1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Khánh Hòa:

Gặp nữ cán bộ có 17 năm làm công tác chi trả chế độ tới người có công

Hải Đăng

(Dân trí) - 17 năm làm công tác chi trả chế độ chính sách cho người có công cách mạng, chị Nguyễn Thị Thu Trang (53 tuổi) là một trong những gương mặt thân quen, gần gũi tại TP Nha Trang, Khánh Hòa.

Ngần ấy thời gian trong nghề nên với chị Trang, việc nhớ rõ tên tuổi, đường phố, số nhà… của các đối tượng chính sách đã trở nên quá đỗi bình thường. Như đã thành lệ, hàng tháng từ ngày 6-15 dương lịch, hơn 150 đối tượng chính sách là người có công với cách mạng tại phường Vĩnh Hòa lại đến phường để gặp chị Trang ký nhận chế độ của mình.

Gặp nữ cán bộ có 17 năm làm công tác chi trả chế độ tới người có công - 1

Chị Nguyễn Thị Thu Trang (53 tuổi) là một trong những gương mặt thân quen, gần gũi với các gia đình chính sách tại TP Nha Trang

"Tuy nhiên hàng tháng cũng có một số trường hợp các bác, các chú già yếu, bị ốm đau đột xuất không đến nhận được, không có thân nhân thì mình phải đến tận nhà để chi trả cho họ. Do đó mình thuộc nhà họ như lòng bàn tay rồi! Mỗi nhà chỉ ghé 5-10 phút thôi", chị Trang hóm hỉnh kể.

Theo chị Trang, tổng số tiền chi trả hàng tháng cho đối tượng chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn khoảng 300 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chi trả tiền quà là 4 lần/năm như Tết Nguyên đán, các Ngày giải phóng miền nam 30/4, Ngày thương binh liệt sĩ hay Ngày Quốc khánh 2/9 thì làm giấy mời đến các đối tượng.

Nữ cán bộ cho hay, để làm tốt công tác này thì cán bộ cơ sở cần sâu sát, nắm chắc hoàn cảnh đối tượng: đau ốm, qua đời, cập nhật đối tượng chuyển đi hoặc đối tượng chuyển đến.

Gặp nữ cán bộ có 17 năm làm công tác chi trả chế độ tới người có công - 2

Chị Trang trong một lần đi trao quà cho gia đình có công cách mạng trên địa bàn phường

"Mình tiếp xúc trực tiếp với các bác, các chú nên mình hiểu hoàn cảnh, điều kiện của họ. Ngoài ra, mình cũng phối kết hợp với các tổ dân phố trên địa bàn nắm chắc tình hình các đối tượng hàng tháng, còn hay mất để làm chế độ cho chuẩn", chị Trang bộc bạch.

Kể về kỷ niệm làm nghề, chị nhớ có lần vào đầu năm chờ duyệt dự toán, chưa chi trả kịp chế độ thì có bác nóng ruột đến hỏi. "Những lúc này mình phải khéo léo, vì các bác già cả, tính tình hay bực bội. Mình chỉ cười xòa, lựa lời nói cho đối tượng hiểu", chị nói.

Tại địa bàn chị phụ trách, hiện nay đối tượng có chế độ cao nhất là bác Phan Đại Thành (ngoài 80 tuổi), hàng tháng nhận hơn 7 triệu đồng. Đây là đối tượng có 2 danh hiệu: Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và nhiễm chất độc hóa học hơn 81%.

Ngoài ra còn có cô Phan Thị Hạnh hàng tháng nhận hơn 6,6 triệu đồng, với 3 danh hiệu, gồm: thương binh loại 2, hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, vợ liệt sĩ.

Gặp nữ cán bộ có 17 năm làm công tác chi trả chế độ tới người có công - 3

Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, trao quà cho gia đình chính sách tại phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang

Nhiều năm làm nghề cho chị một kinh nghiệm quý giá, chị chia sẻ: "Tâm lý các chú, các bác là không cần nhận tiền sớm mà cần đúng ngày!". Do đó nếu có năm nào đó dự toán chưa duyệt thì chị làm văn bản thông báo cho đối tượng trước đó cả tháng.

Trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang, Khánh Hòa) - bà Nguyễn Thị Hà cho biết, chị Trang là cán bộ có thâm niên, làm việc rất trách nhiệm. Hàng năm chị được nhận giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ UBND TP Nha Trang.

"Cán bộ làm công việc này đầu tiên là phải có tâm vì một đồng cũng không được vi phạm. Do phải tiếp xúc với các đối tượng già cả, lại có bệnh sẵn trong người, lại khó tính nên trong giao tiếp cán bộ phải hết sức mềm mỏng. Ngoài ra, phải có chuyên môn, nghiên cứu, tham mưu cho địa phương xét duyệt đúng đối tượng. Nếu làm sai đối tượng thì rất nguy hiểm vì thất thoát ngân sách, còn nếu hướng dẫn, tham mưu không đầy đủ thì đối tượng chính sách bị thiệt thòi quyền lợi của mình", bà Hà bộc bạch.