Điều gì tạo nên cú “nhảy việc” hoàn hảo?

“Nhảy việc” đang là một hiện tượng phổ biến trong thị trường lao động mở rộng hiện nay. Do đó, nếu bạn gặp vấn đề không thể giải quyết được ở công ty hiện tại, hay muốn thử thách bản thân ở lĩnh vực khác, thì việc tìm kiếm “bến đỗ” mới là điều bạn nên cân nhắc.

Sau hơn 10 năm làm việc, CareerLink.vn với tư cách một trong những công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực hỗ trợ tuyển dụng và tìm kiếm việc làm, đã trở thành cầu nối quan trọng giữa nhân sự muốn “nhảy việc” với các nhà tuyển dụng có nhu cầu.

Để có một “cú tiếp đất” hoàn hảo khi “nhảy việc” là chuyện không hề đơn giản. Điều này chỉ xảy ra khi bạn đã cân nhắc kĩ lưỡng mọi vấn đề cần thiết xung quanh.

Thông tin việc làm mới nhất tại https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-tai/ho-chi-minh/HCM

Nhận thức rõ công việc hiện tại

Trước khi bạn đi đến quyết định “nhảy việc”, thì điều đầu tiên bạn nên làm chính là bình tâm nhận thức rõ tình hình công việc hiện tại. Bạn phải trả lời được đâu là nguyên do thực sự dẫn đến việc “dứt áo ra đi”.

Điều gì tạo nên cú “nhảy việc” hoàn hảo? - 1

Thông thường, chúng ta thường có nhu cầu “nhảy việc” khi gặp khó khăn trong công việc, không hài lòng với chế độ phúc lợi, lương bổng, xảy ra xích mích trong quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên. Nếu bạn gặp một trong các vấn đề trên ở mức độ ngày càng trầm trọng và không thể giải quyết, thì bạn hãy cân nhắc quyết định ra đi.

Bạn cũng nên biết rằng công việc mới không là “liều thuốc tiên” bảo đảm sự an toàn và nhàn hạ cho bạn về sau. Dù là công việc mới hay cũ thì cũng đều phát sinh vấn đề, và những lúc như vậy thì bản lĩnh của bạn mới được thử thách thực sự. Đừng vì ánh hào quang bên ngoài của “lời hứa hẹn” mới mà dẫn bản thân vào tình trạng “mất cả chì lẫn chài”.

“Nhảy việc” thành công rồi sao nữa?

Chuyện bạn “nhảy việc” thành công là một tín hiệu đáng mừng, nhưng bất kì công việc nào cũng sẽ phát sinh những vấn đề về sau. Điểm cốt lõi nằm ở việc bạn biết bản thân phải làm gì, cố gắng ra sao để đạt được mục tiêu vạch ra trong sự nghiệp, cuộc sống. “Nhảy việc” là một yếu tố “cần” nhưng không phải là “đủ”. Nếu bạn cứ “nhảy việc” hết công ty này đến doanh nghiệp nọ, thì sự nghiệp của bạn sẽ không thể tiến xa hơn ở các vị trí cấp cao.

Sự phù hợp ở vị trí mới

“Nhảy việc” tức là bạn đã tự viết nên một chương mới cho sự nghiệp của mình. Dù đó là một công việc ở lĩnh vực mới, hay cũ thì bạn cũng cần rất nhiều thời gian để làm quen, và thích nghi với cơ chế điều hành của bộ máy mới.

Cuộc sống của bạn có thể gần như bị “đảo ngược” và gây ra những tác động vượt quá tầm kiểm soát. Do đó, bạn cần cân nhắc kĩ lưỡng không chỉ về lời mời gọi thù lao hấp dẫn, mà còn ở tính chất, giờ giấc làm việc, kỹ năng yêu cầu, văn hóa doanh nghiệp, và nhiều vấn đề khác.

Bạn nên nhớ rằng khi cất bước ra đi thì đồng nghĩa đường về ngôi nhà cũ gần như bị khóa chặt. Và nếu công việc mới không thực sự phù hợp, thì bạn sẽ rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Điều này không chỉ làm bạn mất thời gian, công sức mà vô tình bỏ đi cơ hội thăng tiến trong công việc cũ.

Cân bằng giữa các lợi ích ngắn và dài hạn

Thật sự có rất nhiều người từ bỏ các vị trí “lương nghìn đô” để tìm kiếm một cơ hội với các dự án, start-up non trẻ. Họ mong muốn đầu tư công sức vào một công việc “tiềm năng” để tạo ra lợi ích dài hạn về sau.

Tuy nhiên, khi bước ra khỏi “vùng an toàn” thì khả năng rất cao bạn sẽ “trắng tay” vì không có điều gì đảm bảo tuyệt đối rằng bạn sẽ thành công.

Nếu bạn đang nắm giữ một chức vụ cao, lương hấp dẫn, thì việc bạn từ bỏ tất cả là chuyện không hề dễ dàng. Đặc biệt, nếu bạn là một người phải đang gánh chịu nhiều “trách nhiệm” vô hình trên vai, thì quyết định càng trở nên khó khăn hơn.

Mỗi quyết định về công việc được đưa ra đều đem đến các lợi ích ngắn và dài hạn khác nhau. Bạn cần biết chọn cái ưu tiên, và phù hợp nhất ở thời điểm hiện tại.

Thời cơ đã đến

Cú tiếp đất hoàn hảo của “nhảy việc” nằm ở vấn đề “điểm rơi”. Bạn chắc chắn phải ra đi, nhưng bạn không nên tức tốc đến phòng sếp và gửi đơn xin việc cùng lời khước từ với “núi công việc” dang dở của bạn.

Bạn cần phải tỏ ra mình là một người có trách nhiệm, nên việc bạn ra đi cần được thông báo từ trước. Điều này giúp bạn có thời gian để hoàn thành công việc và phòng ban cũng tìm được người thay thế phù hợp.

Ngoài ra, tâm lí cũng là yếu tố đáng lưu tâm. Đừng vì một chút căng thẳng và lo lắng trong nhiệm vụ mới, hay tâm trạng lo âu, mệt mỏi khi đối diện với cuộc sống, mà bạn vội vàng đưa ra quyết định. Quyết định chỉ nên đưa ra khi bạn đã dành thời gian suy nghĩ thấu đáo với trạng thái bình tĩnh, thoải mái.

Đặt ra mục tiêu rõ ràng trong tương lai

Ngày bạn đến với chiếc ghế mới, thì bạn phải có sẵn bảng kế hoạch mục tiêu tương lai. Công việc mới sẽ cho bạn những cơ hội, thách thức mới và bạn cần phải hiểu rõ bản thân cần gì và phải làm gì để phấn đấu.

Theo thời gian, mọi công việc đều phát sinh những vấn đề ngoài ý muốn, nên bạn cần rút kinh nghiệm từ sai lầm ở vị trí cũ và cố gắng đạt được mục tiêu mong muốn trước khi lại có một cú “nhảy việc” tiếp theo.

Trung Thành