Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Giải bài toán khó trước mắt cho doanh nghiệp

Bình Minh

(Dân trí) - Ngừng hoạt động do không có đơn hàng, thế nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả lương để giữ chân người lao động. Gói hỗ trợ của Chính phủ đúng thời điểm đã giải bài toán khó khăn trước mắt cho họ.

Cả trăm lao động phải ngừng việc

Công ty Cổ phần dịch vụ may xuất khẩu Xuân Lam (Thọ Xuân, Thanh Hóa) được thành lập từ tháng 6/2018. Doanh nghiệp này đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 124 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định.

Từ đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, hợp đồng may gia công cho các đối tác bị cắt giảm. Nguồn nguyên liệu nhập về cũng khan hiếm, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Giải bài toán khó trước mắt cho doanh nghiệp - 1

Dịch Covid-19 khiến hơn 100 công nhân Công ty may Xuân Lam phải ngừng việc.

Từ ngày 1/5, công ty đã ngừng hoạt động do không có thêm đơn hàng mới, đồng nghĩa với việc hơn 100 công nhân phải ngừng việc làm. Để giữ chân người lao động, công ty vẫn phải trả lương cho họ.

Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 31/7, tại 27 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đã rà soát được 985 đơn vị (người sử dụng lao động), trong đó có 856 đơn vị thuộc nhóm đối tượng người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc; trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, qua rà soát, có 518 đơn vị không đủ điều kiện vay vốn; 335 đơn vị không có nhu cầu vay. Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn mới chỉ có 3 doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ vay vốn.

Ông Hoàng Văn Thiệu, Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ may xuất khẩu Xuân Lam, Thọ Xuân cho biết: "Dịch Covid-19 khiến công ty từ hoạt động cầm chừng đến ngừng hẳn. Do thành lập chưa được bao lâu nên khi bị ảnh hưởng của dịch khiến chúng tôi lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn"

Nếu không xoay sở được kinh phí để trả lương hỗ trợ người lao động trong thời điểm phải nghỉ dịch có thể họ sẽ tìm công việc khác. Trong khi đó, tuyển lại lao động sau khi ổn định cũng là bài toán khó cho doanh nghiệp.

Cùng cảnh ngộ với doanh nghiệp may Xuân Lam, đợt dịch thứ 4 bùng phát đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Phú (huyện Thọ Xuân) gặp không ít khó khăn.  

Ông Vũ Văn Vĩnh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Phú (huyện Thọ Xuân) cho biết: "Nguồn thu chính của đơn vị là lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng ô tô, san lấp các công trình xây dựng. Từ khi có dịch, đơn hàng ít, tiền xăng dầu không đủ dẫn đến thua lỗ nên buộc phải ngừng hoạt động từ đầu tháng 4 đến nay".

Theo ông Vũ Văn Vĩnh, đơn vị có nhiều lao động chủ yếu thời vụ, tuy nhiên có 9 lao động thường xuyên và được đóng bảo hiểm. Tình trạng không có đơn hàng khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn trong việc trả lương cũng như đóng bảo hiểm cho người lao động.

"Lời giải trước mắt..."

Biết được gói hỗ trợ của Chính phủ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, Công ty may Xuân Lam và Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Phú đã làm hồ sơ vay tại ngân hàng chính sách.

Theo ông Hoàng Văn Thiệu, sau khi Nghị quyết số 68 của Chính phủ được ban hành, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thọ Xuân đã đến doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến chính sách.

Xét thấy doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện cho vay, cán bộ ngân hàng đã hướng dẫn doanh nghiệp làm hồ sơ vay hơn 1 tỷ đồng để trả lương 3 tháng cho 122 lao động phải ngừng việc. Hiện hồ sơ đã được hoàn thiện và gửi các cơ quan chức năng xác nhận.

"Chính sách của Chính phủ đến đúng lúc đã giải quyết được bài toán khó khăn trước mắt cho chúng tôi. Doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát", ông Hoàng Văn Thiệu nói.

"Ngay sau khi có Nghị quyết, cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thọ Xuân đã trực tiếp phổ biến cho doanh nghiệp về điều kiện vay vốn, mức vay và không lãi suất… Thủ tục vay đợt này nhanh gọn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn. Đơn vị tôi vay 82 triệu đồng để trả lương cho 9 lao động và hiện đang chờ được duyệt hồ sơ", ông Vũ Văn Vĩnh thông tin.

Theo ông Đặng Ngọc Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thọ Xuân, trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 222 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với tổng số 6.451 lao động tham gia đóng BHXH bắt buộc.

Ngân hàng chính sách huyện đã rà soát được 175 doanh nghiệp có từ 5 lao động trở lên; trong đó có 173 doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay để trả lương theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, do doanh nghiệp vẫn đang duy trì sản xuất kinh doanh ổn định.

Hiện có 2 doanh nghiệp đăng ký vay vốn trả lương cho lao động ngừng việc và đã hoàn thiện hồ sơ, dự kiến sẽ được giải ngân trong tuần này.

Theo ông Nguyễn Tiến Trứ, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa, Thanh Hóa là một trong những tỉnh đang kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tương đối tốt, nên qua rà soát, số doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động không nhiều, ít có nhu cầu vay vốn hỗ trợ.

"Chính sách vẫn còn đang thực hiện đến tháng 4/2022, do vậy, thời gian tới, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp để có hỗ trợ kịp thời, giúp các doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn, có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất", ông Nguyễn Tiến Trứ cho biết thêm.