Dư hơn 2.900 tỷ tiền hỗ trợ thuê nhà, đề xuất Chính phủ phương án xử lý
(Dân trí) - Liên quan đến nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động thuê nhà trọ còn dư, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ xem xét phân bổ, sử dụng cho nhiệm vụ khác.
Báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Bộ Tài Chính cho biết, 6.600 tỷ đồng được bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để hỗ trợ.
Ngày 29/6/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản gửi Bộ Tài chính dự kiến tổng nhu cầu kinh phí là 6.490 tỷ đồng để chi cho 3.855.114 đối tượng, trong đó, 3.364.182 lao động đang làm việc, 490.932 lao động quay trở lại thị trường.
Sau đó, Bộ Tài chính đã có văn bản bổ sung từ ngân sách trung ương (70% dự kiến nhu cầu kinh phí) cho 20 địa phương có phát sinh kinh phí chi trả chính sách lớn, chiếm từ 10% trở lên nguồn dự phòng ngân sách địa phương năm 2022. Tổng số tiền trên là 4.124,5 tỷ đồng.
Trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện chính sách của 60/60 địa phương có phát sinh đối tượng và kinh phí thực hiện chính sách, Bộ Tài chính đã bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương hỗ trợ chính thức cho 59/60 địa phương với kinh phí là 3.679,3 tỷ đồng, giảm 2.810,7 tỷ đồng so với dự kiến của Bộ Lao động - Thương binh Xã hội.
Trong đó, bổ sung thêm (ngoài số đã bổ sung 70% nhu cầu, nếu có) cho 45 địa phương số tiền 376 tỷ đồng, đồng thời thu hồi số kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ còn dư (so với số đã bổ sung 70% nhu cầu) của 14 địa phương là 821,2 tỷ đồng.
Về đối tượng hỗ trợ, Bộ Tài Chính cho biết, có 57/59 địa phương báo cáo cụ thể số đối tượng hỗ trợ. Theo đó, thực tế số đối tượng hỗ trợ của 57 địa phương có báo cáo là 3.126.382 đối tượng, tăng 597.738 đối tượng so với dự kiến của Bộ Lao động - Thương binh Xã hội.
Đơn vị này lý giải do có sự thay đổi cơ cấu giữa 2 nhóm đối tượng hưởng chính sách và thời gian thực tế các địa phương thực hiện hỗ trợ cho một số đối tượng chỉ 1 tháng hoặc 2 tháng, thấp hơn thời gian dự kiến hỗ trợ tối đa là 3 tháng.
Như vậy, nguồn kinh phí dành để thực hiện chính sách còn dư là 2.920,7 tỷ đồng (6.600 tỷ đồng - 3.679,3 tỷ đồng).
Từ thực tế trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện đối với khoản kinh phí thực hiện chính sách phát sinh sau thời điểm báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ngân sách Trung ương không hỗ trợ.
Bên cạnh đó, đề xuất giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến chính thức về đề xuất phương án phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện chính sách còn dư theo đề nghị của Bộ Tài chính tại Tờ trình số 808/TTr-BTC ngày 28/6/2023 về hoàn thiện phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm và cắt giảm dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương năm 2022 và nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư.
Gói hỗ trợ lao động thuê trọ được Chính phủ ban hành cuối tháng 3/2022, dự kiến hỗ trợ tiền thuê nhà cho 3,4 triệu người lao động với mức 0,5-1 triệu đồng mỗi người một tháng, tối đa ba tháng.
Hai nhóm thụ hưởng là người có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội đang làm việc trong doanh nghiệp và người quay lại thị trường lao động.