Tâm lý "sợ sai" khiến việc chi tiền hỗ trợ thuê nhà ì ạch, còn dư 2.800 tỷ
(Dân trí) - Đến nay, cả nước đã hoàn thành chi trả hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 5,2 triệu lượt người lao động. So với số kinh phí dự kiến 6.600 tỷ đồng, nguồn kết dư còn khoảng 2.800 tỷ đồng.
Gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được thực hiện căn cứ theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Kinh phí dự kiến ban đầu dành cho chương trình này là 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo báo cáo của 60 tỉnh, thành phố (trừ 3 tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên không có đối tượng hỗ trợ), đến nay, cả nước đã hoàn thành chi trả hỗ trợ cho gần 5,2 triệu lượt người lao động với hơn 3.759 tỷ đồng.
Trong đó, khoản hỗ trợ người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp là hơn 3.219 tỷ đồng; hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động hơn 539,8 tỷ đồng.
So với số kinh phí dự kiến 6.600 tỷ đồng thì chương trình còn dư khoảng 2.800 tỷ đồng.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nghị quyết số 43 được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023.
Như vậy, đến nay, thời gian thực hiện không còn nhiều, trong khi hiện còn 39/61 địa phương chưa có báo cáo kết quả thực chi ngân sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho Bộ Tài chính để làm cơ sở thu hồi, hoặc cấp bổ sung kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà và báo cáo số tiền còn lại của chính sách.
Trong khi đó, vấn đề điều chỉnh nhiệm vụ chi của chương trình thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Mặt khác, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, thị trường lao động hiện nay cơ bản ổn định. Theo báo cáo của các địa phương, mặc dù một số ngành (may mặc, giày da, chế biến gỗ....) vẫn còn gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, nguồn cung nguyên vật liệu, các yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu nên phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động nhưng hiện tượng này chỉ mang tính cục bộ.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã bố trí nguồn lực lớn để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình trọng điểm về giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, tạo việc làm bền vững.
Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất kết thúc chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, số kinh phí còn dư chuyển lại ngân sách trung ương để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác của Nhà nước.
Hết năm 2023, sau khi quyết toán, số kinh phí còn dư, Bộ Tài chính tổng hợp phương án tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023 trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, nhìn chung, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã bao phủ được hầu hết người lao động có quan hệ lao động đang ở thuê, ở trọ trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm (số đối tượng được hỗ trợ bằng 71,8% số dự kiến ban đầu). Gói hỗ trợ, theo đó, đã góp phần phục hồi nhanh thị trường lao động, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã có chính sách riêng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, có khu nhà ở miễn phí cho người lao động...
Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận, dự toán kinh phí chưa sát thực tế, số kinh phí thực hiện hỗ trợ chỉ bằng 57,24% so với tổng kinh phí đề nghị ban đầu.
Việc triển khai thực hiện thời gian đầu chưa kịp thời, đầy đủ dẫn đến việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chậm. Người sử dụng lao động lập và gửi hồ sơ đề nghị muộn do muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục 1 lần nên đến tháng 7/2022 hầu hết mới tiến hành các thủ tục.
Việc thẩm định hồ sơ, phê duyệt và giải ngân kinh phí cho người lao động thời gian đầu còn chậm, do hồ sơ dồn vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 quá nhiều, trong khi lực lượng cán bộ tiếp nhận và thẩm định hồ sơ không đủ.
Việc bố trí, sử dụng kinh phí để triển khai thực hiện chính sách chậm. Nhiều nơi có tâm lý "sợ sai", "sợ trách nhiệm" nên phát sinh thêm thủ tục hành chính, thêm quy trình thực hiện xác minh.