Lao động hồi hương sốc với lương 5 triệu đồng/tháng, tính trở lại Nhật
(Dân trí) - Hồi hương sau nhiều năm làm việc tại Nhật Bản, nhiều lao động rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc chỉ tìm được công việc có mức lương thấp tại quê nhà. Không trụ nổi, nhiều người tính xuất ngoại lần nữa.
Hồi hương, không phải biết ngoại ngữ là dễ kiếm việc
Mới đây, trong một hội nhóm cộng đồng người Việt sinh sống, làm việc tại Nhật Bản, một tài khoản ẩn danh đăng bài bày tỏ sự hoang mang và mất phương hướng sau khi hồi hương.
"Đi Nhật về 8 tháng rồi mà vẫn thất nghiệp. Mình nên làm gì bây giờ?", người này than thở, cho biết đã về nước chừng ấy thời gian nhưng "chưa có ngày nào cảm thấy yên ổn" và không biết bắt đầu lại từ đâu.

Câu chuyện của lao động hồi hương trên nhóm cộng đồng người Việt tại Nhật Bản (Ảnh: Chụp màn hình).
Anh chia sẻ, khi còn ở Nhật, dù chỉ làm công việc chân tay nhưng thu nhập mỗi tháng của anh cũng khoảng 30 triệu đồng. Nhờ đó, anh có thể gửi tiền về cho bố mẹ, giúp cuộc sống gia đình bớt phần vất vả.
Cuối năm 2024, sau khi hết hợp đồng làm việc và không xin được gia hạn visa, nam lao động buộc phải về nước.
"Tôi cứ nghĩ về nước sẽ dễ dàng tìm được việc vì từng có nhiều năm sống và làm việc tại Nhật, lại giao tiếp được bằng tiếng Nhật. Không ngờ thực tế khác xa. Công việc thì khó kiếm, lương lại thấp, có nơi trả 7-8 triệu đồng/tháng mà đòi hỏi đủ thứ kinh nghiệm.
Tôi từng xin được vào một công ty nhưng vì không có kinh nghiệm, kỹ năng gì nên người ta trả lương 5 triệu đồng/tháng. Làm vài tháng mà không đủ chi tiêu, có tháng tôi còn phải vay mẹ tiền để đổ xăng đi phỏng vấn, ngại lắm nhưng chẳng còn cách nào khác.
Cảm giác từ một người từng đi Nhật, giờ về mà không làm được gì… thực sự rất nhục nhã", người này giãi bày.
Băn khoăn về hướng đi cho tương lai, bức bối về tình trạng hiện tại, nam lao động vào hội nhóm cộng động người Việt ở nước ngoài để xin lời khuyên từ những người đi trước xem liệu có nên tiếp tục đi làm công nhân hay quay lại Nhật Bản.
"Tôi cứ nghĩ mình sống ở Nhật vài năm, biết tiếng Nhật thì có thể đi dạy được. Nhưng khi thử đứng lớp mới thấy không phải cứ biết tiếng là có thể dạy được. Không có kỹ năng sư phạm, không có bằng cấp, học viên không tin tưởng. Tôi đứng lớp được vài buổi là học viên nghỉ", anh thừa nhận.
Bài viết của anh nhận được nhiều sự đồng cảm từ cộng đồng. Nhiều người khuyên anh, nếu còn cơ hội thì nên quay lại Nhật, cố gắng tích lũy vốn liếng rồi hẵng tính chuyện trở về.
Loanh quanh, luẩn quẩn lại xuất ngoại
Từng trải qua hoàn cảnh tương tự, Thân Thị Huệ (28 tuổi, quê Bắc Giang) cho biết, ngày đầu đi xin việc ở quê sau khi trở về từ Nhật Bản cô không khỏi sốc vì phải cạnh tranh với nhiều lao động khác.
"Sau một ngày làm công nhân, tôi rưng rưng nước mắt vì thực tế quá phũ phàng", Huệ nhớ lại.
Huệ sang Nhật Bản lao động năm 2018. Với tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 cùng một ít kinh nghiệm làm việc ở nhà máy, mong ước giản đơn của cô gái là có thu nhập khá hơn để giúp đỡ gia đình.
Tuy nhiên, khi chưa kịp kiếm đủ tiền trả nợ, đại dịch Covid-19 bùng phát. 3 năm liên tiếp sau đó, công ty cô ít việc, có thời điểm công nhân phải nghỉ việc.
"Thời gian đó tôi rất nản, nhưng nghĩ đến bố mẹ và số nợ vẫn còn đó, tôi lại cố gắng bám trụ. Tôi tự nhủ mình làm được đến đâu hay đến đó, để không phụ công đi Nhật", Huệ nhớ lại những ngày tháng khó khăn nơi xứ người.

Đầu năm 2024, giá đồng tiền Nhật xuống thấp kỷ lục, cô gái Việt làm việc cật lực cả tháng nhưng thu nhập chỉ còn khoảng 15 triệu đồng.
"Sang Nhật 6 năm thì tôi phải cày 3 năm mới trả hết nợ, 3 năm còn lại chẳng tiết kiệm được bao nhiêu. Nhìn tương lai khi đó thật mông lung, mịt mù", Huệ tâm sự.
Sau nhiều suy nghĩ, cuối cùng vào tháng 6/2024, cô gái quê Bắc Giang quyết định trở về Việt Nam tìm kiếm cơ hội mới, bởi thu nhập ở xứ người không còn như mong đợi.
Sau một tuần nghỉ ngơi, Huệ mang hồ sơ đi xin việc tại khu công nghiệp gần nhà. Ban đầu, cô khá thoải mái và tự tin bởi trước khi sang Nhật đã có 3 năm kinh nghiệm làm công nhân, lại tích lũy thêm thời gian làm việc ở xứ người.
Tuy nhiên, thực tế không như cô gái kỳ vọng. Huệ chia sẻ, làm công nhân ở quê nhà tuy không quá áp lực như bên Nhật nhưng quá trình xin việc lại căng thẳng hơn.
"Áp lực sản lượng "đè" lên từng lao động trong xưởng lắp ráp linh kiện điện tử rất lớn mà tiền lương chỉ 173.000 đồng mỗi ngày", cô nói.
Dù nhận thức được năng lực bản thân ở mức vừa phải song Huệ vẫn không khỏi sốc khi so sánh mức lương ở quê nhà với thu nhập cô từng nhận được khi làm việc xa xứ.
"Chiều tan làm, tôi rưng rưng nước mắt đi bộ về nhà, không phải vì áp lực công việc mà là vì cảm giác thất vọng với chính mình. Tôi tự trách sao khi ở Nhật lại không tranh thủ học thêm kỹ năng nào. Sau 6 năm, những gì tôi có vẫn chỉ là tấm bằng tốt nghiệp cấp 3… và khi trở về, tôi phải nhận một cái kết quá ê chề", Huệ bộc bạch.
Cô cho biết, ở quê có nhiều công ty, nhưng việc biết tiếng Nhật chưa chắc đã đủ. Nhiều nơi yêu cầu bằng cao đẳng, đại học, có nơi đòi hỏi cả trình độ tin học. Nếu có những điều kiện đó, cô có thể lên Hà Nội xin việc với thu nhập cao hơn, nhưng chi phí sinh hoạt, thuê nhà lại quá đắt đỏ.
Sốc với mức lương tại quê nhà, tháng 8/2024, Huệ quyết định quay trở lại Nhật Bản. Cô xin việc ở công ty cũ, ngành chế biến thực phẩm, sau đó chuyển sang làm tại một nhà hàng. Công việc hiện tại nhẹ nhàng hơn, thu nhập cũng ổn định hơn trước.
Từ câu chuyện của mình, Huệ nhắn nhủ, muốn về Việt Nam phải có kế hoạch, cần tích lũy được một khoản tài chính đủ để bắt đầu kinh doanh hoặc làm một công việc tự chủ. Nếu nghĩ về nước xin làm công nhân sẽ khó trụ được lâu.
"Trong thời gian làm việc ở nước ngoài, hãy tận dụng mọi cơ hội để học thêm kiến thức, kỹ năng mềm, ngoại ngữ và cố gắng lấy được các loại bằng cấp. Khi trở về, bạn sẽ có cơ hội xin vào công ty Nhật tại Việt Nam, công việc ổn định, thu nhập cũng sẽ khá hơn", Huệ chia sẻ.