DNews

Kỳ 3: An cư, ổn canh, yên biên giới

Hoàng Lam

(Dân trí) - "Các căn nhà từ chương trình hỗ trợ của ngành công an đã giúp người dân an cư, ổn canh, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, từ đó góp phần giữ yên biên giới" - lãnh đạo địa phương đánh giá.

Kỳ 3: An cư, ổn canh, yên biên giới

Ngàn mái nhà ấm tình biên giới:

Kỳ 3: An cư, ổn canh, yên biên giới

(Dân trí) - "Những căn nhà từ chương trình hỗ trợ của ngành công an đã giúp người dân an cư, ổn canh, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, từ đó góp phần giữ yên biên giới" - lãnh đạo địa phương đánh giá.

An cư, xây "vùng xanh" chặn ma túy

Na Ngoi là một trong những xã nghèo, đồng thời được xác định là xã trọng điểm về ma túy ở Nghệ An khi nằm trên khu vực trung chuyển ma túy từ tam giác Vàng vào Việt Nam. Đây cũng là một trong 27 xã thuộc 8 huyện có đường biên với nước bạn Lào đang triển khai đề án "Xã biên giới sạch ma túy". Cùng với đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm ma túy, cắt cung, giảm cầu, chặn đứng các đường dây mua bán trái phép ma túy thẩm lậu qua biên giới, ngành công an và chính quyền các địa phương đang nỗ lực đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả công tác khoanh vùng, tổ chức cai nghiện, không để hình thành các tụ điểm mua bán, sử dụng ma túy trên địa bàn.

Kỳ 3: An cư, ổn canh, yên biên giới - 1

Lãnh đạo Bộ Công an và nhà tài trợ trao kinh phí hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo nơi biên giới tỉnh Nghệ An.

Một thực tế là đói nghèo, thiếu hiểu biết về pháp luật khiến người dân các xã biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số dễ bị lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy. Mặt khác, ma túy cũng chính là nguồn gốc phát sinh nhiều loại tội phạm khác, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, đặc biệt là ở các xã biên giới.

"Qua công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm gắn với đề án "Xã biên giới sạch ma túy", chúng tôi nhận thấy rằng, để phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy một cách triệt để, lâu dài phải đảm bảo đời sống cho dân, trước mắt là đảm bảo nơi ăn, chốn ở. Khi bà con an cư, ổn định sản xuất, sẽ có động lực giảm nghèo, nâng cao đời sống, từ đó góp phần cùng công an và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội xây dựng các "vùng xanh", "lá chắn" ma túy, giữ vững bình yên bản làng", Thượng tá Trần Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho hay.

Kỳ 3: An cư, ổn canh, yên biên giới - 2

Thượng tá Trần Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An.

Ngoài 1.820 nhà do Bộ Công an hỗ trợ tại 27 xã biên giới, Công an tỉnh Nghệ An với sự đồng hành, tài trợ của các cá nhân, doanh nghiệp, đã triển khai xây dựng 1.000 căn nhà tặng hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở tại các xã nội địa thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng. Cùng với việc tiếp tục triển khai chương trình làm nhà lắp ghép đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, công an tỉnh Nghệ An sẽ lắng nghe ý kiến, tâm tư của nhân dân để nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với thực tiễn, văn hóa và điều kiện sống của người dân khu vực miền núi. 

Theo bà Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, đến đầu năm 2023, Nghệ An còn hơn 55.000 hộ nghèo, hơn 53.000 hộ cận nghèo; trong đó có 15.300 hộ đang gặp khó khăn về nhà ở. Hưởng ứng cuộc vận động của tỉnh, đã có trên 140 cơ quan, đơn vị, đăng ký ủng hộ 11.000 căn nhà tặng hộ nghèo, hộ khó khăn.

Kỳ 3: An cư, ổn canh, yên biên giới - 3

Lực lượng công an hành quân xuyên rừng dựng nhà cho hộ nghèo.

"Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An là đơn vị đăng ký ủng hộ sớm nhất, nhiều nhất, chọn địa bàn khó khăn nhất, triển khai nhanh nhất và huy động lực lượng đông đảo nhất tham gia vào chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Việc triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở của ngành công an như một ngày hội ở các bản làng và trở thành một chiến dịch lớn ở các xã và 6 huyện biên giới của tỉnh, được chính quyền và nhân dân đồng tình, hưởng ứng cao. Hiện, ngoài 2.820 căn nhà do Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An đã triển khai, có thêm 300 hộ nghèo tại huyện Kỳ Sơn đăng ký được hỗ trợ từ chương trình này. Điều đó đã khẳng định niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chính quyền trong công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống nhân dân", bà Võ Thị Minh Sinh cho biết.

Đòn bẩy để thoát nghèo

Theo Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, đây là chương trình có ý nghĩa và hết sức nhân văn. Những căn nhà "3 cứng" không chỉ giúp nhân dân an cư, lạc nghiệp, yên tâm phát triển kinh tế, tăng thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống mà còn là một trong những giải pháp để thực hiện đồng bộ đề án "Xã biên giới sạch ma túy" từ "làm sạch" đến giữ vững kết quả xã sạch ma túy, tiến tới mở rộng và xây dựng huyện sạch ma túy, từng bước đưa Nghệ An ra khỏi địa bàn trọng điểm về ma túy.

Kỳ 3: An cư, ổn canh, yên biên giới - 4

Ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy và Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra chất lượng nhà do công an hỗ trợ tại huyện Kỳ Sơn (Ảnh: T. Duy).

Bên cạnh đó, gần 3.000 căn nhà cho người nghèo do Bộ Công an và Công an tỉnh triển khai, đang hoàn thiện, bàn giao cho người dân đưa vào sử dụng là nguồn cổ vũ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... đăng ký ủng hộ cuộc vận động xóa nhà tạm, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, địa phương này vận động hỗ trợ 15.000-16.000 căn nhà cho hộ nghèo, từ đó tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, từng bước tăng thêm thu nhập cho người dân.

Đánh giá về hiệu quả bước đầu của chương trình hỗ trợ nhà ở do Bộ Công an triển khai trên địa bàn, ông Xồng Bá Dênh - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) nói: "Các căn nhà từ chương trình hỗ trợ của Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An đã giúp người dân an cư, ổn canh, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, giảm tình trạng di dịch cư, di cư sang Lào, từ đó góp phần giữ yên biên giới".

Kỳ 3: An cư, ổn canh, yên biên giới - 5

Niềm vui trong căn nhà mới của anh Xồng Bá Đở.

Gia đình anh Xồng Bá Đở (37 tuổi, bản Buộc Mú, xã Na Ngoi) được hỗ trợ nhà. Lấy vợ gần 15 năm, đây là lần đầu tiên người đàn ông này có căn nhà riêng của mình. "Trước đây vợ chồng tôi ở chung với ông bà, nhà chật, lại đông người, ra đụng, vào chạm nhau. Khi người em trai đưa gia đình vào miền Nam làm thuê thì vợ chồng tôi và 5 đứa con chuyển sang nhà chú ở, vừa để trông hộ nhà luôn. Tết nhất, cả nhà chú ấy về, sinh hoạt bất tiện lắm. Tôi cũng muốn làm cái nhà, bé bé thôi cũng được nhưng nhà nước đóng cửa rừng, không thể đi chặt gỗ, mua thì không có tiền...", anh Đở chia sẻ.

Căn nhà vừa mới dựng lên, chưa có đồ đạc gì nhiều nhưng với anh Đở, thực sự như một giấc mơ. Anh tính mua ít mét vải, về ngăn thành từng gian để vợ chồng, con cái có chỗ ăn, chỗ ngủ hợp lý. "Không phải lo chỗ ở nữa, mình chỉ lo làm rẫy, chăm vườn đào để kiếm ngày 3 bữa ăn cho các con. Vườn đào mỗi năm bán cành vào dịp Tết cũng được hơn 20 triệu đấy. Mình góp lại, mua con bò, con dê nuôi thêm để lo cho các con ăn học, không có chữ thì khổ lắm", trong căn nhà mới, anh Đở đang vạch kế hoạch lâu dài cho cả gia đình.

Kỳ 3: An cư, ổn canh, yên biên giới - 6

Những căn nhà vững chãi đang dần thay thế nhà tạm, nhà tranh tre ở các huyện biên giới Nghệ An.

Ông Vi Văn Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho rằng, chương trình hỗ trợ nhà ở do Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An triển khai, gắn với Đề án xã biên giới sạch ma túy là một chương trình thiết thực, đi vào lòng dân, giải quyết những khó khăn về nhà ở của nhiều hộ dân.

"Đây là cơ hội cho hàng nghìn hộ nghèo với hàng nghìn nhân khẩu có điều kiện ổn định nơi ở. Có những người dân, khi đoàn công tác của Công an tỉnh và chúng tôi đến trao nhà đã rất cảm động, họ gọi đây là ngôi nhà trong mơ. Tin tưởng rằng, những ngôi nhà này sẽ giúp các hộ nghèo an cư, lạc nghiệp, phấn đấu thoát nghèo, từ đó là đòn bẩy để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội nói chung, an ninh biên giới nói riêng", Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn kỳ vọng.

                                 Nội dung: Hoàng Lam

                                 Ảnh: Hoàng Lam - Công an Nghệ An - T. Duy