Mẹ vỡ òa "đánh" con gái 2 roi khi bí mật từ Đức về đóng giả khách mua hàng
(Dân trí) - Thu Hiền (ở Hà Nội) bí mật từ Đức về Việt Nam sau hơn một năm xa nhà. Cô cùng hai người bạn thân đóng giả khách mua hàng, rồi tạo bất ngờ cho bố mẹ.
Đầu tháng 11, Phí Thu Hiền (25 tuổi) bí mật từ Đức về Việt Nam sau hơn một năm xa nhà. Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Điều dưỡng tiên tiến tại Đại học Y Hà Nội, cô qua Đức làm việc cho một bệnh viện từ đầu tháng 10/2023.
Hiền lên kế hoạch tạo bất ngờ cho gia đình nên mỗi khi bố mẹ gọi điện hỏi "năm nay con có về quê ăn Tết không?", cô đều trả lời "con không xin nghỉ được, chắc năm sau con mới về". Nhưng thực tế, cô đã đặt vé máy bay từ mấy tháng trước.
Thu Hiền bay 2 chặng, quá cảnh tại sân bay Bắc Kinh (Trung Quốc), đáp xuống sân bay Nội Bài sau 16 tiếng. Cô nhờ bạn chở về nhà tại thôn Đồng Táng (xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội).
"Tôi có thể về sớm hơn nhưng sợ lúc đó bố mẹ đi vắng nên chờ gần tới giờ cơm tối mới về nhà", cô kể.
Hiền đeo kính, bịt khẩu trang kín mít, cùng 2 người bạn thân đóng giả khách mua rượu. Cô thay đổi giọng nói, tránh nói giọng địa phương đặc trưng để "đánh lừa" bố mẹ.
Ban đầu, Hiền đứng xa, trời lại tối nên mẹ cô không nhận ra, nhiệt tình bán hàng, đòi con gái thêm 10.000 đồng tiền can đựng rượu. Trong khi đó, người bố ngồi ăn cơm trong nhà.
Khi cô gái tiến lại gần để hỏi chuyện, người mẹ ngờ ngợ nhận ra nhưng không dám nhận con gái vì nghĩ "Hiền vẫn ở bên Đức". Cho đến khi cô gái cởi khẩu trang, người mẹ vỡ òa cảm xúc, hét lớn vào trong nhà báo tin cho chồng: "Con gái về này ông ơi".
Người mẹ mắng yêu con gái, tiện tay đang cầm ống hút rượu nên "tặng" cô 2 roi. Hiền ôm chầm lấy mẹ, cháu trai nghe tiếng chạy ra cũng sà vào lòng dì.
Đăng tải đoạn video về thăm nhà lên trang cá nhân, Hiền bất ngờ nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Cô hi vọng lan tỏa niềm vui sum vầy bên gia đình đến mọi người, tiếp thêm động lực "đi để trở về".
"Tôi nghĩ nhiều người có hoàn cảnh giống tôi, đều là những người con xa xứ, nhất là mỗi dịp Tết đến luôn mong muốn có nơi để trở về đó là nhà, là gia đình", Hiền nói.
Trước đó, biết sẽ vướng lịch học ở Đức vào dịp Tết Nguyên đán, Hiền tranh thủ về nhà chơi một tháng rồi trở lại Đức vào tháng 12. Ngày trước, khi học đại học xa nhà, cô sống xa gia đình, nhưng cuối tuần đều về thăm bố mẹ.
Từ ngày sang Đức, Hiền nói cảm giác xa nhà trở nên khác biệt so với trước. Một thân một mình cách nhà hơn chục nghìn cây số, nhiều lúc nhớ nhà cô không biết làm thế nào, chỉ biết nhìn bố mẹ qua màn hình điện thoại.
Mỗi lần gọi điện, mẹ đều hỏi con gái "ăn uống gì chưa", "đã quen việc chưa" rồi động viên cố gắng. Nhiều lúc cô cảm thấy tủi thân khi sống một mình ở Đức, nếu xảy ra chuyện gì cũng không dám kể với mẹ vì sợ mẹ ở nhà lo lắng.
"Là con út, tôi được bố mẹ chiều hơn anh chị. Gia đình thường ít thể hiện tình cảm, bố mẹ chẳng bao giờ nói "yêu con" nhưng cái gì tốt đẹp nhất cũng dành cho chúng tôi", Hiền tâm sự.