Doanh nghiệp tăng lương "cào bằng", công nhân đòi điều chỉnh theo bậc

Xuân Hinh

(Dân trí) - Khoảng 1.000 công nhân nhà máy Nidec Servo ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức, TPHCM) ngừng việc để phản đối công ty chỉ tăng lương đồng loạt mức 260.000 đồng, đề nghị điều chỉnh theo bậc.

Doanh nghiệp tăng lương cào bằng, công nhân đòi điều chỉnh theo bậc - 1

Gần 1.000 công nhân Công ty Nidec Servo, 100% vốn Nhật Bản đã ngừng việc để phản đối việc tăng lương 260.000 đồng cho toàn bộ công nhân (Ảnh: M.D).

Theo Nghị định 38 của Chính phủ, từ ngày 1/7, lương tối thiểu vùng tăng 6%, tương đương 180.000 đến 260.000 đồng lần lượt mỗi vùng. Tại TPHCM, các doanh nghiệp đều đồng loạt tăng lương cho người lao động với nhiều tỷ lệ khác nhau từ vài trăm ngàn lên tới hàng triệu đồng.

Tuy nhiên, để đàm phán được mức tăng lương, không ít lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động đã xảy ra mâu thuẫn.

Cụ thể, ngày 25/8, gần 1.000 công nhân Công ty Nidec Servo, 100% vốn Nhật Bản, chuyên sản xuất các linh kiện điện tử xuất khẩu, trú đóng trong Khu công nghệ cao TP Thủ Đức, TPHCM đã ngừng việc để yêu cầu thực hiện tăng lương.

Các công nhân yêu cầu Ban giám đốc rút quyết định tăng lương mức 260.000 đồng cho tất cả lao động để áp dụng hình thức tăng lương theo bậc. Cụ thể, công nhân hưởng lương bậc một tăng 6%, các bậc cao hơn phần tăng cao hơn.

Trước ngày ngừng việc, công nhân cũng đã đồng loạt phản ứng khi nhận email thông báo tăng lương đồng loạt cho tất cả các cấp bậc lương là 260.000 đồng. Tại hội nghị lấy ý kiến của công đoàn công ty, công nhân lao động cũng đã nêu kiến nghị không đồng ý mức tăng lương trên.

Một công nhân còn cho rằng, khi tăng lương 260.000 đồng, công ty đã cắt đi các phúc lợi của công nhân như đi du lịch, tất niên. "Tôi kiến nghị lên lương 6% cho bậc 1, các bậc lương tiếp theo tăng theo phần trăm tương ứng các bậc lương", đại diện người lao động trình bày quan điểm.

Theo lãnh đạo công đoàn của công ty, Nidec Servo đang gặp nhiều áp lực trong việc thương lượng lương do nhà máy đang gặp khó sau đại dịch Covid-19. Hiện, công ty đang có những phương án xử lý vấn đề trên để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Trước đó, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đã đề xuất lùi thời hạn tăng lương đến 1/1/2023 nhưng không được Hội đồng tiền lương quốc gia chấp thuận.

Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động TP HCM), ông Nguyễn Thành Đô cho rằng, tăng lương là vấn đề phức tạp tại nhiều doanh nghiệp thời điểm này. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang đàm phán để dung hòa việc tăng lương giữa công nhân mới và công nhân có thâm niên.

Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cũng chỉ ra rằng, trong 6 tháng đầu năm, trong 5.000 doanh nghiệp khảo sát, có hơn 60% vẫn còn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, trên 42% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm, gần 28% khó khăn về vốn, hơn 13% thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất, gần 17% cần hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước và một số lý do khác.