Hàng triệu người già không có lương hưu, trợ cấp
(Dân trí) - Nhiều người cao tuổi trong khoảng 60-79 không nhận được nhận bất kỳ chế độ nào. Để lấp đầy khoảng trống trong chính sách, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung thêm tầng trợ cấp.
35% người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi của Ủy ban Xã hội - cơ quan chuyên trách của Quốc hội - cho biết, người cao tuổi ở độ tuổi từ 60 đến 79 khi tham gia BHXH đủ thời gian và đạt tuổi nghỉ hưu có thể nhận được lương hưu, hoặc một trong các loại trợ cấp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người ở độ tuổi này không nhận được chế độ nào do không đủ điều kiện.
Trong khi đó, những người từ 80 tuổi trở lên nếu không được hưởng lương hưu đều được nhà nước trợ cấp hằng tháng dành cho người cao tuổi. Những người thuộc diện hộ nghèo và sống một mình không có sự hỗ trợ của gia đình hoặc bị khuyết tật có thể nhận được mức trợ cấp cao hơn.
Theo báo cáo, đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Trong đó có 5,1 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội, chiếm 35% số người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Như vậy, có hàng triệu người từ 60 đến 79 tuổi không nhận được bất kỳ chế độ nào.
Theo mục tiêu Trung ương giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW phấn đấu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tương đương 8,94 triệu người.
Để đạt mục tiêu Trung ương giao, trong 6 năm tới phải tăng 25% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội tương đương 3,84 triệu người.
Đánh giá kỹ lưỡng tác động
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã bổ sung nội dung mới là trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng.
Tầng thứ nhất là trợ cấp hưu trí xã hội. Ở đây, ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng, có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn.
Bên cạnh đó, cũng điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách.
Tầng thứ hai là bảo hiểm xã hội cơ bản, bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tầng còn lại là bảo hiểm hưu trí bổ sung. Đây là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để hưởng mức lương hưu cao hơn.
Về vấn đề này, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban và một số ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia thẩm tra, góp ý đối với dự án Luật nhất trí việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ.
Đây là một trong những giải pháp góp phần hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân; phù hợp với thông lệ và kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm có thể so sánh độ bao phủ của chế độ hưu trí giữa các quốc gia.
Song, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng hơn tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách Nhà nước, xung đột chính sách khi đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án Luật này, ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.