1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Thanh Hóa:

Chật vật trong dịch Covid-19, công nhân mong sớm nhận được hỗ trợ

Bình Minh

(Dân trí) - Dịch bệnh khiến nhiều công nhân phải giảm giờ làm, thu nhập bấp bênh trong khi phải chi phí nhiều thứ, đặc biệt là tiền ở trọ. Họ mong ngóng gói hỗ trợ sớm được thực hiện để phần nào bớt chật vật hơn.

"Với chúng tôi một đồng cũng quý"

Trong căn phòng rộng chỉ hơn 10m2 ở Khu công nghiệp Hoằng Long, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa), vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (34 tuổi, quê Bắc Ninh) đang cùng nhau nấu bữa cơm chiều. Đồng lương công nhân của vợ chồng eo hẹp nên chị Thúy cũng chỉ dám thuê căn phòng với giá 700.000 đồng/tháng.

Không có khu bếp nấu riêng, nơi nấu ăn được kê ngay trong phòng khiến không gian khá chật chội. Vài năm nay, dịch Covid-19 đã khiến vợ chồng chị phải nhiều lần tạm ngưng việc.

Chật vật trong dịch Covid-19, công nhân mong sớm nhận được hỗ trợ - 1

Nhiều công nhân đang tìm hiểu về gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng.

"Trước còn có lương tăng ca, giờ thì không những không tăng mà còn giảm giờ làm nên thu nhập vợ chồng không còn bao nhiêu. Tôi phải tằn tiện lắm mới đủ chi phí sinh hoạt và gửi về quê nuôi hai con nhỏ. Chúng tôi mong sớm được hưởng chính sách hỗ trợ tiền trọ cho công nhân để phần nào bớt chật vật".

Anh Nguyễn Thanh Tùng (31 tuổi, ở huyện miền núi Như Thanh, Thanh Hóa) cũng phải thuê trọ ở Khu Công nghiệp Lễ Môn, thành phố Thanh Hóa để làm công nhân cho Công ty giày Sunjade. Anh Tùng phải thuê phòng trọ với mức giá 500.000 đồng/tháng.

"Tôi cũng như nhiều anh em công nhân ở đây do dịch nên phải về quê xin việc. Vì thế, lương công nhân mới thử việc không đáng kể. Nếu được hỗ trợ tiền thuê nhà thì tốt quá, đối với công nhân chúng tôi trong thời điểm khó khăn, dịch bệnh như thế này, một đồng cũng vô cùng quý. Chúng tôi mong sớm được nhận khoản trợ cấp này", anh Tùng chia sẻ.

Không chỉ riêng vợ chồng chị Thúy, anh Tùng mà theo ghi nhận của PV có rất nhiều công nhân không chỉ ngoại tỉnh mà trong tỉnh đang phải thuê trọ tại các khu công nghiệp để gần nơi làm việc. Cuộc sống của họ vô cùng khó khăn, giá phòng trọ dù không quá cao nhưng cũng là khoản chi phí lớn trong tháng của mỗi gia đình. Nhiều công nhân khi nhắc đến khoản tiền sắp được hỗ trợ, họ đều rất phấn khởi và mong ngóng.

Chật vật trong dịch Covid-19, công nhân mong sớm nhận được hỗ trợ - 2

Căn phòng trọ chật hẹp nhưng mỗi tháng công nhân phải bỏ ra ít nhất 500.000 đồng để trang trải chi phí thuê, chưa kể điện, nước.

Mong tránh trục lợi chính sách, không bỏ sót đối tượng

Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt (Khu công nghiệp Hoằng Long) nêu quan điểm: "Hỗ trợ tiền thuê nhà là đỡ đi phần nào gánh nặng cho công nhân sau thời gian đầy khó khăn. Tôi cho rằng, chính sách này rất nhân văn, giúp công nhân yên tâm làm việc, góp phần phát triển doanh nghiệp và đóng góp cho sự phát triển của xã hội".

Còn theo ông Ngô Thế Anh, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp Thanh Hóa, nếu như có gói hỗ trợ này trong thời điểm dịch bệnh xảy ra, công việc không thường xuyên sẽ thật sự vô cùng ý nghĩa đối với công nhân, người lao động, là nguồn động viên giúp họ yên tâm gắn bó với công việc.

"Nếu tới đây có nguồn hỗ trợ này, với cương vị là Chủ tịch công đoàn đang quản lý hơn 90 nghìn đoàn viên, chúng tôi rất vui mừng phấn khởi. Vì nhiều công nhân tại Khu kinh tế có quê ở ngoài tỉnh hoặc trong tỉnh nhưng nhà xa nên phải thuê trọ để gần nơi làm việc. Mặc dù là gói hỗ trợ ngắn hạn nhưng có ý nghĩa tích cực, hỗ trợ, tiếp sức kịp thời đối với người lao động trong thời điểm khó khăn", ông Ngô Thế Anh đánh giá.

Chật vật trong dịch Covid-19, công nhân mong sớm nhận được hỗ trợ - 3

Công nhân mong sớm nhận được hỗ trợ để cuộc sống phần nào bớt chật vật.

Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp cũng kỳ vọng, trong thời gian tới khi có quyết định chính thức, các cấp các ngành chỉ đạo Bộ chủ quản, kết hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng công an, xã phường trên địa bàn có người lao động phải khảo sát, đánh giá đúng đối tượng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách và cũng không để bỏ sót đối tượng được hưởng.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 của Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngay sau Tết Nhâm Dần (ngày 7/2), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng (một phần trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 11 của Chính phủ) sẽ được dành để giúp người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm tiền thuê trọ trong 3 tháng.

Cụ thể, 2 nhóm đối tượng được hỗ trợ là người lao động đang phải thuê trọ, làm việc ở công ty, doanh nghiệp (mức 500 nghìn đồng người/tháng x 3 tháng) và người lao động quay lại thị trường lao động (mức một triệu đồng/người/tháng x 3 tháng).