chuông bằng hạt, nhận thấy thời gian sinh trưởng của cây con chậm, nhiều cây có sức chống chịu kém, thường hay bị chết trong quá trình chăm sóc, ông Sinh đã mày mò nghiên cứu về kỹ thuật chiết, ghép đối với cây đào chuông. 

Tuy nhiên, do thiếu kỹ thuật cũng như tài liệu nên ông gặp nhiều khó khăn, khiến ông nản dần.

Với mục tiêu nghiên cứu phát triển cây đào chuông trở thành một loại cây cảnh có giá trị kinh tế cao, phát triển nghề làm hoa, cây cảnh, cây công trình, cây tạo cảnh quan, góp phần phát triển du lịch sinh thái tại địa phương, năm 2018, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã nghiên cứu, phát triển cây đào chuông tại huyện Đình Lập. 

Tại đây, ông Sinh may mắn được hỗ trợ về kỹ thuật nhân giống, phát triển giống đào chuông mà ông đang gặp khó.

Lạng Sơn: Kiếm bộn tiền nhờ ghép cây đào chuông quý hiếm ra hoa đẹp, độc, lạ. - 3

Kiểm tra sự phát triển của cây đào chuông giống tại vườn ươm của ông Hoàng Trường Sinh, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn.

Từ khi triển khai đến nay, nhóm nghiên cứu đã thực hiện các thí nghiệm trên 1.500 cây đào chuông với các nội dung gồm: Nhân giống đào chuông theo các kỹ thuật nhân giống vô tính bằng phương pháp ghép đoạn, cành để xác định thời vụ ghép; tổ hợp ghép; ảnh hướng của tuổi cây; ảnh hưởng của thuốc kích ra rễ; xây dựng mô hình nhân giống với số lượng 3.500 cây nhân giống từ hạt.

Từ việc chỉ ươm giống đào chuông bằng hạt, ông Sinh đã bắt đầu biết đến kỹ thuật ghép cây đào chuông vào cây đào phai. Dần dần, toàn bộ số cây đào chuông con trong vườn của ông Sinh đều sử dụng kỹ thuật ghép cây. 

Qua cách ghép đào chuông lên thân đào phai đã rút ngắn thời gian sinh trưởng, giúp cây con khỏe mạnh và phát triển ổn định hơn. Sau 5 năm tiến hành ươm giống cho cây đào chuông, mỗi năm, vườn ươm của ông Sinh nhân giống thành công cho khoảng 3.000 - 4.000 cây đào chuông con.

Hiện nay, cây đào chuông giống của ông thường được khách trong tỉnh Lạng Sơn và từ nhiều nơi khác như Hà Nội, Bắc Ninh thường xuyên đặt hàng. 

Với mỗi cây đào chuông giống có giá 40.000 - 50.000 đồng, mỗi năm cũng mang lại thu nhập tốt cho gia đình ông Sinh. Cùng với đó ông Sinh đã góp phần bảo tồn và phát triển giống đào quý hiếm của quê hương để hình ảnh hoa đào chuông được nhiều người biết đến hơn nữa.

Theo Tuấn Minh/Báo Dân Việt