Thanh Hóa:
Giá cả leo thang, nhiều công nhân ở Thanh Hóa gặp cảnh "giật gấu vá vai"
(Dân trí) - Giá cả thực phẩm, giá xăng tăng "thẳng đứng", trong khi đó đồng lương không tăng và eo hẹp, nhiều công nhân bị mắc Covid-19 phải nghỉ làm và lâm vào tình trạng "giật gấu vá vai".
Chưa hết tháng đã hết tiền
Chị Vũ Thị Thoa, quê ở huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa), làm công nhân tại Công ty Sakurai Việt Nam (Khu công nghiệp Lễ Môn). Để thuận tiện cho công việc, chị phải thuê nhà trọ gần Công ty, còn con cái gửi cho ông bà ở quê chăm sóc.
Mỗi khi lấy lương, chị Thoa đều đặn gửi 3 triệu đồng về cho ông bà nuôi các con. Thế nhưng, theo chị Thoa, từ Tết đến giờ chị đã phải vay mượn để chi phí cho sinh hoạt, số tiền đã âm quá số lương sắp được nhận.
"Từ sau Tết, cái gì cũng tăng giá, nhất là rau tăng gấp đôi gấp 3, nếu trước đổ đầy bình xăng xe chỉ 70.000-80.000 đồng. Nhưng bây giờ, hơn 120.000 đồng mới đầy bình. Trước 500.000 đồng thì đi chợ được mấy ngày liền, bây giờ quay đi quay lại hết veo", chị Thoa chia sẻ.
Còn với chị Nguyễn Thị Tâm, công nhân Công ty Vicenza cũng chung tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền. Chị Tâm cho biết, không riêng chị mà rất nhiều đồng nghiệp đều vô cùng chật vật trong thời điểm hiện tại do giá cả leo thang. Không những vậy, nhiều công nhân còn mắc Covid-19 khiến không thể đi làm trong khi đó, phải chi cho việc mua kit test, thuốc men…
"Cái gì cũng tăng chỉ có lương là không được tăng nên mọi thứ chi tiêu dù tằn tiện đến đâu cũng cứ thiếu trước hụt sau. Trước rau chỉ khoảng 4000-5000 đồng/bó thì bây giờ 11.000-12.000 đồng/bó, chanh, gừng, sả cũng tăng gấp đôi, gấp ba lần. Mình thắc mắc thì người bán nói do xăng tăng nên giá vận chuyển tăng và nhiều hàng hóa thiết yếu khác cũng đi lên", chị Tâm nói.
Cũng theo nữ công nhân này, tiền kit test nhanh ban đầu có giá 65.000 đồng/bộ, nhưng sau đó giá đã tăng lên 80.000 đồng. Từ ra Tết đến nay, chị đã mua hết hơn 700.000 đồng tiền kit test.
Muôn cách xoay xở
Làm việc cho một xưởng may gia công tư nhân, đi làm ngày nào sẽ được tính công ngày đó nên những ngày bị cách ly ở nhà do là F1, chị Nguyễn Thị Nhung (quê huyện Như Thanh, Thanh Hóa) không có thu nhập.
Để tiết kiệm chi phí, từ việc thuê một phòng ở riêng với giá 500.000 đồng/tháng, chị Nhung đành xin ở ghép cùng với cô bạn đồng nghiệp để hết tháng chia đôi tiền trọ. Không chỉ ở ghép, chị Nhung còn "treo" luôn xe máy, chuyển sang đi bộ quãng đường hơn 1km từ phòng trọ đến nơi làm việc.
"Đi bộ đi làm không chỉ tiết kiệm tiền xăng mà còn tiết kiệm được khoản phí gửi xe mỗi tháng. Sau khi ở ghép cũng như đi bộ đi làm, thực phẩm ăn uống hằng ngày cũng mua đơn giản đi, tính toán ra tôi thấy đỡ chi phí đi rất nhiều", chị Nhung bộc bạch.
Ngoài việc chi tiêu dè sẻn, chị Nhung còn tranh thủ nhờ mẹ mua đồ ở quê như: Trứng, rau gửi xuống rồi bán lại cho công nhân, dù lời lãi không đáng bao nhiêu nhưng cũng giúp chị kiếm được đồng ra, đồng vào.
Còn chị Lương Thị Phương (ở huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) làm việc trong một công ty nông sản cho biết, cả xóm trọ tiết kiệm chi phí bằng cách đổi từ bếp ga sang dùng bếp than.
"Chúng tôi mua bếp than, sau đó cả xóm cùng nấu. Lần lượt nhà ai về trước thì nấu trước, về sau thì nấu sau. Ngoài ra, nếu trước đây mỗi người một xe máy đi làm thì giờ cứ 2 công nhân đi một xe, tiền xăng chia đôi. Công nhân chúng tôi còn ghi chi tiết cụ thể những thứ cần chi trong tháng, nhất định không chi thêm thứ gì mà không liệt kê trong danh sách", chị Phương chia sẻ.
Theo ông Ngô Thế Anh, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hóa, công đoàn đang xin kinh phí cấp trên để hỗ trợ công nhân mắc Covid-19 phần nào bớt khó khăn. Kết quả tới nay đã thu và xét hơn 1.600 bộ hồ sơ, tới đây công đoàn sẽ tiếp tục thu 2.000 hồ sơ nữa, mỗi công nhân sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng.