Đủ năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, đang bảo lưu mà chết thì sao?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Nhiều lao động lo lắng đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đủ năm để lãnh lương hưu nhưng chưa đủ tuổi, đang bảo lưu quá trình đóng mà qua đời thì mất hết.

Nhiều người tham gia thị trường lao động sớm, đóng BHXH hơn 20 năm (đủ điều kiện thời gian để hưởng chế độ hưu trí) khi còn trẻ, phải chờ rất lâu mới đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu.

Trong thời gian này, người lao động không muốn tiếp tục làm việc ở khu vực chính thức, dừng đóng BHXH bắt buộc thì có thể bảo lưu thời gian đã đóng, chờ đến khi đủ tuổi nghỉ hưu để hưởng chế độ hưu trí. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại trong thời gian bảo lưu trên, nếu chẳng may họ qua đời thì sẽ thiệt thòi quyền lợi.

Bạn đọc Trần Quang Trường thắc mắc: "Khi đã đóng BHXH đủ thời gian hưởng lương hưu mà không may qua đời, hoặc người đang hưởng lương hưu mà không may qua đời thì bảo hiểm sẽ chi trả như thế nào?".

Trả lời phóng viên Dân trí, đại diện BHXH TPHCM cho biết: "Hai trường hợp mà bạn Trần Quang Trường hỏi về người đã đóng BHXH đủ thời gian hưởng lương hưu (đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên) mà không may qua đời, hoặc người đang hưởng lương hưu mà không may qua đời thì thân nhân của người bị qua đời sẽ được hưởng hai khoản tiền là trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất, trong đó, thân nhân được lựa chọn giữa trợ cấp tuất hằng tháng và trợ cấp tuất một lần".

Trợ cấp mai táng

Đối với trợ cấp mai táng, căn cứ Điều 66 và Điều 80 Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động đang đóng BHXH bắt buộc, đang bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc (có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên), người đang hưởng lương hưu khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng.

Hai trường hợp bạn Trần Quang Trường hỏi đều được hưởng một lần trợ cấp mai táng, mức hưởng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người đó chết. Cụ thể, hiện nay, trợ cấp mai táng được tính là 14.900.000 đồng (10 lần mức lương cơ sở 1.490.000 đồng), còn từ ngày 1/7 sẽ là 18.000.000 đồng (10 lần mức lương cơ sở 1.800.000 đồng).

Đủ năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, đang bảo lưu mà chết thì sao? - 1

Nếu người lao động chẳng may qua đời, trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất là khoản tiền không nhỏ để đảm bảo an toàn tài chính cho thân nhân (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Trợ cấp tuất hàng tháng

Đối với trợ cấp tuất, có hai hình thức là trợ cấp tuất một lần và trợ cấp tuất hằng tháng.

Theo quy định, chỉ người đang đóng BHXH bắt buộc, đang bảo lưu quá trình đóng BHXH bắt buộc hoặc đang hưởng lương hưu mà trước đó có đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên mới có quyền lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Cả hai trường hợp bạn đọc Trần Quang Trường thắc mắc đều có quyền lựa chọn này.

Điều 67 Luật BHXH năm 2014 quy định, thân nhân của người lao động đã mất được hưởng trợ cấp hằng tháng phải là những người không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở (không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công).

Đủ năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, đang bảo lưu mà chết thì sao? - 2

Thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng khi người lao động qua đời (Ảnh: Tùng Nguyên).

Điều 68 Luật BHXH 2014 quy định mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở (hiện là 745.00 đồng/tháng, từ ngày 1/7 là 900.000 đồng/tháng); trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở (1.043.000 đồng/tháng, từ ngày 1/7 là 1.260.000 đồng/tháng).

Một người chết thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không quá 4 người. Trường hợp có từ 2 người chết trở lên thì thân nhân của những người này được hưởng 2 lần mức trợ cấp tuất hằng tháng như đã nêu ở trên.

Theo BHXH TPHCM, trợ cấp tuất hằng tháng là một trong những điểm ưu việt của chính sách BHXH. Mức hưởng của mỗi thân nhân trong một tháng có vẻ khiêm tốn, nhưng nếu tính lâu dài sẽ thấy lợi vì đối với trẻ em, số tiền trợ cấp tuất hằng tháng được chi trả cho tới khi đủ 18 tuổi; đối với người đã hết tuổi lao động, số tiền trợ cấp tuất hằng tháng được chi trả cho tới khi thân nhân đó qua đời.

Bên cạnh đó, tiền trợ cấp tuất hằng tháng cũng được điều chỉnh theo mức tăng của mức lương cơ sở. Vì vậy, nếu người chết có nhiều thân nhân thuộc diện được hưởng trợ cấp, tổng số tiền trợ cấp tuất hằng tháng sẽ rất lớn, lại là một khoản trợ cấp đều đặn, thực sự mang tính bù đắp, chia sẻ đối với các thân nhân ở lại.

Trợ cấp tuất một lần

Trợ cấp tuất hằng tháng là lựa chọn duy nhất nếu người chết có con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Còn lại thì thân nhân có quyền lựa chọn nhận trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần.

Đối với thân nhân của người lao động đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu quá trình đóng BHXH không may qua đời, mức trợ cấp tuất một lần được tính theo số năm mà người lao động đã đóng BHXH.

Cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng BHXH trước năm 2014; bằng 2 tháng bình quân tiền lương đóng BHXH cho các năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.

Đối với thân nhân người đang hưởng lương hưu chết thì mức trợ cấp tuất một lần được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu. Nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng. Nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu. Mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng.