Con gái nhận lời khuyên của mẹ "hạnh phúc là... giỏi chịu đòn"
(Dân trí) - Giang nghẹn ngào và cả phẫn nộ khi mẹ chị xem việc nhẫn nhịn, chịu đựng chồng đánh đập hàng chục năm như một niềm tự hào.
Hai ngày qua, Thu Giang, 25 tuổi, đang làm việc tại một ngân hàng ở TPHCM mất ngủ, ức chế, bứt rứt trong người. Cảm giác này xuất hiện sau cuộc trò chuyện của cô với mẹ cuối tuần rồi.
Từ giữa tháng 3, mẹ Giang ở quê vào chơi với con gái. Người gầy ốm, da nhăn nên nhìn ngoài, bà "cứng" hơn nhiều so tuổi 52 của mình.
Giang kể, mới rồi, trước ngày quốc tế hạnh phúc, lần đầu tiên trong đời cô hỏi mẹ: "Hạnh phúc của mẹ là gì?". Có lẽ đó cũng là lần đầu tiên mẹ cô nhận được câu hỏi này.
Bà cười lớn, trả lời: "Hạnh phúc của tau là mấy đứa bay chứ còn là gì. Là giỏi chịu đựng bố bay đánh đập, chửi bới để giữ bố cho bay".
Giang nghẹn đắng...
Cả tuổi thơ, cô và chị em sống trong sự hà khắc và quái dị của bố, bên cạnh sự chịu đựng phi thường, kỳ lạ của mẹ.
Từ bé, Giang đã quen với hình ảnh bố mình và không ít người đàn ông khác trong làng bạo hành, đánh đập vợ. Điều này diễn ra một cách hiển nhiên trước mắt mọi người. Đó là cảnh đánh tát, giật tóc vợ, có người cầm cuốc bổ vợ, đuổi người phụ nữ chạy khắp làng...
Bố Giang thuộc túyp người khép kín, ít giao tiếp nên mọi sự phần lớn diễn ra trong nhà. Ông thường đánh mẹ vào ban đêm, khi các con đã đi ngủ. Ông bóp cổ, giật tóc, đấm vào mặt... nhưng mẹ không kêu lên tiếng nào vì sợ các con tỉnh giấc.
Nhiều lần, chị em Giang chứng kiến bố đánh đập mẹ, kéo bà vào nhà vệ sinh rồi dội nước giữa trời lạnh cóng nhưng vẫn quay sang ra lệnh các con "vào phòng đóng cửa lại". Ngoài đánh đập, ông thường xuyên chì chiết, đay nghiến, rủa xả vợ với đủ lời lẽ rất kinh khủng.
Một trong những trò tra tấn kinh hoàng nhất của bố với mẹ con Giang chính là... bữa ăn. Nhìn mâm cơm không như ý mình, ông sẽ tra tấn vợ bằng cách... lấy muối ra ăn với cơm trắng kèm những lời mỉa mai, chì chiết. Cũng không ít lần, ông ném cả mâm cơm, dội cả nồi canh còn nóng lên đầu vợ. Đến giờ đây, khi các con đã lớn, mẹ Giang vẫn đang chịu đựng cảnh tượng này.
Điều cô con gái uất ức nhất là dù bị chồng bạo hành, tra tấn nhưng mẹ luôn bao biện cho bố bằng lý giải thật ra bố rất tốt, rất yêu thương mẹ, chẳng qua là ông nóng tính... Mẹ chấp nhận cho việc người thân yêu nhất đánh đập mình, thậm chí cho rằng "có yêu mới đánh" hoặc quay sang đổ lỗi cho bản thân.
Cả đời hầu chồng, lụy con, mẹ Giang và biết bao nhiêu người phụ nữ đã vứt bỏ các nhu cầu, hạnh phúc cá nhân. Đáng sợ hơn, với bà, giá trị của người phụ nữ lại nằm ở chỗ "giỏi chịu đòn". Bà hay kể lể việc mình nhịn ăn nhịn mặc vì con, chịu đựng chồng đánh đập vì con, làm tất cả vì con... như một niềm tự hào.
Chị em Giang lớn lên trong sợ hãi vì hung dữ của bố và điều họ chán ghét hơn cả là sự chịu đựng và kể lể công lao của mẹ. Có thể vì cho rằng mình hy sinh quá nhiều nên bà rất áp đặt, đòi hỏi và cả dày vò con cái.
Hai từ "mạnh mẽ" lâu nay thường được gắn với sự chịu đựng của người phụ nữ. Ở đó, nhiều người chỉ biết cố gắng, cố gắng để quên chính bản thân mình. Trong khi, nghĩa chuẩn xác của từ "mạnh mẽ" đáng ra là phải vì những điều tốt đẹp hơn chứ không phải để chịu đựng.
Thứ Giang và chị em trong nhà thụ hưởng từ mẹ không phải là năng lượng tích cực, là hạnh phúc, là việc biết yêu bản thân mà thay vào đó là hình ảnh người phụ nữ nhàu nhĩ, khổ sở, chịu đựng. Em trai Giang, người đã nhiều lần phải điều trị tâm lý có lần bật khóc: "Mẹ ác với tụi con...".
Nhiều lần, chị em Giang đưa ra đề nghị mẹ chuyển vào Nam sống cùng con để tách khỏi bố, khỏi những cơn giận dữ, đòn roi của ông. Bà lắc đầu: "Thiếu tau mấy ngày, ba bay không sống nổi là chắc".
Nhiều bà mẹ còn xem việc giỏi chịu đựng đó là vì con mà quên đi rằng khó có đứa trẻ nào có thể có nổi một cuộc đời bình thường, chưa nói là hạnh phúc bằng sự hy sinh, đánh đổi của người khác, nhất là của mẹ.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Công ty Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt) chia sẻ, rất nhiều phụ nữ Việt sống trên sự ảo tưởng rằng mình phải hy sinh thì mới có giá trị, mới là người phụ nữ xứng đáng. Nhiều người vì thế mà trở nên cam chịu, chấp nhận thay vì tìm cách thay đổi cuộc đời.
Họ quên mất rằng nhiệm vụ lớn nhất của người mẹ, người vợ là làm cho chính mình hạnh phúc. Họ cần yêu lấy bản thân, đầu tư cho bản thân, biết hưởng thụ để mình hạnh phúc thì mới truyền được niềm hạnh phúc đó sang chồng con..
Cũng sau câu hỏi "hạnh phúc của mẹ là gì?", chị Việt Hà, 37 tuổi, ở Đắk Lắk chia sẻ, gần đây, chính chị mới học được cách không ép mình tới những nơi mình không thích, từ chối gặp những người mình không thích, không ăn những món mình không ưa, nói không những việc quá sức của mình... Và gần đây, chị mới ý thức được việc nói ra những nhu cầu của bản thân.
Chị Hà trải lòng, giá như từ bé, chúng ta, đặc biệt là các bé gái được giáo dục về việc yêu thương bản thân đúng cách thì đã khác. Bởi chỉ có như vậy, mỗi người mới biết yêu thương người khác đúng cách.