Dịch giả Trần Đình Hiến - người chuyển ngữ các sách của Mạc Ngôn - qua đời
(Dân trí) - Dịch giả Trần Đình Hiến - người có công lớn trong việc đưa những tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc đến Việt Nam cũng như giúp độc giả Việt Nam đến gần hơn với cây đại thụ Mạc Ngôn - đã qua đời.
"Ông ra đi vì bệnh tuổi già, hưởng thọ 92 tuổi, lễ truy điệu và đưa tang đã diễn ra hôm 20/2", nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Dịch giả Trần Đình Hiến là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc. Ông am hiểu văn hóa truyền thống Trung Quốc tới mức có thể gọi ông là nhà Trung Quốc học. Trước khi là dịch giả văn học, ông từng hoạt động ngoại giao ở đất nước này.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: "Dịch giả Trần Đình Hiến có nghệ thuật dịch tốt, thể hiện qua cách chọn tác giả, tác phẩm và chuyển ngữ làm sao để gây tác động đến bạn đọc Việt".
PGS.TS Ngô Văn Giá chia sẻ: "Tiếc thương ông, một dịch giả uy tín, có nhiều công lao chuyển ngữ văn học Trung Quốc, nhờ đó có tác động vào văn học Việt Nam đương đại".

Dịch giả Trần Đình Hiến trong lần giới thiệu bản gốc tiểu thuyết "Báu vật của đời" của Mạc Ngôn (Ảnh: Đinh Nha Trang).
Nhà thơ Mai Văn Phấn bày tỏ: "Sự ra đi của dịch giả Trần Đình Hiến là một mất mát lớn đối với những ai yêu mến văn chương và trân trọng những bản dịch xuất sắc của ông".
Theo nhà thơ Mai Văn Phấn, qua những tác phẩm do ông chuyển ngữ, độc giả Việt Nam có cơ hội tiếp cận với những nền văn hóa lớn, đặc biệt là kho tàng văn chương Trung Quốc phong phú và đa dạng.
"Nhờ ông, chúng ta được bước vào thế giới Đàn hương hình đầy ám ảnh; cảm nhận nỗi bi thương và kiêu hãnh trong Báu vật của đời; căm phẫn trước những bất công xã hội trong Cây tỏi nổi giận của Mạc Ngôn.
Độc giả còn lắng nghe tiếng gào thét hoang dã trong Tô tem sói của Khương Nhung hay chiêm nghiệm chiều sâu nhân sinh trong các tác phẩm của nhiều nhà văn lớn khác.
Chính những bản dịch ấy đã mở ra cho chúng ta một cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử, văn hóa và con người Trung Hoa qua lăng kính văn chương", Mai Văn Phấn nói với phóng viên Dân trí.
Nhà thơ đánh giá, mỗi bản dịch của Trần Đình Hiến là kết tinh của trí tuệ, tâm huyết và lòng yêu văn chương. Ông miệt mài trên "cánh đồng chữ", cẩn trọng trong từng câu chữ để giữ trọn hồn cốt nguyên tác, đồng thời giúp tác phẩm vang lên với âm điệu phù hợp với độc giả Việt.
Nhờ ông, văn chương Trung Quốc không còn xa lạ mà trở nên gần gũi, sống động trong tâm thức người đọc.
Dịch giả Trần Đình Hiến sinh năm 1933, quê ở Đình Chu, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Năm 1964-1966, ông theo học nghiên cứu sinh Hán ngữ Cổ đại ở Đại học Tổng hợp Bắc Kinh, Trung Quốc. Giai đoạn 1967-1983, dịch giả công tác trong Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh.
Bắt đầu dịch thuật từ những năm 1950, dịch giả Trần Đình Hiến nhanh chóng khẳng định tài năng qua những bản dịch mượt mà, tinh tế.
Song, ông đặc biệt gắn bó với các tác phẩm của Mạc Ngôn - nhà văn Trung Quốc đoạt giải Nobel Văn học năm 2012 - và ông cũng chỉ được biết đến khi chuyển ngữ cuốn Đàn hương hình của cây đại thụ này.
Những bản dịch Báu vật của đời, Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận không chỉ giúp độc giả Việt Nam tiếp cận gần hơn với văn học Trung Quốc đương đại mà còn góp phần làm nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Mạc Ngôn tại Việt Nam.
Sinh thời, ông từng nói: "Tôi thích quan điểm sáng tác của Mạc Ngôn: Văn học là nơi để nhà văn bộc lộ mình một cách trung thực nhất và phản ánh chính xác nhất thời đại".
Ngoài ra, Trần Đình Hiến còn chuyển ngữ nhiều tác phẩm quan trọng như: Cây không gió của Lý Nhuệ hay Tô tem sói của Khương Nhung.
Sinh thời, khi đã ở tuổi xưa nay hiếm, dịch giả Trần Đình Hiến vẫn duy trì khả năng dịch 30-40 trang mỗi ngày, một năng suất đáng nể.
Với ông, dịch thuật không đơn thuần là chuyển ngữ, mà là một hành trình đồng sáng tạo với tác giả, đòi hỏi sự thấu hiểu sâu sắc về bối cảnh văn hóa của từng tác phẩm.
Không chỉ là một dịch giả, Trần Đình Hiến còn là một nhà nghiên cứu nghiêm cẩn. Ông luôn nỗ lực tiếp cận tác phẩm một cách toàn diện, sẵn sàng đi đến tận những vùng đất xuất hiện trong nguyên tác để có cái nhìn chân thực hơn.
Với ông, dịch thuật là cây cầu nối giữa hai nền văn hóa, và ông luôn làm hết sức để cây cầu ấy vững chắc nhất có thể.
Những đóng góp của dịch giả Trần Đình Hiến đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng danh giá. Ông từng nhận Giải thưởng Văn học Việt Nam năm 2003 cho bản dịch Đàn hương hình, cũng như Giải Hữu nghị từ Chính phủ Trung Quốc.
Dù vậy, ông chưa bao giờ đặt nặng danh vọng, mà chỉ lặng lẽ miệt mài làm việc, cống hiến đến những năm tháng cuối đời.
Sự ra đi của dịch giả Trần Đình Hiến để lại một khoảng trống lớn trong giới dịch thuật. Tuy nhiên, di sản đồ sộ mà ông để lại sẽ tiếp tục sống mãi trong lòng độc giả.
Những bản dịch của ông không chỉ giúp người Việt hiểu hơn về văn học Trung Quốc, mà còn là minh chứng cho sự tận tâm và bền bỉ của một con người đã dành trọn đời để đưa những tác phẩm kinh điển đến gần hơn với độc giả quê hương.