1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Những khoản tiền sẽ tăng theo lương cơ sở từ 1/7

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Công nhân không thuộc 9 nhóm đối tượng được tăng lương khi lương cơ sở tăng. Tuy nhiên, nhờ chính sách tăng lương này mà công nhân được hưởng nhiều lợi ích từ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Từ ngày 1/7, lương cơ sở chính thức tăng từ 1.450.000 đồng/tháng lên mức 1.800.000 đồng tháng. Tuy nhiên, theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5, chỉ có 9 nhóm đối tượng được tăng lương và phụ cấp theo mức lương cơ sở mới.

Những khoản tiền sẽ tăng theo lương cơ sở từ 1/7 - 1

9 nhóm lao động được tăng lương, phụ cấp từ ngày 1/7/2023.

Trong khi đó, tiền lương của công nhân là do người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau bằng hợp đồng lao động. Mức lương này không phụ thuộc vào lương cơ sở nên không tăng khi lương cơ sở tăng từ ngày 1/7.

Tuy nhiên, công nhân vẫn được hưởng lợi nhờ chính sách tăng lương cơ sở. Vì khi lương cơ sở tăng, nhiều mức trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN), bảo hiểm y tế (BHYT) cũng tăng theo.

Tăng trợ cấp BHXH

Khi lương cơ sở tăng, công nhân được tăng các khoản trợ cấp BHXH bao gồm: Trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau; trợ cấp 1 lần khi sinh con; trợ cấp dưỡng sức sau thai sản; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hằng tháng.

Những khoản tiền sẽ tăng theo lương cơ sở từ 1/7 - 2

Các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2023.

Theo Điều 29 và Điều 41 Luật BHXH, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày và mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày đều được tính bằng 30% mức lương cơ sở. Từ ngày 1/7, mức hưởng 2 chế độ BHXH này sẽ tăng từ 447.000 đồng/ngày lên thành 540.000 đồng/ngày.

Theo Điều 38 Luật BHXH, trợ cấp một lần khi sinh con, nhận nuôi con nuôi bằng 2 lần mức lương cơ sở. Từ ngày 1/7, mức hưởng trợ cấp này sẽ tăng từ 2,98 triệu đồng cho mỗi con lên thành 3,6 triệu đồng cho mỗi con.

Trợ cấp mai táng được tính bằng 10 lần mức lương cơ sở. Như vậy, từ ngày 1/7, mức trợ cấp mai táng sẽ tăng từ 14,9 triệu đồng lên thành 18 triệu đồng.

Khi lương cơ sở tăng, mức trợ cấp tuất hằng tháng dành cho thân nhân của NLĐ đã mất sẽ là 900.000 đồng/tháng/thân nhân hoặc 1.260.000 đồng/tháng/thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng.

Công nhân bị TNLĐ-BNN hưởng lợi

Từ ngày 1/7, nhiều khoản trợ cấp khi công nhân bị TNLĐ-BNN cũng tăng theo lương cơ sở như: Trợ cấp một lần khi bị TNLĐ-BNN; trợ cấp phục vụ cho người bị TNLĐ-BNN; trợ cấp 1 lần khi chết do TNLĐ-BNN; trợ cấp dưỡng sức sau điều trị.

Những khoản tiền sẽ tăng theo lương cơ sở từ 1/7 - 3

Các khoản trợ cấp tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp từ ngày 1/7/2023.

Cụ thể, khi tăng lương cơ sở, NLĐ bị TNLĐ-BNN sẽ được hưởng trợ cấp một lần thấp nhất (khi bị suy giảm 5% khả năng lao động) là 9 triệu đồng, sau đó cứ suy giảm thêm 1% khả năng lao động được hưởng thêm 900.000 đồng.

Với những NLĐ bị TNLĐ-BNN đủ điều kiện hưởng trợ cấp hằng tháng sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng thấp nhất (khi bị suy giảm 31% khả năng lao động) là 540.000 đồng/tháng, sau đó cứ suy giảm thêm 1% khả năng lao động được hưởng thêm 36.000 đồng/tháng.

Mức trợ cấp phục vụ cho người bị TNLĐ, BNN tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng.

Mức trợ cấp một lần khi chết do TNLĐ-BNN tăng từ 53,64 triệu đồng lên thành 64,8 triệu đồng.

Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị thương tật, bệnh tật mỗi ngày tăng từ 447.000 đồng/ngày lên thành 540.000 đồng/ngày.

Tăng mức thanh toán BHYT

Ngoài các khoản trợ cấp, công nhân lao động còn được hưởng lợi khi đi khám chữa bệnh BHYT. Nguyên nhân là khi tăng lương cơ sở, số tiền được BHYT thanh toán 100% và mức thanh toán trực tiếp của BHYT cũng tăng lên.

Những khoản tiền sẽ tăng theo lương cơ sở từ 1/7 - 4

Mức thanh toán trực tiếp khi khám, chữa bệnh BHYT từ ngày 1/7/2023.

Cụ thể, theo điểm d khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người tham gia BHYT được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở.

Trước ngày 1/7, nếu chi phí cho một lần khám chữa bệnh của người bệnh thấp hơn 223.500 đồng thì được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí. Từ ngày 1/7, mức tối đa này sẽ tăng lên 270.000 đồng.

Ngoài ra, theo Điều 30 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức thanh toán trực tiếp cho người bệnh khám, chữa bệnh BHYT được tính theo lương cơ sở nên cũng sẽ tăng từ ngày 1/7.

Nếu người bệnh khám, chữa bệnh tại cơ sở tuyến huyện không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT (trừ trường hợp cấp cứu), mức thanh toán trực tiếp tối đa cho trường hợp ngoại trú tăng từ 223.500 đồng lên 270.000 đồng. Mức thanh toán trực tiếp tối đa cho trường hợp nội trú tăng từ 745.000 đồng lên 900.000 đồng.

Nếu khám, chữa bệnh nội trú tại cơ sở tuyến tỉnh và không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT (trừ trường hợp cấp cứu), mức thanh toán trực tiếp tối đa tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng.

Nếu khám, chữa bệnh nội trú tại cơ sở tuyến trung ương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT (trừ trường hợp cấp cứu), mức thanh toán trực tiếp tối đa tăng từ 3.725.000 đồng lên 4.500.000 đồng.

Trong trường hợp khám, chữa bệnh tại nơi đăng ký ban đầu không đúng quy định, người bệnh ngoại trú sẽ được thanh toán trực tiếp tối đa 270.000 đồng. Nếu khám chữa bệnh nội trú, người bệnh sẽ được thanh toán trực tiếp tối đa 900.000 đồng.