Đà Nẵng:
Kỳ lạ quán cà phê nơi khách và nhân viên nói chuyện bằng... tay
(Dân trí) - Đồng cảm với những người từ khi sinh ra đã không may mắn, ông chủ 9X ở Đà Nẵng mở quán cà phê với các nhân viên là người khuyết tật, biến đây thành ngôi nhà thứ 2 để họ tự tin hòa nhập cộng đồng.
Hai lần hoãn khai trương vì dịch
Chính thức hoạt động từ gần một tháng nay, quán cà phê Angel (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) thường xuyên đông khách. Vào quán, đa phần khách đều bất ngờ vì nhân viên ở quán là những người khuyết tật, khiếm thính hoặc câm điếc bẩm sinh. Dù không thể cất lời chào hay trò chuyện nhưng nhân viên lại vô cùng niềm nở, thân thiện với khách, luôn cúi chào, cảm ơn khách một cách chân thành.
Đưa những ngón tay liến thoắng ra dấu hiệu thay giọng nói, anh Trần Đình Tâm (sinh năm 1993, quận Sơn Trà, chủ quán cà phê) trao đổi nhanh với một nhân viên về cách pha chế nước cho khách.
Vốn thường tham gia các hoạt động từ thiện, anh có nhiều cơ hội tiếp xúc với người khuyết tật. Nhận thấy đa phần người khuyết tật chỉ làm những nhẹ nhàng, làm thêm ở nhà với thu nhập thấp, anh Tâm ấp ủ phát triển mô hình kinh doanh để tạo điều kiện cho người khuyết tật làm việc và hòa nhập.
Sau nhiều lần bàn tính với vợ, năm 2019, anh Tâm quyết định mở quán cà phê và "mời" những bạn khuyết tật về làm nhân viên. Tất cả các nhân viên đều trải qua thời gian dài tập huấn, đào tạo về phục vụ, pha chế…
"Lúc đó, việc tôi lo lắng nhất là các bạn không nói được thì làm sao phục vụ khách. Vì vậy, tôi phải tỉ mỉ hướng dẫn các bạn lúc khách vào thì làm gì, lúc gọi nước thì phải làm như thế nào. Vừa đào tạo, vừa kiểm tra kỹ năng của các bạn trong một năm để đảm bảo mọi khâu đều vận hành ổn định", anh Tâm nhớ lại.
Khi gần đến ngày khai trương, dịch Covid-19 ập tới khiến tất cả dự định đành phải gác lại. Sau 2 lần tạm hoãn, đến giữa tháng 10/2021, quán mới chính thức hoạt động.
"Trong thời gian dịch bệnh, vợ chồng tôi ở Quảng Nam, tôi cũng tìm cách kiếm xe để gửi thực phẩm, rau củ ra hỗ trợ cho các bạn vì đa phần nhân viên đều có hoàn cảnh khó khăn", anh Tâm kể.
Hiện, quán hiện có 15 nhân viên là người khiếm thính hoặc câm điếc bẩm sinh (chủ yếu đến từ Quảng Nam, Đà Nẵng) phụ trách nhiều vị trí. Tuy nhiên, quản lý, bảo vệ và 50% nhân viên pha chế vẫn là người bình thường.
Do có tham gia các hoạt động thiện nguyện nên anh Tâm có biết đôi chút thủ ngữ (ngôn ngữ ký hiệu). Sau này, khi quyết định mở quán, anh tự học thêm trên Internet để trò chuyện với các bạn. Các nhân viên là người bình thường ở quán cũng được yêu cầu phải học ngôn ngữ kí hiệu để trò chuyện, thảo luận công việc với các bạn khác.
"Ngày xưa, các bạn chủ yếu nhận việc về làm, ngồi một chỗ ở nhà, hoặc làm việc ở các cơ sở của Hội, chỉ giao tiếp với mọi người trong cộng đồng. Những ngày đầu, các bạn cũng rất bỡ ngỡ, ngượng ngùng. Tuy nhiên, hiện các bạn đều đã quen việc, mạnh dạn hơn, kết nối với nhau nhiều hơn. Các bạn làm việc có KPI, đăng ký lịch làm việc tuần sau vào cuối tuần, được nghỉ một ngày trong tuần…", anh Tâm cho hay.
Ngôi nhà thứ 2 của người khuyết tật
Khuyết tật câm điếc bẩm sinh, lại có bệnh tim không thể thường xuyên lên xuống cầu thang nên Lê Phú Tài (sinh năm 1994, Đà Nẵng) chủ yếu làm việc ở khu vực tầng một.
Nhiệm vụ của Tài chào khách ở khu vực cửa và chạy bàn. Thấy khách vào, Tài luôn cúi gập người để chào, rồi giơ tay mời khách sang quầy gọi nước và thanh toán trước.
Trước khi làm việc ở quán, Tài chủ yếu chỉ ở nhà, ngoài gia đình và những người thân quen, Tài khá ít tiếp xúc với người lạ. Đây là lần đầu tiên Tài có một công việc, được gặp nhiều người và có thêm nhiều bạn mới.
"Những ngày đầu, mình rất lúng túng vì chưa quen việc nhưng được mọi người hướng dẫn nên mình cũng dần quen việc. Các anh chị em trong quán đều như những thành viên trong gia đình, quan tâm, chăm sóc nhau. Mình cũng mong chờ tháng lương đầu tiên để có thể mang về tặng cho bố mẹ", Tài chia sẻ thông qua thủ ngữ.
Trên tầng 2, Lê Đỗ Đinh Kha (sinh năm 1994, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng tất bật rót trà mời khách, dọn món, lau bàn, chỉnh lại ghế sau khi khách rời đi… Hình ảnh chàng trai khiếm thính lanh lợi, nhiệt tình tạo nhiều thiện cảm với mọi người.
Trước đây, Kha từng có thời gian làm thêm vào cuối tuần ở một quán cà phê gần nhà nên Kha cũng không mất quá lâu để bắt nhịp với công việc. Là người duy nhất khiếm khuyết trong gia đình nên đôi lúc Kha cũng mang mặc cảm. Thế nhưng việc được đi làm, có nguồn thu nhập giúp anh tự tin hơn.
"Những ngày đầu, nhiều khách không biết nên cũng phàn nàn khi phục vụ nước lên chậm hay quên châm trà cho khách… Anh quản lý phải giải thích để khách hiểu", Kha cho hay.
Những ngày này, vừa vận hành quán, anh Tâm vừa tiếp tục bổ sung và hoàn thiện mô hình kinh doanh. Chỉ tay lên những mảng tường lớn, anh Tâm dự định làm những bức tranh lớn dạy thủ ngữ đơn giản để khách đến quán có thể xem và trò chuyện với nhân viên.
"Trong tương lai, tôi cũng ấp ủ mong muốn nhân rộng mô hình này, phát triển chuỗi quán cà phê để tạo việc làm cho người khuyết tật ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Qua đó, tôi muốn tạo sinh kế bền vững và môi trường hòa nhập tốt nhất cho những người khuyết tật", anh Tâm nói.
Bà Đặng Hương Giang, Phó Chủ tịch Hội Người Khuyết tật TP Đà Nẵng cho biết, Hội có kết hợp để giới thiệu người khuyết tật vào quán cà phê làm việc. Đây là một mô hình hay nếu có thể duy trì được lâu dài vì tạo được việc làm ổn định cũng như tạo cơ hội hòa nhập cho người khuyết tật khiếm thính, câm điếc.