"Bão" giá, bữa cơm công nhân dè sẻn từng cọng rau
(Dân trí) - Xăng dầu tăng cao, nhiều hàng hóa thiết yếu cũng "đội giá" theo khiến những bữa cơm công nhân vốn đã không dư dả, sung túc thêm teo tóp, dè sẻn đến từng cọng rau.
Chi li từng đồng chi tiêu
Chị Huỳnh Thị Phượng (38 tuổi, trú tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) làm công nhân may mặc tại công ty TNHH Phong Phú đến nay đã được 4 năm.
Dịch bệnh khiến cuộc sống gia đình chị vốn đã khó khăn, nay cộng thêm bất ổn thị trường thế giới, giá xăng tăng cao ảnh hưởng đến tiêu dùng, khiến cuộc sống của gia đình 3 người càng khó khăn hơn. Để có thể cầm cự được trong giai đoạn khó khăn này, vợ chồng chị phải chi tiêu tiết kiệm hết sức.
"Trước kia, thay vì 2 vợ chồng đi 2 xe, nay chồng chở tôi đi làm để tiết kiệm phần nào tiền đổ xăng. Tôi ăn cơm ở công ty còn chồng ăn tạm gì đó cho qua bữa. Hai vợ chồng cố gắng chi tiêu tối giản để tiết kiệm tiền mua sữa cho con", chị Phượng chia sẻ.
Cũng là công nhân làm việc tại Công ty Phong Phú, cuộc sống của chị Chơ BH Răng Ngút (34 tuổi, trú tại Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) càng khó khăn hơn khi giá xăng tăng cao.
Chị Ngút quê ở Gia Lai đến Đà Nẵng làm công nhân từ năm 2018. Chị là lao động chính trong nhà, một mình nuôi 5 người gồm 2 con nhỏ, bố mẹ già và em gái.
"Trước kia, có thêm khoản phụ cấp, thưởng chuyên cần đỡ được phần nào, giờ thời buổi khó khăn, dù tăng ca cũng chỉ nhận được 4,5-5 triệu đồng/tháng "lương cứng". Vì vậy tôi phải chi li từng đồng chi tiêu gia đình. Bữa ăn cũng cắt giảm bớt", chị Ngút nói.
Với đồng lương eo hẹp, trong khi nhiều mặt hàng tăng theo giá xăng, cuộc sống của những công nhân nghèo càng nặng trĩu nỗi lo. Họ lo không biết chia sao cho đủ khi đủ thứ phải chi tiêu.
Thay đổi lối sống
Trong cơn "bão giá" như lúc này, công nhân nghèo vốn đã gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh phải cắt bớt phần ăn, giảm chi phí sinh hoạt. Không những vậy, nhiều người còn phải nói tạm biệt với những thói quen lối sống trước kia để tiết kiệm chi phí.
Anh A Mạng (23 tuổi, trú tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) là công nhân của công ty TNHH Muruta Manufacturing Việt Nam. Trước khi giá xăng tăng, một tháng anh phải tốn từ 300.000 - 400.000 đồng cho việc đổ xăng vì ở trọ khá xa nơi làm, giờ thì phải mất 500.000 - 600.000 đồng/tháng mới đủ tiền xăng.
Anh A Mạng chia sẻ: "Đổ 50.000 đồng, nhìn kim xăng báo mới được non nửa bình mà thấy rầu. Vì sống một mình nên tôi chủ yếu ăn ngoài, mất khoảng 50.000-60.000 đồng/ngày nhưng giờ phải tự nấu rồi, cắt giảm mỗi bữa ăn 2 món, thấy cái nào rẻ thì ưu tiên trước. Tôi cũng hạn chế ăn nhậu cùng bạn bè, tạm dừng sở thích đi phượt vào mỗi dịp cuối tuần", anh Mạng chia sẻ.
Ngoài chi phí về thực phẩm, xăng, sữa,..., công nhân lao động còn áp lực bởi chi phí để điều trị Covid-19.
Anh Phạm Văn Sanh (22 tuổi, quê Quảng Nam) làm công nhân xây dựng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh cho biết: "Cuối tháng 2 vừa qua, tôi bị Covid-19, phải nghỉ ở nhà để điều trị. Nhiều chi phí phát sinh, từ que test nhanh, giá 80.000 - 90.000 đồng/kit, tiền mua các loại rau củ để xông, tiền thuốc, tiền ăn uống, ước tính cũng gần 3 triệu đồng, gần ngang ngửa tiền lương tháng".
"Chồng ở nhà điều trị không lương, tiền tiết kiệm cũng cạn dần. Em có chạy xe giao hàng một thời gian nhưng tình hình giá xăng này cũng không chịu nổi. Hai vợ chồng phải tiết kiệm hết mức. Thay vì dùng xe máy đi chợ như mọi khi, vợ chồng em sẽ mượn xe đạp hàng xóm, không thì đi bộ, đi chơi cũng hạn chế tối đa có thể", chị Kim Anh, vợ anh Sanh thở dài.
Trần Ánh