Nghệ An:
Giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia thấp do năng lực cán bộ
(Dân trí) - Tính đến 30/11, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Nghệ An đạt 68%, trong đó có 4 nội dung chưa đạt 50%.
Phiên thảo luận hội trường, kỳ họp 17, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII diễn ra chiều 6/12, các đại biểu tập trung làm rõ nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, trong đó có nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An - thông tin, đến ngày 30/11, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 68%, trong đó đầu tư công tập trung là 58%, cao hơn năm 2022.
Tuy nhiên, có 4 nguồn giải ngân chậm là chương trình phục hồi kinh tế - xã hội đạt 40,18%; vốn nước ngoài đạt 37,04%; chương trình phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 29,75%; chương trình giảm nghèo bền vững đạt 4,49%.
Theo ông Quang, kết quả giải ngân của chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững chậm có nguyên nhân chủ quan do năng lực, trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án; năng lực, kinh nghiệm của nhà tư vấn, nhà thầu còn hạn chế.
Bên cạnh đó, 2 chương trình này có số lượng văn bản hướng dẫn triển khai nhiều, với 88 văn bản, trong khi đó, việc điều hành chưa đồng bộ, kịp thời, nhiều địa phương còn lúng túng.
Kế hoạch vốn trung hạn năm 2022 giao chậm nên lượng vốn giải ngân trong năm 2023 khá lớn, trong khi 2 chương trình này đều là các dự án mới nên mất nhiều quy trình, thời gian triển khai thủ tục, nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn phải triển khai nhiều bước.
Về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ông Bùi Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An - cho biết, nguồn vốn năm 2022 của chương trình ưu tiên 80% cho đồng bào miền núi, đến ngày 31/10 đã giải ngân đạt 39,46%, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ giải ngân tới 93,34%. Vốn năm 2023 đã giải ngân là 8,42%, dự kiến đến cuối năm 2023 là 40,69%.
Về nguyên nhân giải ngân vốn đạt thấp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho rằng, việc triển khai các dự án trong chương trình chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa sát. Trong thời gian tới, Sở sẽ đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục cho phép kéo dài nguồn vốn năm 2022, 2023 chưa giải ngân chuyển sang năm 2024.
Đối với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo ông Vi Văn Sơn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An - đây là chương trình mới, khó, tích hợp nhiều chương trình trước đây với nhiều nội dung và nhiều dự án.
Theo ông Sơn, ngoài nguyên nhân khách quan là chương trình mới, một số nội dung phải chờ hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh, hệ thống văn bản hướng dẫn không đồng bộ... thì nguyên nhân chủ quan là do cơ quan tham mưu ban đầu cũng lúng túng, có lúc chưa kịp thời, còn sai sót. Một số địa phương vào cuộc chưa thật sự quyết liệt, công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương có lúc chưa nhịp nhàng.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công và vốn đầu tư 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa cao là một trong ba tồn tại, hạn chế của địa phương trong năm 2023.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nội dung này tiếp tục được tỉnh đưa vào nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, cùng với đó sẽ có những giải pháp sát sườn để phát huy hiệu quả chương trình ý nghĩa này.