4 điểm mới về chính sách hưu trí áp dụng cho năm 2023

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Trong năm 2023, chính sách hưu trí có nhiều thay đổi như tăng tuổi nghỉ hưu, tăng lương hưu, tăng sàn lương hưu, tăng mức đóng vào quỹ hưu trí.

Tăng tuổi nghỉ hưu

Khoản 1 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: "Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu".

Theo Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.

Sau đó, cứ mỗi năm, tuổi nghỉ hưu lại tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam, cho đến khi đủ 62 tuổi (vào năm 2028) và thêm 4 tháng đối với lao động nữ, cho đến khi đủ 60 tuổi (vào năm 2035).

Như vậy, theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tuổi nghỉ hưu trong năm 2023 của lao động nam là 60 tuổi 9 tháng, lao động nữ là 56 tuổi.

Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết hướng dẫn cách tính tuổi nghỉ hưu quy định trong Nghị định 135/2020/NĐ-CP TẠI ĐÂY.

4 điểm mới về chính sách hưu trí áp dụng cho năm 2023 - 1

Năm 2023 có nhiều thay đổi trong chính sách hưu trí (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Tăng mức đóng vào quỹ hưu trí

Theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 do Quốc hội ban hành, từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ mức 1.490.000 đồng/tháng lên mức 1.800.000 đồng/tháng.

Khi tăng lương cơ sở thì mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất của cán bộ, công chức, viên chức (người có lương hệ số tính theo lương cơ sở) và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn cũng sẽ tăng theo.

Theo quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mức đóng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức là 8% lương tháng; của người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn là 8% lương cơ sở. Trong khi đó, phần đóng của đơn vị sử dụng lao động là 18%, trong đó có 14% đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Việc tăng mức đóng vào quỹ hưu trí cũng đồng nghĩa với việc cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn sẽ nhận được khoản lương hưu cao hơn khi nghỉ hưu.

Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất trong Quyết định 959/QĐ-BHXH TẠI ĐÂY.

Tăng mức hưởng lương hưu

Việc tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng cũng tác động đến mức hưởng lương hưu của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/2016 (có thời điểm nghỉ hưu từ ngày 1/7/2023 trở đi).

Theo Điều 63 luật Bảo hiểm xã hội 2014, tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của nhóm lao động trên được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí. Tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội là căn cứ để tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, nhân với tỷ lệ hưởng sẽ tính ra mức hưởng lương hưu. Do đó, khi tăng lương cơ sở thì tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của nhóm lao động này tăng theo, dẫn đến lương hưu cũng sẽ tăng theo.

Ngoài ra, với người đã nghỉ hưu, trong Nghị quyết số 69/2022/QH15, Quốc hội cũng đồng ý tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp. Mức tăng này cũng được thực hiện từ ngày 1/7/2023.

Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết việc tăng lương cơ sở và lương hưu quy định trong Nghị quyết số 69/2022/QH15 TẠI ĐÂY.

Tăng sàn lương hưu

Theo Điều 56 luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là bằng mức lương cơ sở (trừ trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội).

Do đó, từ ngày 1/7/2023, khi tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 1.800.000 đồng.

Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết về mức lương hưu quy định tại Điều 56 và Điều 63 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 TẠI ĐÂY.