Gỡ nút thắt với gia đình liệt sỹ gần 60 năm cúng giỗ cha nhầm ngày
(Dân trí) - "Kể từ giây phút nhận lại kỷ vật bố, gia đình tôi đã được cúng giỗ ông đúng ngày. Đó là điểm tựa để chúng tôi tiếp tục tìm kiếm và đưa bố trở về", con dâu liệt sỹ Vũ Duy Hùng nghẹn ngào.
60 năm làm giỗ cha theo giấy báo tử không xác định ngày giờ
Hơn 10 ngày kể từ khoảnh khắc nhận lại kỷ vật của bố từ tay Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, bà Mai Thị Minh Thoa (55 tuổi, quê Hà Nam) vẫn ngỡ ngàng về điều kỳ diệu đến với gia đình mình. Suốt mấy chục năm qua, bà và những người trong gia đình vẫn trăn trở, cố gắng xác định ngày cha hy sinh để có thể cúng giỗ ông đúng ngày.
Bà Thoa cho biết, từ những thông tin mà gia đình nhận được có thể xác định đầy đủ và làm rõ hoàn cảnh hy sinh của liệt sỹ như đơn vị chiến đấu, ngày hy sinh, nguyên nhân hy sinh, nơi chôn cất, tọa độ chôn cất.
"Kỷ vật của bố mà gia đình tôi nhận lại là nhật ký bao gồm 1 bản trích xuất thông tin báo tử từ sổ tử sĩ của đơn vị và 1 di thư. Sổ tử sĩ và di thư do 2 đơn vị khác nhau của quân đội Mỹ thu giữ tại 2 địa điểm khác nhau.
Điều quý giá nhất với gia đình tôi lúc này là xác định được ngày bố ngã xuống để làm giỗ ông đúng ngày. Và giờ đây, ít nhất chúng tôi đã khoanh vùng được vị trí có thể là nơi đồng đội chôn cất bố", bà Thoa nghẹn ngào.
Lật giở những trang tài liệu về người cha chồng, bà Thoa cho biết, ông Vũ Duy Hùng tái ngũ năm 1965, thuộc Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 273 (Trung đoàn Lộc Ninh), Sư đoàn 9. Ngày ông vào chiến trường, cô con gái đầu mới tròn 6 tuổi, người con trai thứ hai 4 tuổi và cậu út mới 4 tháng.
Suốt những năm tháng ở chiến trường miền Nam, ông Vũ Duy Hùng vẫn thường gửi thư cho gia đình. Rồi một ngày, những lá thư không còn đến tay vợ và các con nữa.
"Năm 1976, ông nội tôi (bố liệt sỹ Vũ Duy Hùng - PV) ra huyện đội thắc mắc: "Hòa bình rồi, sao không thấy con tôi về?". Một năm sau, gia đình tôi nhận được giấy báo tử của bố chỉ với vỏn vẹn thông tin liệt sỹ Vũ Duy Hùng hy sinh năm 1974, tại mặt trận phía Nam.
Kể từ thời điểm đó, mẹ tôi lấy ngày nhận giấy báo tử làm ngày giỗ của chồng. Bà cũng ở vậy nuôi các con khôn lớn", bà Thoa nhớ lại.
Nhưng thông tin ít ỏi trong giấy báo tử khiến mong muốn tìm được nơi liệt sỹ Hùng nằm lại dường như vô vọng. Suốt mấy chục năm, gia đình không biết cụ thể nơi cha, ông mình ngã xuống, hay hài cốt cụ đã được quy tập về đâu.
"Gia đình tôi cứ đi tìm trong vô vọng vì không có mấy thông tin về bố. Có lúc chúng tôi phải tìm đến phương pháp tâm linh để mong tìm được bố", bà Thoa cho biết.
Nhưng rồi tia hy vọng mở ra sau cuộc gọi với một cán bộ xã Duy Hải, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Người ở đầu dây bên kia thông tin, có một bộ hồ sơ từ Mỹ gửi về muốn xác minh thông tin của liệt sỹ Vũ Duy Hùng.
"Vị cán bộ xã nói với chồng tôi là có một bộ hồ sơ liên quan đến bố, hỏi gia đình có muốn biết không. Nghe xong, chồng tôi lặng người, không nói nên lời.
Bộ hồ sơ phía Mỹ gửi về có đầy đủ thông tin của bố tôi. Ông hy sinh vào ngày 29/1/1967 trong trận đánh biệt kích cắt (chặt) rào. Nơi chôn cất ban đầu kèm theo tọa độ quân sự thuộc địa phận ấp Bến Các, xã Phước Sang, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương", bà Thoa nói.
Ngày 10/5 vừa qua, gia đình bà Châu được mời đến Đại sứ quán Mỹ để nhận lại kỷ vật của liệt sĩ Vũ Duy Hùng. "Cả gia đình tôi đã vỡ òa khi được chạm tay vào kỷ vật của bố", bà Thoa xúc động.
"Điểm tựa" để đi tìm cha
Từ thông tin nhận được tại buổi lễ trao trả kỷ vật chiến tranh, vợ chồng bà Thoa bắt đầu một hành trình mới tìm hài cốt người bố. Trước đó, đôi vợ chồng đã hàng chục lần lặn lội đi khắp các tỉnh thành, tìm đến mọi nghĩa trang liệt sỹ nhưng đều vô vọng.
"Suốt 30 năm kể từ khi chúng tôi cưới nhau đến nay, hai vợ chồng luôn đồng hành để đi tìm hài cốt của bố. Chúng tôi đi rất nhiều nơi, tìm đến nhiều cơ quan, ban ngành nhờ giúp đỡ. Thông tin về các cuộc tìm kiếm tôi ghi lại kín mấy chục trang giấy.
Chúng tôi đi khắp nơi mong thấy cơ hội để tìm được hài cốt, đưa bố về. Lúc mẹ tôi còn sống, bà cũng rất trăn trở việc này. Tôi có hứa với mẹ: "Con sẽ cố gắng, nhưng nếu không tìm được mong mẹ tha lỗi".
Trước khi có thông tin bên Mỹ gửi về, cậu con trai của tôi cũng động viên bố mẹ nếu đi tìm ông mà không thấy thì thế hệ các cháu sẽ tiếp tục đi tìm, đưa ông về", bà Thoa chia sẻ.
Mặc dù chưa thể tìm ra mộ hay hài cốt của liệt sỹ Vũ Duy Hùng nhưng gia đình bà Thoa đã khoanh vùng được nơi ông chiến đấu và anh dũng ngã xuống.
"Từ tọa độ trong giấy báo tử, chúng tôi nhờ các cơ quan chuyên môn, áp dụng tất cả phép tính tọa độ từ quá khứ cho đến hiện tại với hy vọng khoanh vùng được vị trí có thể là nơi bố tôi được đồng đội chôn cất.
Khu vực chúng tôi đã khoanh vùng là vườn chàm. Trước đây nơi này là bãi sình lầy. Việc tìm kiếm hài cốt của bố có thể khó khăn nhưng gia đình tôi rất khao khát ngày được đón bố trở về", bà Thoa nói.
Biết rằng hành trình sắp tới còn dài và muôn vàn khó khăn, bà Châu bộc bạch, bản thân biết ơn các cơ quan chức năng của Việt Nam và Mỹ đã giúp gia đình có lại được kỷ vật quý báu người cha để lại.
"Có rất nhiều cuốn sổ tử sĩ bị thất lạc trong chiến tranh nhưng may mắn cuốn sổ có thông tin về bố tôi được người Mỹ gìn giữ cho đến hiện tại. Chúng tôi rất trân quý và biết ơn vì những người từng ở phía bên kia chiến tuyến đã trao trả những kỷ vật quý báu mà bố tôi để lại", bà Thoa nói.