DNews

Kỳ 1: Những ngôi nhà "xây" trên đôi vai

Hoàng Lam

(Dân trí) - Những căn nhà trên kín, dưới lành, đủ vững chãi dần thay thế nhà tạm, nhà tranh tre. Bức tranh nhà ở miền Tây Nghệ An đang thay đổi từng ngày, nhờ những người vẫn đêm ngày miệt mài "cõng" nhà lên non.

Kỳ 1: Những ngôi nhà "xây" trên đôi vai

Ngàn mái nhà ấm tình biên giới:

Kỳ 1: Những ngôi nhà "xây" trên đôi vai

Những căn nhà trên kín, dưới lành, đủ vững chãi dần thay thế nhà tạm, nhà tranh tre. Bức tranh nhà ở miền Tây Nghệ An đang thay đổi từng ngày, nhờ những người vẫn đêm ngày miệt mài "cõng" nhà lên non.

Trầy vai gùi vật liệu, thức đêm san nền làm nhà cho dân

Tháng 4/2023, xã biên giới Mường Típ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) nóng hầm hập như chảo lửa. Đứng bên này dòng sông Nậm Típ nhìn sang nước bạn Lào chỉ thấy những khoảnh rừng trơ trụi, khô khốc.

Nắng nóng, đường xa, đèo dốc không ngăn được bước chân của những cán bộ, đảng viên xã Mường Típ tỏa về các bản làng, quyết tâm hoàn thành phần móng nhà bằng bê tông trong một tuần để thợ lắp khung, dựng vách, lợp mái nhà cho các hộ nghèo. Theo phân bổ, xã Mường Típ được Bộ Công an hỗ trợ 82 căn nhà, trải đều ở 7 bản.

Kỳ 1: Những ngôi nhà xây trên đôi vai - 1

Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) giúp người dân thực hiện phần móng nhà (Ảnh: CANA).

"Chúng tôi thành lập 7 tổ chỉ đạo, phân công các cán bộ trong Ban thường vụ Đảng ủy xã trực tiếp phụ trách, tổ chức và giám sát việc làm móng nhà, đảm bảo đúng quy chuẩn kỹ thuật theo thiết kế", ông Hạ Bá Thái - Chủ tịch UBND xã Mường Típ cho hay.

Ban chỉ đạo làm nhà bản Chà Lạt do Đại úy Lê Hồng Việt - Trưởng Công an Mường Típ phụ trách. Bản nằm cách trung tâm xã 5km, dân cư sinh sống rải rác trên các sườn núi. 7 hộ dân được hỗ trợ làm nhà thì có tới 3 hộ nằm chênh vênh trên sườn dốc, việc vận chuyển xi măng, vật liệu hết sức khó khăn, trong khi đó nhân lực lại ít do phần lớn lao động trong bản đã đi làm ăn xa, không có ở nhà. Đang "bí", Đại úy Việt như mở cờ trong bụng khi Đoàn thanh niên Công an huyện Kỳ Sơn hành quân gần 50 cây số, vào tận nơi hỗ trợ.

Kỳ 1: Những ngôi nhà xây trên đôi vai - 2

Đại úy Lê Hồng Việt - Trưởng công an xã Mường Típ bàn bạc với một hộ dân được thụ hưởng chương trình hỗ trợ nhà ở (Ảnh: Hoàng Lam)

Cả bản như một đại công trường tấp nập, sắc phục công an hòa lẫn những lưng áo đẫm mồ hôi của cán bộ và người dân trong bản. Những nhát cuốc, những chiếc xà beng thọc xuống đất núi, chạm đá cứng, tóe lửa. Mặt bằng dần được hoàn thiện, móng nhà cũng được hình thành khi những đôi tay đã phồng rộp, khuôn mặt đỏ ửng, đầm đìa mồ hôi. 4 móng nhà ở dưới chân núi đã hoàn thành, tốp "thợ xây" hành quân lên sườn núi, tiếp tục hoàn thành 3 móng nhà còn lại.

"Khó khăn lớn nhất ở đây không phải là mặt bằng mà là vận chuyển xi măng, cát, sỏi lên. Dốc cao, dựng đứng, đi tay không thôi mồm mũi cũng thi nhau thở rồi. Không có cách nào khác, anh em phải thay nhau gùi từng bao xi măng, từng gùi cát, xách từng can nước, bấu vào đất, vào đá, vào cành cây bụi thấp mà nhích lên. Vai bị dây gùi thít chặt, ê ẩm, mồ hôi chảy vào mắt cay xè nhưng mọi người động viên nhau cố gắng khắc phục khó khăn để bà con sớm có nhà ở", Đại úy Việt cho biết.

Kỳ 1: Những ngôi nhà xây trên đôi vai - 3
Kỳ 1: Những ngôi nhà xây trên đôi vai - 4
Kỳ 1: Những ngôi nhà xây trên đôi vai - 5

Lực lượng công an cùng người dân gùi vật liệu làm nhà cho hộ nghèo tại huyện Kỳ Sơn.

Đến thời điểm này, 82 móng nhà bằng bê tông đã hoàn thành, sẵn sàng cho đơn vị thi công lắp ghép. Dự kiến, trong 2 tuần tới, 82 hộ dân sẽ được chuyển vào nhà mới ở.

Trong khi đó, tại xã Nhôn Mai (huyện Tương Dương), công tác chuẩn bị móng nhà thuộc chương trình "đối ứng" của huyện theo kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở do Bộ Công an và Công an Nghệ An triển khai cũng đã hoàn tất. Xã nghèo và xa nhất huyện Tương Dương được thụ hưởng 131 căn nhà lắp ghép đáp ứng 3 tiêu chí nền cứng, khung - vách cứng và mái cứng, thay thế cho những căn nhà tạm bợ, xuống cấp của người dân tại 11 bản. Trong đó, 2 bản tách biệt trong khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ là Piêng Luống và Phia Òi được hỗ trợ 46 căn nhà.

Kỳ 1: Những ngôi nhà xây trên đôi vai - 6

Công an xã Nhôn Mai (Tương Dương, Nghệ An) vận chuyển vật liệu xây dựng vượt sông đến 2 bản nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.

"Nếu như những bản khác chỉ mất 1-2 ngày để vận chuyển vật liệu xây dựng thì Phiêng Luống, Phia Òi phải mất 4-5 ngày. Để vào được tới nơi, chúng tôi phải chở xe máy từ điểm tập kết đến bờ lòng hồ rồi thay nhau vác xi măng, thép, cát xuống thuyền. Thuyền vượt lòng hồ, đưa sang bờ bên kia lại tiếp tục "tăng bo" lên các bản. Chúng tôi huy động cán bộ xã, công an, biên phòng, quân sự... tham gia vận chuyển vật liệu đến hai bản lòng hồ, hoàn thành trước mùa cạn bởi khi nước rút, thuyền không di chuyển được", ông Lữ Ngọc Tinh - Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai cho biết.

Công an gùi gạch, xi măng lên núi

Huyện Quế Phong (Nghệ An) được hỗ trợ xây dựng 398 căn nhà lắp ghép, trong đó có 198 nhà từ nguồn Bộ Công an và 200 căn nhà từ Công an tỉnh Nghệ An. Theo ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, đến thời điểm này, đã có 362 căn nhà được hoàn thành, bàn giao người dân đưa vào sử dụng. Hiện huyện đang tập trung chỉ đạo, huy động nhân lực, phát huy tinh thần xung kích, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành 36 căn nhà còn lại, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Kỳ 1: Những ngôi nhà xây trên đôi vai - 7

Vận chuyển vật liệu để dựng nhà trên núi là một nhiệm vụ khó khăn khi địa hình dốc đứng (Ảnh: CANA).

"Chúng tôi huy động tổng lực hệ thống chính trị, đoàn thể xã hội tham gia tháo dỡ nhà cũ, vận chuyển nguyên vật liệu, san nền, làm móng cho các hộ dân được thụ hưởng. Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ lẫn nhau về nhân lực, hoàn thành sớm nhất nền nhà, đảm bảo về chất lượng và kỹ thuật. Đối với các điểm khó, các bản làng vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, huyện phân công cho các đơn vị vũ trang như công an, quân sự, biên phòng đảm trách. Riêng xã biên giới Tri Lễ, chỉ trong vòng 17 ngày đêm đã làm xong 109 móng nhà bằng bê tông. Có những điểm anh em phải gùi từng bao cát, viên gạch, thắp đèn làm đêm để hoàn thành móng cho đơn vị thi công triển khai lắp ghép", ông Vũ cho biết.

Tại huyện nghèo Kỳ Sơn, có 1.087 hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở được thụ hưởng chương trình hỗ trợ nhà ở của Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An. Cụ thể, Bộ Công an hỗ trợ 587 căn nhà tại 11 xã biên giới, Công an tỉnh hỗ trợ 500 căn nhà tại 9 xã nội địa. Là địa phương có số nhà hỗ trợ nhiều nhất tỉnh, cũng là địa phương có diện tích rộng, địa hình, giao thông khó khăn bậc nhất Nghệ An nhưng chỉ chưa đầy 2 tháng kể từ khi triển khai, Kỳ Sơn đã cơ bản hoàn thành khối lượng công việc của mình.

Kỳ 1: Những ngôi nhà xây trên đôi vai - 8
Kỳ 1: Những ngôi nhà xây trên đôi vai - 9

Lực lượng thanh niên tình nguyện xung kích vận chuyển vật liệu làm móng, dựng nhà cho hộ nghèo.

Thời điểm này, Kỳ Sơn hoàn thành 100% phần san ủi, đổ móng, bàn giao và đưa vào sử dụng gần 500 căn nhà. "Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện xuống tận từng thôn bản, đến hết tháng 4/2023, huyện Kỳ Sơn đã hoàn thành 100% căn nhà do Công an tỉnh Nghệ An hỗ trợ và hết tháng 6/2023 là 587 căn nhà của Bộ Công an sẽ được bàn giao để người dân đưa vào sử dụng, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch đề ra", ông Vi Văn Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn thông tin.

Là một trong những huyện nghèo nhất nước, Kỳ Sơn xác định chương trình hỗ trợ của Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An là cơ hội để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà tranh tre trong tiêu chí giảm nghèo hàng năm. Bởi vậy, cùng với hỗ trợ về kinh phí thực hiện của chương trình, huyện trích ngân sách hỗ trợ mỗi hộ nghèo 4-5 triệu đồng (bằng vật liệu xây dựng) để làm móng nhà, đồng thời huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên từ huyện đến tận thôn bản.

Kỳ 1: Những ngôi nhà xây trên đôi vai - 10

Những căn nhà đáp ứng tiêu chí 3 cứng đang dần thay thế nhà tạm, nhà dột nát ở biên giới xứ Nghệ.

"Ở nhiều thôn bản thực sự trở thành "đại công trường" xây dựng mà người cầm xẻng, cầm xà beng, cầm bay, người vận chuyển vật liệu đều là cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, tại nhiều xã, ngoài nỗ lực, đồng hành của cán bộ, đảng viên là sự chung tay, góp sức của bà con dân bản và chính các hộ dân được tặng nhà. Tất cả đều chung tay, nỗ lực vì mục tiêu nhà ở cho người nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau", Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn thông tin thêm.

                                                   Nội dung: Hoàng Lam

                                                   Ảnh: Hoàng Lam - CANA