1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Giảm điều kiện thời gian đóng BHXH, tăng số người được tiếp cận lương hưu?

Dân trí

(Dân trí) - Việc sửa điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ tạo cơ hội cho người lao động tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục vẫn được hưởng lương hưu.

Thiết kế theo hướng giảm số năm đóng

Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất bổ sung chính sách mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đó, dự thảo thiết kế theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu, từ 20 năm hiện nay xuống còn 15 năm, tạo cơ hội cho nhiều người được hưởng lương hưu, giảm tình trạng nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần được nghiên cứu bổ sung các quy định theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Giảm điều kiện thời gian đóng BHXH, tăng số người được tiếp cận lương hưu? - 1

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đó là giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm (không áp dụng với người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần). Trong trường hợp người lao động đã hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu, họ sẽ có thêm sự lựa chọn: Nếu không nhận bảo hiểm xã hội 1 lần thì sẽ được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng…

Với quy định hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra hai phương án. Một là giữ nguyên như hiện nay. Hai là, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm, mà người lao động có yêu cầu, thì được giải quyết một phần, nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu.

"Cú hích" tăng độ phủ bảo hiểm xã hội

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) khẳng định việc bổ sung những chính sách trên đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động trong việc tiếp cận chính sách hưu trí.

Nhìn thực tế thời gia qua, ông Quảng cho rằng, người lao động tham gia vào thị trường lao động khi đã ở một độ tuổi nhất định. Nếu điều kiện đóng 20 năm mới được hưởng lương hưu đã khiến nhiều người khó tiếp cận chính sách hưu trí. Vì vậy, việc rút thời gian đóng xuống 15 năm là điều kiện rất tốt cho người lao động tiếp cận chính sách an sinh này, đồng thời cũng giúp tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội.

"Không chỉ dừng lại ở đó, đề xuất trên còn góp phần giảm thiểu tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Bởi khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu, họ sẽ tính toán đến việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần", ông Quảng nói.

Trao đổi về việc nhiều ý kiến băn khoăn khi giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động sẽ nhận mức hưởng thấp, ông Quảng cho rằng: "Chúng ta biết rằng việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội có nhiều chính sách đi kèm, tựu chung lại việc sửa đổi theo hướng đa tầng, linh hoạt. Đây là điều kiện tối thiểu, còn lại chúng ta vẫn khuyến khích người lao động tham gia nhiều năm để mức hưởng cao". 

Theo ông Quảng, hiện nay, pháp luật quy định tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Nhưng thực tế, nhiều đơn vị chỉ đóng bảo hiểm xã hội trên mức lương cơ bản, đặc biệt khu vực doanh nghiệp thì tiền lương đóng bảo hiểm thấp. Vì vậy, bên cạnh việc dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung, thì cũng cần tăng cường tính thực thi, giám sát thực thi về mức đóng của các đơn vị, doanh nghiệp.

Giảm điều kiện thời gian đóng BHXH, tăng số người được tiếp cận lương hưu? - 2

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) ủng hộ việc sửa đổi 15 năm đóng bảo hiểm xã hội là bắt đầu được hưởng lương hưu. Nhìn từ kinh nghiệp quốc tế, bà Hương gọi là "vét" người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Ở các nước, miễn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đều có những chính sách hưởng số tiền đóng đó, giống như gửi tiết kiệm, có nhiều hưởng nhiều. Đây sẽ tạo "cú hích" để người dân tham gia bảo hiểm xã hội nhiều hơn.

Liên quan đến việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần, bà Hương cho rằng về nguyên tắc là người lao động không đủ tuổi, không đủ số năm đóng sẽ được rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Tuy nhiên, thực tế người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần khi đang tuổi lao động, sẽ xóa nhòa số năm đóng. Sau này, nếu quay lại hệ thống, họ khó lòng có thể tham gia được 15, 20 năm để hưởng tỉ lệ hưởng lương hưu cao nhất 75%.

Chính vì vậy, bà Hương cho rằng phương án chỉ được rút một phần, không quá 50% là phương án còn trung dung.

"Với cá nhân mình, tôi đề xuất nếu rút bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động chỉ được rút 8% phần người lao động đóng. Còn lại phần doanh nghiệp đóng (14%) sẽ được bảo lưu khi nào đến tuổi nghỉ hưu mới được rút. Bởi phần này là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, của nhà nước đảm bảo an sinh về già cho người lao động", bà Hương nói.

Thanh Xuân