Con gái ngoan "gọi dạ bảo vâng"... có bầu ở lớp học thêm
(Dân trí) - Dù bố mẹ thay nhau giám sát con kỹ lưỡng, kể cả khi con đến lớp học thêm nhưng mới đây, cả nhà ngã ngửa nhận tin cô con gái ngoan có bầu khi cái thai đã bước sang tháng thứ 6.
Bố mẹ biết thì con gái đã bụng vượt mặt
Chỉ vài ngày sau khi phát hiện con gái 15 tuổi mang bầu, chị M., ở TPHCM, suy sụp, bơ phờ như già đi cả chục tuổi. Chị tìm đến phòng tư vấn tâm lý gia đình trong nỗi bế tắc cùng cực.
Bấn loạn vì cái thai đã lớn của con đã đành, chị còn không tin nổi vào sự thật về cô con gái ngoan lại sa vào chuyện tày trời như vậy.
Con chị, một đứa trẻ ngoan ngoãn đúng chuẩn "gọi dạ bảo vâng". Bao nhiêu năm đi học là bấy nhiêu năm thành tích học tập xuất sắc, lại thêm việc cháu chưa từng cãi lại một lời hay làm khác ý bố mẹ nên anh chị rất hài lòng về con cũng như cách kiểm soát con của mình.
Vợ chồng chỉ có một đứa con nên họ giám sát con rất chặt khi xung quanh có quá nhiều nguy hiểm, bất an. Chị có 7 năm nghỉ việc ở nhà chăm con, cho đến khi con thật quen với trường tiểu học chị học mới đi làm lại.
Bao nhiêu năm qua, bố mẹ thay nhau đưa đón, giám sát con như vậy, kể cả việc đi học thêm phụ huynh cũng đưa đến lớp rồi ngồi trước quán cà phê chờ cho đến giờ tan học. Vậy mà...
Khi người mẹ phát hiện thay đổi bất thường ở con gái thì cái thai trong bụng cháu đã được 23 tuần tuổi. Chị tra khảo danh tính đối tượng dụ dỗ, hãm hại con nhưng cháu thú nhận "con... tự nguyện".
Thông tin duy nhất anh chị "cạy" được từ con là việc xảy ra ở lớp học thêm, "đối tác" là một anh hơn tuổi đang ôn thi đại học.
Một giáo viên dạy văn bậc THCS ở TPHCM khẳng định, chuyện học trò yêu đương rồi có bầu hiện không còn lạ với giáo viên. Cô từng được nhiều học sinh tìm đến nhờ tư vấn khi "sự đã rồi". Trong đó, nhiều em rất ngoan, rất mẫu mực, rất nghe lời, học giỏi, bố mẹ kiểm soát chặt chẽ mà chuyện nói ra thật sự không ai dám tin.
Bà Lê Bảo Vân, chuyên viên tâm lý ở TPHCM cho hay, trường hợp bố mẹ "sốc" khi phát hiện con gái ngoan có bầu không hiếm. Vậy nhưng, đó chỉ mới là phần nhỏ so với trường hợp trẻ mang bầu rồi tự tìm cách "giải quyết".
Nhiều bé gái mang bầu từ những mối quan hệ yêu đương tuổi học trò, hẹn hò với người lớn tuổi và đặc biệt có em chỉ biết bố đứa trẻ qua mạng, không biết tên tuổi ngoài đời, có em có nhiều bạn tình nên không chắc bố đứa bé là ai...
Nhiều nữ sinh học sinh cấp 2, cấp 3 tìm đến hỏi "phá thai nơi nào an toàn và bí mật cô ơi?". Khi nghe gợi mở cần trao đổi với bố mẹ để tìm phương án tốt nhất, các cháu phản ứng ngay: "Bố mẹ mà biết, họ giết con luôn cô ơi!".
Bà Vân cho rằng, trẻ thường chỉ chia sẻ bí mật này với bạn bè hoặc nhờ bạn bè cùng đi phá thai... Còn trường hợp bố mẹ phát hiện, nhiều khả năng là thai đã lớn, không che giấu nổi nữa.
Con trẻ "yêu" như thiêu thân vì thiếu thốn tình cảm?
Trong một tọa đàm học đường, nói về sự "nổi loạn" của những đứa con ngoan, ThS Nguyễn Lan Hải, tác giả nhiều cuốn sách về giáo dục giới tính, bày tỏ, đôi khi những đứa trẻ ngoan ngoãn, mẫu mực bị dồn nén trước kỳ vọng, áp lực, kiểm soát của gia đình, nhà trường.
Các em như một chiếc lò xo bị nén chặt rồi bật ra khi gặp môi trường ngoài "vùng kiểm soát". Lúc này, sức công phá còn ghê gớm, kinh khủng hơn những đứa trẻ hàng ngày được xem là cá tính, quậy phá, ương bướng trong mắt người lớn.
Về sâu xa, bà Nguyễn Lan Hải băn khoăn, về việc hoạt động giáo dục thực sự vẫn mang nặng tính hù dọa, áp đặt, gây sợ hãi với mục tiêu tạo ra những đứa trẻ ngoan ngoãn, nghe lời chứ không bắt đầu từ sự tương tác, trao đổi, chia sẻ hai chiều.
Một mặt, trẻ sẽ chấp nhận thực hiện theo mong muốn của người lớn nhưng mặt khác chúng sẽ đi tìm sự tự do ở nơi khác. Nguy hiểm ở chỗ trẻ "chơi lén" nhưng không hề có kiến thức, kỹ năng để bảo vệ mình.
Nhiều năm qua, tình trạng nạo phá thai vị thành niên được nhắc đến với nhiều số liệu nhức nhối. Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc năm 2022 (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ phá thai vị thành niên cao nhất thế giới với khoảng 300.000 ca/năm. Trong số này, 30% là phụ nữ từ 15 - 19 tuổi, với 70% là học sinh, sinh viên.
Khi nhắc đến những con số về tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, điều khiến các chuyên gia, nhà quản lý đốc thúc nhất là cần dạy trẻ kiến thức giới tính, các phòng ngừa tránh thai với châm ngôn "vẽ đường cho hươu chạy"...
Tuy nhiên, theo bà Lê Bảo Vân, điều cần quan tâm hơn viên thuốc tránh thai, chiếc bao cao su phải ở chỗ tìm được nguyên nhân vì sao con trẻ lại dễ dàng buông thả, sa ngã đến vậy?
Bà Vân gợi mở, phải chăng giờ đây nhiều trẻ thiếu tình thương, gắn kết, chia sẻ ngay trong gia đình nên chỉ cần gặp một ai đó chìa tay ra là trẻ sẵn sàng bung mở, dâng hết, cho hết, kể cả với một người trên mạng chưa biết tên biết tuổi.
Khi thiếu thốn tình cảm từ ruột thịt, người thân, trẻ có xu hướng tìm kiếm, dựa dẫm vào tình cảm đến từ bên ngoài. Không được yêu thương đủ và đúng cách, sức đề kháng của trẻ cũng bị giảm, khó khăn trong việc nhận diện sự nguy hiểm.
"Nhiều đứa trẻ dường như chỉ cần một ai đó tặng cho một chút tình cảm, một chút lắng nghe là chúng sẵn sàng lao vào như thiêu thân", bà Vân chua chát.
Bà Lê Bảo Vân khuyến cáo, chuyện giáo dục giới tính cho con trẻ, mọi kỹ thuật quan hệ an toàn, phòng tránh thai... phải bắt đầu bằng sự gắn kết, yêu thương, chia sẻ cởi mở trong gia đình. Có như vậy mới tạo nên sức mạnh nội tại cho con trẻ, để chúng có thể vững vàng ngay cả khi không có bố mẹ canh chừng bên cạnh.