1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Hỗ trợ cha mẹ "cần câu cơm", con không phải ra đường lao động sớm

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Nhiều gia đình lao động nhập cư không có công việc ổn định, con cái di chuyển theo cha mẹ nên không có điều kiện học hành, phải lao động sớm để phụ giúp cha mẹ.

Bỏ học sớm dẫn đến lao động sớm

Ngày 28/6, Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save The Children) cùng UBND quận Gò Vấp tổ chức hội nghị chia sẻ kết quả thực hiện và nhân rộng mô hình dự án Phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại TPHCM.

Dự án do Tổ chức Cứu trợ trẻ em tài trợ, được UBND Thành phố chấp thuận thực hiện từ năm 2020, triển khai tại địa bàn quận Gò Vấp, quận 10, huyện Củ Chi và huyện Nhà Bè.

Hỗ trợ cha mẹ cần câu cơm, con không phải ra đường lao động sớm - 1

Đại biểu đến từ gần 30 tổ chức của 4 quận, huyện tham gia dự án (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo bà Lê Thị Thanh Hương, Giám đốc Quốc gia Tổ chức cứu trợ trẻ em tại Việt Nam, sau 4 năm triển khai dự án đã đạt được mục tiêu đề ra là nâng cao tỷ lệ trẻ em đến trường, hạn chế các em bỏ học sớm và phải làm việc sớm, đặc biệt là trẻ em gái.

Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ sinh kế cho hàng trăm gia đình để tăng cơ hội cho các em gia đình khó khăn được đến trường, hỗ trợ máy tính bảng để trẻ em học tập trực tuyến trong giai đoạn Covid-19...

Theo ông Nguyễn Lữ Gia, đại diện ban quản lý dự án, nguyên nhân chính khiến trẻ em lao động sớm là để hỗ trợ kinh tế gia đình, dẫn đến việc các em phải bỏ học, đi làm việc sớm.

Ông Nguyễn Lữ Gia cho rằng: "Nguy cơ trẻ em bỏ học sớm sẽ phải tham gia lao động sớm rất cao. Hỗ trợ trẻ đến trường chính là phòng ngừa trẻ phải lao động sớm. Hỗ trợ sinh kế cho cha mẹ, kinh tế ổn định thì con cái của họ không phải bỏ học sớm".

Do đó, dự án được thiết kế nhiều hạng mục hỗ trợ sinh kế gia đình khó khăn, có con nhỏ nguy cơ bỏ học như cung cấp các khoản vay tín dụng vi mô, hỗ trợ phương tiện sinh kế cho các phụ nữ đặc biệt khó khăn...

Đặc biệt, dự án có thêm hoạt động hỗ trợ kết nối thị trường, tập huấn kỹ năng làm việc và kết nối mối quan hệ cho các gia đình khó khăn để họ có cơ hội mở rộng công việc làm ăn, nâng cao thu nhập.

Hỗ trợ cha mẹ cần câu cơm, con không phải ra đường lao động sớm - 2

Các em học sinh là thành viên đội nòng cốt tuyên truyền phòng chống lao động trẻ em tại trường mình (Ảnh: Tùng Nguyên).

Hỗ trợ sinh kế cho cha mẹ, con cái được học hành

Sau dịch Covid-19, chồng chị Cẩm Hồng (44 tuổi, ngụ quận 10) thất nghiệp. Con trai lớn đi nghĩa vụ quân sự, con trai nhỏ đang học lớp 9. Cả gia đình trông chờ vào xe bánh mì cũ nát của chị Hồng nên con trai nhỏ của chị quyết định nghỉ học đi làm thêm phụ mẹ.

Đang bế tắc thì chị Hồng được dự án hỗ trợ thông qua Hội Phụ nữ quận 10. Dự án hỗ trợ cho chị chiếc xe hàng mới, xin phép kinh doanh bên lề đường, học các khóa đào tạo kỹ năng và thiết lập các mối quan hệ thị trường…

Nhờ đó, kinh tế gia đình chị Hồng cải thiện, chồng chị trở thành người phụ việc trong cửa hàng, con trai nhỏ được đi học trở lại.

Chị Cẩm Hồng chia sẻ: "Mình nói với con rằng, con hãy tập trung vào việc học, theo đuổi đam mê của con mà không phải lo nghĩ về kinh tế gia đình".

Hỗ trợ cha mẹ cần câu cơm, con không phải ra đường lao động sớm - 3

Kinh tế được cải thiện, con nhỏ của chị Hồng được đi học trở lại (Ảnh: SCI).

8 năm nay, chị Tuyết (ngụ quận Gò Vấp) và 2 đứa con sinh đôi (cùng học lớp 6) sống nhờ vào chiếc xe đẩy bán xôi cũ mà chị mua lại với giá 700.000 đồng. Chiếc xe ngày càng xuống cấp, gãy bánh… mà chị không có tiền mua xe mới, bán hàng ế ẩm.

Nhờ dự án hỗ trợ, chị được đầu tư xe mới, rộng rãi để bán thêm bánh mì, sữa đậu nành, cà phê… Dù vừa bán hàng, vừa đưa đón 2 con đi học, thu nhập của chị cũng đủ để trang trải sinh hoạt cho gia đình, 2 con yên tâm học tập.

Chị Tuyết tâm sự: "Xe cũ không có tủ kính để bày đồ ăn, nhiều người sợ không vệ sinh nên không mua. Xe của dự án thì mới, có tủ kính, lại có cả dù che, ngày mưa hay nắng mình cũng bán hàng được".

Chị Tuyết còn đề nghị dự án hỗ trợ mình được học thêm khóa đào tạo bán hàng online để có thể tận dụng thêm thời gian rảnh, bán vào buổi chiều lúc các con đi học để tăng thêm thu nhập.

Hỗ trợ cha mẹ cần câu cơm, con không phải ra đường lao động sớm - 4

Chị Tuyết cùng quầy xôi, bánh mì nuôi sống 3 mẹ con (Ảnh: SCI).

Giảm bớt khó khăn cho lao động nhập cư

Phát biểu tại hội nghị, bà Đào Thị My Thư, Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp, đánh giá: "Những hỗ trợ của dự án đã góp phần giảm thiểu tình trạng bỏ học sớm của học sinh khi các em được hỗ trợ học bổng, phương tiện học tập. Dự án còn hướng đến việc hỗ trợ sinh kế cho gia đình các em có nguy cơ bỏ học, lao động sớm để giúp gia đình ổn định cuộc sống, các em có điều kiện học hành đầy đủ".

Hỗ trợ cha mẹ cần câu cơm, con không phải ra đường lao động sớm - 5

Bà Đào Thị My Thư, Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp, đánh giá cao hiệu quả của dự án (Ảnh: Tùng Nguyên).

Xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) là xã ngoại thành nhưng có hơn 50.000 dân, nhiều người nhập cư từ các tỉnh. Nhiều trẻ theo bố mẹ di cư, gia đình khó khăn, không được học hành, thậm chí nhiều em còn không có giấy tờ tùy thân...

Qua sự hỗ trợ của dự án, chính quyền xã đã tổ chức cho các em lớn tuổi được học tại Trường tình thương Thanh Tâm. Sau đó, các em được thi đánh giá tại trường tiểu học Tân Tiến, em nào đạt thì được nhận vào học cấp 2 tại trường THCS Tân Tiến.

Với trẻ không có giấy tờ, dự án liên hệ cơ quan tư pháp để xác minh, xem xét làm giấy tờ tùy thân cho các em. Đến nay, chỉ riêng địa bàn xã Tân Thông Hội đã giải quyết được 20 trường hợp.

Tính tổng thể trên địa bàn Củ Chi, dự án đã hỗ trợ phương tiện sinh kế gồm máy may, máy vắt xổ, xe nước mía, xe bánh mì và hỗ trợ vốn cho 18 phụ nữ có con trong độ tuổi đi học có nguy cơ bỏ học.

Thông qua việc trao phương tiện sinh kế và hỗ trợ vốn vay đã tạo cơ hội cho chị em có được công việc làm thêm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.

UBDN huyện Củ Chi đánh giá dự án đã "góp phần vào việc giảm thấp nhất tình trạng các em bỏ học, phải tham gia lao động sớm, ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em trên địa bàn huyện".

UBND huyện Nhà Bè thì đánh giá cao hoạt động hỗ trợ khẩn cấp của dự án như học bổng, máy tính bảng cho học sinh, hỗ trợ sinh kế cho phụ huynh... Những hỗ trợ đó đã kịp thời giúp học sinh khó khăn có điều kiện tiếp tục học tập, nhất là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua.