Hỗ trợ nhà ở cho gần 1,4 triệu hộ người có công, hộ nghèo
(Dân trí) - Kể từ năm 2011 đến nay, nhà nước và các doanh nghiệp, đoàn thể đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho gần 1,4 triệu hộ gia đình là người có công, hộ nghèo, hộ bị thiệt hại trong thiên tai bão lũ…
Ngày 28/3, phát biểu trực tuyến tại hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội", Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết: "Đảng và Nhà nước luôn quan tâm ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, người có thu nhập thấp khu vực đô thị cũng như từng bước giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động tại khu công nghiệp và học sinh, sinh viên".
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng là chính sách an sinh xã hội quan trọng, được quy định trong Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Việc thi hành chính sách trong thời gian qua đã được cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân đồng thuận, tích cực thực hiện. Nhờ đó, đời sống của người có công với cách mạng và gia đình ngày càng được cải thiện, từng bước nâng cao chất lượng sống.
Tính đến ngày 31/5/2017, Bộ LĐ-TB&XH đã thẩm tra số liệu hộ gia đình người có công cần hỗ trợ về nhà ở trên cả nước và công nhận tổng số hộ cần hỗ trợ là trên 390.000 hộ; trong đó có trên 184.000 hộ xây dựng mới và 209.000 hộ sửa chữa, tương ứng với tổng ngân sách hỗ trợ là gần 11.600 tỷ đồng. Đến tháng 1/2018, Bộ Tài chính đã cấp đủ kinh phí từ ngân sách Trung ương cho các địa phương thực hiện.
Việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo được nghiên cứu, xây dựng điều chỉnh phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa phương theo từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Trong giai đoạn 2011-2015, các địa phương đã hỗ trợ được 531 ngàn hộ nghèo. Giai đoạn 2016-2020 tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo vay vốn làm nhà ở. Tính đến tháng 12/2020, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ được 117 ngàn hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Ngoài ra, từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp và cộng đồng, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã xây dựng, sửa chữa trên 323 ngàn căn nhà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lũ lụt khu vực miền Trung, đến tháng 11/2021, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ được khoảng 19.000 hộ xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt.
Về nhà ở xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, đến nay đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo khuyến khích cho doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội.
Hiện trên cả nước đã hoàn thành 271 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đang tiếp tục triển khai 289 dự án. Qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống công nhân, người lao động, giúp người lao động yên tâm sản xuất, ổn định tình hình lao động, việc làm trong khu vực doanh nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhận định: "Kết quả thực hiện chính sách đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo ở nông thôn có nhà ở an toàn, ổn định, giúp các hộ nghèo yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển nông thôn mới".
5 nội dung cần thực hiện để phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp
Để tiếp tục thực hiện chăm lo nhà ở cho người có công với cách mạng, các hộ nghèo, người có thu nhập thấp khu vực đô thị, người lao động tại khu công nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề nghị cần tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:
1. Hoàn thiện sửa đổi, bổ sung một số chính sách phát triển nhà ở gồm: Nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở theo chương trình mục tiêu… Hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở, về đầu tư theo hướng thống nhất, đồng bộ các quy định pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đất đai…
2. Trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở bảo đảm phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt nhằm đáp ứng phát triển các dự án đô thị, dự án phát triển nhà ở, dự án phát triển nhà xã hội, nhà công vụ, nhà phục vụ tái định cư.
3. Bố trí hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách; huy động hiệu quả nguồn vốn nước ngoài thông qua cơ chế huy động tài chính quốc tế, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển nhà ở xã hội.
4. Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi thuế liên quan đến nhà ở xã hội như miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác theo pháp luật về thuế và pháp luật về nhà ở. Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình đầu tư phát triển nhà ở.
5. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá chính sách nhà ở xã hội và cung cấp thông tin cho nhân dân thông qua các phương thức truyền thông khác nhau.