Cạn tiền, người lao động vay nợ trang trải cuộc sống hậu dịch bệnh
(Dân trí) - Có 60% số người được Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội khảo sát cho biết không dành dụm được tiền, trong đó nhiều người phải vay nợ để trang trải cuộc sống hậu dịch bệnh.
Đó là một trong những thông tin từ kết quả khảo sát hiện trạng đời sống của người dân trong đại dịch Covid-19, do Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life) thực hiện vừa được công bố.
Khảo sát này được thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12/2021 theo hai hình thức trực tuyến và trực tuyến với lao động di cư, tập trung chủ yếu ở nhóm lao động phi chính thức ở TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương.
Theo khảo sát, thu nhập trung bình hàng tháng của người lao động ở mức dưới 7 triệu đồng, mức chi tiêu tương đương. Với khoản thu nhập ít ỏi đó, phần lớn người lao động dường như không thể dư dả về tài chính để cầm cự qua 4 tháng dịch bệnh không có thu nhập.
Hơn 60% người lao động được khảo sát cho biết, hàng tháng không để dành được tiền. Khi đại dịch bùng phát, nguồn thu nhập ít ỏi của họ dường như mất trắng, trong đó nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là lao động tự do (94%) và giáo viên trường tư (90,8%).
Có tới 82% lao động được hỏi cho biết đang trong tình trạng khó khăn tài chính. Thời điểm khảo sát là khi họ vừa trải qua 4 tháng cầm cự vì giãn cách xã hội. Gần một nửa số người chỉ còn khả năng duy trì nhu cầu cuộc sống dưới 1 tháng, tập trung ở nhóm lao động tự do, nội trợ, công nhân, giáo viên trường tư.
Vay nợ để trang trải cuộc sống
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Social Life cho hay, khảo sát về kế hoạch ba năm tiếp theo cho thấy đa số người lao động vẫn ở lại và làm việc, dù rằng dịch bệnh đưa đến cho họ nhiều khốn khó, đau thương.
Có hàng loạt khó khăn người lao động phải đối diện trong cuộc sống hậu đại dịch, nhất là vấn đề thu nhập. Số tiền tiết kiệm đã cạn, nguy cơ thất nghiệp lớn. Bên cạnh đó là những lo lắng về điều kiện sống với vấn đề sức khỏe, môi trường sống chung với dịch bệnh.
Trong tình huống khó khăn đó, kết quả khảo sát cũng thể hiện việc người lao động đưa ra các giải pháp tự thân để vượt qua cơn bĩ cực. Hầu hết mọi người chọn tiết kiệm chi tiêu, sử dụng khoản tiết kiệm, rồi vay mượn nợ để trang trải, nhận trợ cấp từ chính quyền và nhận sự giúp đỡ từ gia đình, người thân,…
Theo ông Lộc, qua quan sát của nhóm nghiên cứu, những người lao động tự do là một trong những nhóm đi đầu về việc thích ứng an toàn với bối cảnh bình thường mới.
"Chúng tôi nhìn thấy trong hành trang mưu sinh của người bán vé số, người bán hàng rong… đều có chai cồn, khẩu trang và cả kính chống giọt bắn. Họ đã nhanh chóng trở lại với nền kinh tế vỉa hè, làm việc để tự lo cho bản thân và gia đình, dù phía trước có rất nhiều khó khăn", vị Viện trưởng chia sẻ.
Có hàng chục năm làm việc với người lao động di cư, ông Lộc cho biết, hành trình 30 năm phát triển kinh tế của đất nước đưa đến nhiều kết quả nhưng Việt Nam đang chứng kiến sự phân tầng xã hội gay gắt. Khoảng cách giàu nghèo theo đó, ngày càng cách xa hơn, giữa người với người.
Các khu đô thị xa hoa, lộng lẫy được phô diễn cho thấy thành tựu phát triển kinh tế nhưng phía sau đó cũng có nhiều con người trở nên vô hình. Họ tới đó làm việc âm thầm, đi đi về về chẳng ai biết.
Trong bối cảnh này, các chính sách an sinh xã hội cho người lao động được quan tâm, nhiều dự án xã hội mang tới hứa hẹn về sự thúc đẩy nền tảng an sinh, lấy người lao động làm trung tâm như chương trình xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Theo ông Lộc, đối với những người lao động thu nhập thấp, đó vẫn là những điều xa vời...