Kỳ tích xây dựng xã nông thôn mới ở huyện nghèo nhất nước
(Dân trí) - Sau 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo tại xã vùng cao Hữu Kiệm (Kỳ Sơn, Nghệ An) giảm từ 72% xuống còn 11% theo chuẩn đa chiều. Đây là xã đầu tiên của huyện nghèo Kỳ Sơn cán đích nông thôn mới.
Xã 135 xây dựng nông thôn mới
Hữu Kiệm là xã đặc biệt khó khăn, thuộc diện hỗ trợ của chương trình 135, 30a của Chính phủ. Đây là nơi sinh sống của đồng bào 4 dân tộc, gồm Kinh, Mông, Thái, Khơ Mú, trong đó đồng bào Thái và Khơ Mú chiếm tới 88% dân số toàn xã.
Năm 2011, mặc dù tỉ lệ hộ nghèo còn tới 72% nhưng Hữu Kiệm mạnh dạn đăng ký xây dựng xã nông thôn mới.
Thời điểm đó, xã Hữu Kiệm mới chỉ có 1/19 tiêu chí nông thôn mới. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình phức tạp, hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ hạn chế... bởi vậy, địa phương này đối mặt với vô vàn khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí còn lại.
Sau 9 năm nỗ lực vận dụng các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình chính sách của Đảng, Nhà nước, sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị huyện, xã, cùng sự đồng thuận của người dân, tháng 7/2020, Hữu Kiệm trở thành xã đầu tiên của huyện biên giới Kỳ Sơn về đích nông thôn mới.
Thời điểm cán đích, Hữu Kiệm đã hoàn thành bê tông hóa 100% tuyến đường giao thông, trong đó người dân đóng góp 9.000 ngày công, hiến tặng 3.800m2 đất; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 94,6% hộ dân có nhà bán kiên cố.
Thu nhập bình quân đầu người từ 8,3 triệu đồng năm 2011 tăng lên 36,24 triệu đồng. Cơ sở vật chất 3 cấp học, hệ thống trạm y tế xã được đầu tư khang trang. 7/9 bản đạt bản văn hóa, 3 bản được huyện công nhận bản nông thôn mới. Tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%...
Đột phá giảm nghèo
Từ chỗ toàn xã có 72% hộ nghèo vào thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020, Hữu Kiệm chỉ còn dưới 5%. Năm 2021, theo chuẩn nghèo đa chiều, toàn xã chỉ còn 121 hộ nghèo, trên tổng số 1.072 hộ. Năm 2022, xã Hữu Kiệm đặt mục tiêu đưa thêm 13 hộ thoát nghèo.
"Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khơi dậy khát vọng vươn lên trong đại bộ phận nhân dân được xác định là khâu then chốt trong công tác giảm nghèo, từ đó tạo tiền đề để xây dựng, phát triển kinh tế xã hội.
Kết quả giảm nghèo đạt được như vừa qua, ngoài sự hỗ trợ thiết thực, sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, một phần rất lớn là từ sự thay đổi nhận thức, tư duy của chính người dân", ông La Văn Hà - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hữu Kiệm cho biết.
Thiếu đất, thiếu tư liệu sản xuất chính là lực cản trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo của xã Hữu Kiệm. Bởi vậy, ngoài việc tận dụng thời cơ, nguồn lực bên ngoài, đảm bảo cho mọi hộ dân đều có thể tiếp cận nguồn vốn vay chính sách, hỗ trợ sinh kế cho người dân, địa phương này đã gắn trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đảng, tổ chức chính trị xã hội trong việc giúp đỡ từng hộ dân thoát nghèo.
Thực hiện sự phân công của Đảng ủy xã, Chi bộ trường Tiểu học Hữu Kiệm vận động cán bộ, đảng viên, nhân viên nhà trường quyên góp, mua một con bò giống trị giá 10 triệu đồng hỗ trợ gia đình ông Vi Văn Mằn (trú bản Bà). Sau 2 năm, con bò đã sinh sản, ông Mằn bán bê, sử dụng đồng tiền đó để mua lợn giống, gà giống, lúa giống tiếp tục phát triển kinh tế. Năm 2022, hộ ông Mằn được công nhận thoát nghèo.
Đến nay, xã Hữu Kiệm đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Đơn cử như mô hình đưa cây thanh long, dưa hấu lên trồng tại bản Khe Tỳ; mô hình nuôi lợn nái sinh sản tại bản Na Chảo, bản Hòm, bản Na Lượng hay chuyển đổi 1ha đất trồng lúa, thành lập Hợp tác xã rau an toàn Khe Nhinh...
Ông Lô Hồng Thắng (trú bản Khe Nhinh) cho biết: "Có 12 hộ dân trong bản tham gia hợp tác xã rau an toàn. Chúng tôi được hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật... Bình quân mỗi hộ dân tham gia hợp tác xã có mức thu nhập từ 70-80 triệu đồng/năm, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa".
Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, xã Hữu Kiệm đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là khi xảy ra dịch Covid-19. Tuy nhiên, với quyết tâm giữ và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, lãnh đạo địa phương xác định tiếp tục phát triển các mô hình kinh tế, trong đó ưu tiên phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng giá trị kinh tế, tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định và bền vững cho người dân địa phương…