PhotoStory

Hơn 30 năm sống ẩn dật "bán mặt cho biển" của người cựu binh một chân

Thực hiện: Nguyễn Hành - Hoàng Giám

(Dân trí) - Thương binh 3/4 Phạm Triết Cường (56 tuổi) ra Phú Quốc lập nghiệp sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Một phần xương thịt của anh đã để lại vì bom đạn ở nơi nước bạn.

Hơn 30 năm sống ẩn dật bán mặt cho biển của người cựu binh một chân - 1

Năm 1987, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh Cường nhập ngũ. Anh được tuyển vào lực lượng trinh sát thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 30 (Quân khu 9). Qua khoảng 4 tháng huấn luyện tại Tiền Giang, anh và đồng đội được đơn vị điều động sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế.

Hơn 30 năm sống ẩn dật bán mặt cho biển của người cựu binh một chân - 2

Theo anh Cường, chiến trường khi đó rất ác liệt. Nhóm bạn của anh có 5 người thì hy sinh  mất một, 3 người khác bị thương, riêng anh bị thương rất nặng ở chân trong lần tham gia gỡ mìn để đơn vị hành quân.

Sau đó, người chiến sĩ trẻ được đồng đội đưa về trạm xá của đơn vị. Qua chẩn đoán, các y bác sĩ đã tiến hành cắt chân để giữ mạng sống cho anh. Năm 1988, anh Phạm Triết Cường được cấp giấy chứng nhận thương binh hạng 3/4 khi chưa xuất ngũ.

Hơn 30 năm sống ẩn dật bán mặt cho biển của người cựu binh một chân - 3

"Về nước năm 1989, cơn đau từ chân và những trận sốt rét làm sức khỏe tôi giảm sút nghiêm trọng. Bây giờ nhớ lại những tháng ngày đó tôi còn thấy bàng hoàng", anh tâm sự.

Cũng trong năm đó, anh được đưa về Bệnh viện 121 TP Cần Thơ để điều trị. Tại đây, anh được phẫu thuật chân một lần nữa. Cùng lúc này, anh bị sốt rét rừng nên tính mạng rất nguy kịch, tưởng chừng không qua khỏi. Nhưng nhờ các y bác sĩ cứu chữa tận tình, người thương binh thoát khỏi tay tử thần.

Hơn 30 năm sống ẩn dật bán mặt cho biển của người cựu binh một chân - 4

Năm 1990, khi những cơn đau dần dịu bớt, anh Cường theo một đồng đội cũ về miệt Hậu Giang chơi. Anh tình cờ gặp gỡ chị Đặng Thị Thu (cháu gái của đồng đội) rồi nên nghĩa vợ chồng. Một năm sau (1991), anh xuất ngũ và cùng vợ ra đất đảo lập nghiệp. Nơi anh đến là ấp Bãi Thơm (xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).

Hiện anh sống với vợ và cháu ngoại 4 tuổi trong căn nhà tình nghĩa do chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng. Nơi này khá hẻo lánh nhưng liền kề với biển nên thuận lợi để người cựu binh đánh bắt tôm, cá... mưu sinh.

Hơn 30 năm sống ẩn dật bán mặt cho biển của người cựu binh một chân - 5

Vợ chồng anh có hai người con đều đã lập gia đình và ra ở riêng. Anh kể những ngày đầu đặt chân lên đất đảo, ấp Bãi Thơm hoang sơ chỉ có mấy cư dân sống bằng nghề chài lưới. Nhưng anh nghĩ rừng biển mênh mông sẽ là nơi thanh nhàn để gia đình sống ẩn dật dù rằng sẽ rất thiếu thốn.

Hơn 30 năm sống ẩn dật bán mặt cho biển của người cựu binh một chân - 6

Ngày mới bắt đầu cũng là lúc anh Cường chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Anh có một "bẫy mực" dài khoảng 400m với khoảng 80 lưỡi câu mồi. Anh dùng chiếc ghe nhỏ di chuyển trên biển và tiến hành thả câu đánh mực. 

Hơn 30 năm sống ẩn dật bán mặt cho biển của người cựu binh một chân - 7

Bằng đôi chân khập khiễng, anh tập tành làm nghề đánh cá, bẫy mực... không nhanh nhẹn như người bình thường. Anh nói mình không giỏi nhưng sẽ lấy sự siêng năng để bù trừ lại và cố theo nghề. Ấy vậy mà thắm thoắt đã hơn 30 năm nay anh miệt mài với nghề, với biển.

Hơn 30 năm sống ẩn dật bán mặt cho biển của người cựu binh một chân - 8

Anh Cường và cháu ngoại 4 tuổi "đồng hành" nửa ngày trên biển nhưng thành quả thu được chỉ có vài con mực. "Hôm nay nước đục, mực không thấy đường ăn mồi. Những ngày nước biển trong xanh mực cắn câu nhiều hơn", anh nói.

Cũng theo anh Cường những ngày "trúng biển" anh thu được vài trăm nghìn đồng, khi thất thì chỉ đủ mực để ăn. Cuộc sống gia đình anh vì thế mà không ổn định, thỉnh thoảng vẫn thiếu trước, hụt sau.

Hơn 30 năm sống ẩn dật bán mặt cho biển của người cựu binh một chân - 9

"Nhưng điều đó không làm tôi quá lo lắng. Hàng ngày tôi vẫn đều đặn ra biển", anh nói.

Hơn 30 năm sống ẩn dật bán mặt cho biển của người cựu binh một chân - 10

Để cải thiện thu nhập, anh Cường làm thêm nghề lặn biển bắt ốc, sò, nhum... hơn 10 năm nay. 

Hơn 30 năm sống ẩn dật bán mặt cho biển của người cựu binh một chân - 11

Tuy nhiên với việc mất 1 chân, dùng chân giả khiến việc bơi lội của anh gặp nhiều trở ngại so với người bình thường. Khi sóng to, gió lớn anh lặn ở vùng biển gần nhà để đảm bảo an toàn.

Những ngày biển dịu êm, anh Cường và con trai dùng chiếc ghe nhỏ chạy qua Hòn Heo (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) - cách nhà khoảng 15km - để đánh bắt. Chuyến đi kéo dài khoảng 1 tuần, trừ hết chi phí mỗi người còn lại 3-4 triệu đồng.

Hơn 30 năm sống ẩn dật bán mặt cho biển của người cựu binh một chân - 12

Trong một lần lặn biển, anh bị thiếu hơi đột ngột nên phải cố đẩy người thật nhanh lên mặt nước để thở.

"Việc này rất nguy hiểm nhưng nghề nghiệp tôi nó vậy. Lúc còn trẻ hơi khỏe hơn, tôi có thể lặn sâu đến 20m. Bây giờ già rồi không còn được như trước, lặn 10m đã thấy mệt", anh tâm sự.

Hơn 30 năm sống ẩn dật bán mặt cho biển của người cựu binh một chân - 13

"Những loại hải sản như sò, nhum... ở vùng biển Phú Quốc không còn phong phú như thời điểm hơn chục năm trước. Có khi tôi lặn nhiều giờ nhưng chỉ thu được một ít hải sản, không kiếm được đồng nào", anh nói.

Hơn 30 năm sống ẩn dật bán mặt cho biển của người cựu binh một chân - 14

Cuộc sống gia đình anh vì thế mà mấy chục năm nay vẫn chưa có của ăn, của để. Sau một ngày "bán mặt cho biển", người thương binh cảm thấy mệt mỏi khắp người. Anh nói đây là dấu hiệu của tuổi già và lạc quan nói rằng ai rồi cũng sẽ như vậy, chứ không riêng gì anh.

Hơn 30 năm sống ẩn dật bán mặt cho biển của người cựu binh một chân - 15

Những ngày này, chị Thu (vợ anh Cường) lo lắng làm thế nào để có khoảng mười triệu đồng để chồng đi làm lại cái chân giả sắp hỏng.

"Chi phí làm chân giả cho thương binh được nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, gia đình phải ứng tiền làm trước, sau đó mới được thanh toán lại", chị Thu nói.

Hơn 30 năm sống ẩn dật bán mặt cho biển của người cựu binh một chân - 16

Anh Cường thì thoải mái hơn. Trong cuộc nói chuyện với phóng viên, anh chưa một lần nhắc đến những khó khăn của mình.

Hơn 30 năm sống ẩn dật bán mặt cho biển của người cựu binh một chân - 17

Những lúc rảnh rỗi, anh cùng các cháu ra hướng bờ biển - nơi có chiếc ghe cũ đã hư hỏng nhiều năm - đứng chơi hóng gió. Anh cho biết đây là "chứng tích" cho những ngày tháng miệt mài bám biển của mình trong quá khứ.

Hơn 30 năm sống ẩn dật bán mặt cho biển của người cựu binh một chân - 18

Chập tối anh và cháu ngoại quây quần với nhau xem vài video hài trên mạng. Anh nói cuộc sống mình bao nhiêu năm nay vẫn vậy. Dù lay lắt nhưng tinh thần rất tốt.

"Tôi luôn nói với vợ và các con cần phải có tinh thần lạc quan trong cuộc sống để có năng lượng làm việc, để dành thời gian yêu thương, chăm sóc nhau. Những vất vả bây giờ không so được với những khó khăn thời chinh chiến, sống hôm nay nhưng có thể chết vào ngày mai", anh tâm sự.