Kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững
(Dân trí) - Hội nghị tập huấn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có sự tham dự của đại biểu 12 tỉnh, thành khu vực miền núi Bắc, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Ngày 9-11/11, tại TP Hội An (Quảng Nam), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị tập huấn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc và các đơn vị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chính phủ, Thủ tướng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chương trình.
Đến nay, toàn bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ đã được ban hành đầy đủ.
Các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã được hoàn thành theo tiến độ.
Các địa phương cũng đã chủ động trình HĐND cùng cấp ban hành văn bản thuộc thẩm quyền của địa phương, trình UBND ban hành kế hoạch và các văn bản tổ chức triển khai thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho hay, đa số các địa phương đã hoàn thành việc ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện; tuy nhiên, cũng còn một số địa phương còn đang thực hiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền.
Hiện nay, 48/48 địa phương nhận phân bổ từ ngân sách trung ương để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn thực hiện chương trình cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc.
Các địa phương tự cân đối ngân sách đã chủ động bố trí kinh phí thực hiện chương trình ngay từ đầu năm.
"Như vậy, công tác giao vốn, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ở cấp trung ương đến nay đã hoàn thành. Việc tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đến người dân hiện chủ yếu là trách nhiệm của các địa phương", Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, hiện còn một số địa phương chưa hoàn thành các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ, quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ví dụ như quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; văn bản thực hiện cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư đối với dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất.
Một số địa phương đề xuất danh mục dự án đầu tư còn dàn trải, manh mún, trùng lắp, chưa đúng mục tiêu và đối tượng của chương trình.
Để triển khai chương trình hiệu quả, kịp tiến độ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu tập trung vào 3 nội dung.
Thứ nhất, các Bộ hướng dẫn về các điểm mới của chương trình; cơ chế quản lý, điều hành, thực hiện chương trình, cơ chế tài chính, kiểm tra, giám sát; rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và ứng dụng phần mềm trong rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; chia sẻ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thứ hai, trao đổi, thảo luận, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung hoạt động của chương trình.
Thứ ba, đối với các vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách thực hiện chương trình, đề nghị Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo tổng hợp đầy đủ, báo cáo Bộ tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo tháo gỡ.