DMagazine

Chuyện về người phụ nữ đặc biệt chăm sóc cho hàng nghìn mộ liệt sĩ

(Dân trí) - Sau khi mẹ nghỉ hưu, chị Phượng đã tiếp nối công việc chăm sóc các phần mộ liệt sĩ tại nghĩa trang. Chị luôn xem đây là trách nhiệm to lớn, thể hiện sự tri ân với các thế hệ cha anh.

Sau khi mẹ nghỉ hưu, chị Phạm Thị Phượng đã tiếp nối công việc chăm sóc các phần mộ liệt sĩ tại nghĩa trang. Chị luôn xem đây là trách nhiệm to lớn, thể hiện sự tri ân với các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc.

Chuyện về người phụ nữ đặc biệt chăm sóc cho hàng nghìn mộ liệt sĩ - 1

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị là nghĩa trang cấp huyện, nhưng có số lượng mộ phần liệt sĩ lớn nhất, với hơn 5.600 mộ liệt sĩ. Nghĩa trang này chỉ xếp sau 2 nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia là Trường Sơn và đường 9 - nơi yên nghỉ của hơn một vạn liệt sĩ.

Tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh có một người phụ nữ rất đặc biệt. Chị đã gắn bó với công việc chăm sóc, hương khói chu đáo hơn 5.600 mộ liệt sĩ nhiều năm qua. Đặc biệt, chị là người phụ nữ duy nhất tại Quảng Trị đang đảm nhận công việc quản trang tại một nghĩa trang có số lượng mộ liệt sĩ khá lớn, công việc vô cùng vất vả.

Chuyện về người phụ nữ đặc biệt chăm sóc cho hàng nghìn mộ liệt sĩ - 2

Người phụ nữ đặc biệt ấy là chị Phạm Thị Phượng (SN 1986, trú tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Gia đình chị có 2 đời làm nhiệm vụ chăm sóc mộ phần tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh. Từ sau năm 1983, mẹ của chị là bà Trần Thị Nguyệt xuất ngũ trở về địa phương, rồi làm việc tại nghĩa trang này.

Chị Phạm Thị Phượng đã gắn bó với nghĩa trang liệt sĩ từ lúc còn nhỏ. Chị Phượng kể: Trước đây, nhà của chị sinh sống gần Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh. Lúc đó, mẹ của chị đảm nhận công việc trông coi, chăm sóc tại nghĩa trang. Lớn lên, chị thường theo mẹ ra nghĩa trang liệt sĩ, phụ mẹ quét dọn lá, nhặt cỏ trong khuôn viên nghĩa trang, trên phần mộ liệt sĩ.

Chị chính thức bắt đầu công việc trông coi, chăm sóc phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh từ năm 2010, khi mẹ của chị nghỉ hưu.

Chuyện về người phụ nữ đặc biệt chăm sóc cho hàng nghìn mộ liệt sĩ - 3
Chuyện về người phụ nữ đặc biệt chăm sóc cho hàng nghìn mộ liệt sĩ - 4

Bản thân chị Phạm Thị Phượng là phụ nữ, lại làm nhiệm vụ hết sức nặng nề. Nhưng theo tâm tư của chị, đó là công việc thiêng liêng và rất gần gũi. Một mình làm công việc chăm sóc nghĩa trang, chị phải đảm nhận lượng công việc rất lớn, nhiều vất vả trên diện tích 6 ha, trong đó có 4 ha bố trí khu mộ liệt sĩ.

Công việc của chị là bảo vệ, chăm sóc, hương khói các phần mộ liệt sĩ, cắt tỉa cây xanh quanh nghĩa trang, quản lý danh sách nghĩa trang, phục vụ các đoàn lãnh đạo, thân nhân liệt sĩ trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng. Ngoài ra, chị còn hướng dẫn các gia đình đến thăm viếng, tìm kiếm và lập hồ sơ thủ tục cho các gia đình có nguyện vọng di chuyển phần mộ người thân về quê, đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ…

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh hiện là nơi yên nghỉ của liệt sĩ 41 tỉnh, thành phố trong nước. Đối với những người thân liệt sĩ khi đến thăm viếng tại nghĩa trang, chị Phạm Thị Phượng đều hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo.

Chuyện về người phụ nữ đặc biệt chăm sóc cho hàng nghìn mộ liệt sĩ - 5

Hơn 11 năm gắn bó và làm việc tại nghĩa trang liệt sĩ, chị chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động khi gia đình liệt sĩ đến nghĩa trang và xúc động thấy phần mộ của người thân.

Chị Phạm Thị Phượng vẫn nhớ hình ảnh của thân nhân liệt sĩ nhiều năm trước đến tìm mộ liệt sĩ tại nghĩa trang. Đó là trường hợp của ông Đào Tam, anh ruột của liệt sĩ Đào Trọng Ngụ (ở xã Đức An, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), liệt sĩ hy sinh năm 1968.

"Vào năm 2014, bác đến viếng nghĩa trang liệt sĩ với dáng vẻ gầy yếu, khắc khổ. Bác kể về hành trình nhiều năm tìm mộ liệt sĩ hết sức gian nan, có những lúc tưởng chừng vô vọng. Sau khi biết thông tin về phần mộ liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh, lòng bác tràn đầy vui sướng.

Tuy nhiên, đến 2 năm sau, qua nhiều lần thử ADN, bác nhận được thông tin hài cốt dưới mộ chính là anh trai, bác Đào Tam vỡ òa hạnh phúc. Hoàn thành xong thủ tục, đến tháng 9/2016, gia đình đã tổ chức đón liệt sĩ về quê hương yên nghỉ", chị kể.

Cuộc trò chuyện với phóng viên có nhiều lần bị gián đoạn do chị phải tiếp các đoàn thân nhân đến viếng liệt sĩ. Theo chị Phạm Thị Phượng, mỗi năm nghĩa trang đón tiếp hàng ngàn lượt thân nhân và các đoàn khách đến viếng các anh hùng, liệt sĩ. Hai năm gần đây, do dịch bệnh Covid-19 nên có phần ít hơn.

Chuyện về người phụ nữ đặc biệt chăm sóc cho hàng nghìn mộ liệt sĩ - 6

Nhằm hỗ trợ việc trông coi, chăm sóc nghĩa trang được chu đáo, mới đây huyện Vĩnh Linh đã bổ sung thêm một nam giới để cùng chị thực hiện nhiệm vụ.

Chuyện về người phụ nữ đặc biệt chăm sóc cho hàng nghìn mộ liệt sĩ - 7

Những năm trước, khi chưa có bảo vệ nghĩa trang, chị Phạm Thị Phượng phải trực đêm để phục vụ thân nhân liệt sĩ đến viếng. Ba năm gần đây, khi có bảo vệ thì chị chỉ làm việc ban ngày, tối trở về nhà.

"Nhiều lần, người thân liệt sĩ đi qua địa bàn, họ ghé vào viếng các liệt sĩ. Nếu không có mình ở đây thì sẽ không có ai để hướng dẫn", chị nói.

Khi được hỏi về việc, bản thân là phụ nữ, lại làm việc một mình ở nghĩa trang, chị không ngần ngại: "Tôi làm việc ở đây nhiều năm đã thành quen nên thấy trở nên gần gũi. Hơn nữa, tôi có cảm giác rằng, làm công việc phục vụ, chăm sóc phần mộ các liệt sĩ nên được các bác che chở".

Chị Phạm Thị Phượng luôn tâm niệm, làm việc bằng cái tâm thì công việc nào cũng hoàn thiện. Những dịp lễ, tết, lượng công việc nhiều hơn, thấy chị vất vả nên có những bác đã nghỉ hưu vẫn tình nguyện hỗ trợ.

Chuyện về người phụ nữ đặc biệt chăm sóc cho hàng nghìn mộ liệt sĩ - 8

"Lớn lên tôi hiểu thêm về nỗi đau, sự mất mát của nhiều gia đình do chiến tranh để lại. Nghĩ về những người lính ra đi nhưng mãi mãi không trở về nên càng thấu hiểu sự hy sinh cao quý của các liệt sĩ. Chính vì vậy, tôi làm việc ở đây luôn gắng làm tròn trách nhiệm để phục vụ chu đáo các liệt sĩ, không ngại khó, ngại khổ, chỉ sợ không hết lòng. Chỉ mong các bác phù hộ cho mình sức khỏe để tiếp tục công việc", chị tâm sự.

Chứng kiến sự xuống cấp của nghĩa trang liệt sĩ sau nhiều năm xây dựng, chị Phạm Thị Phượng đề xuất cấp trên quan tâm kinh phí tôn tạo khuôn viên, trồng thêm cây xanh ở nghĩa trang. Đặc biệt, qua thời gian, nhiều bia mộ đã mờ nét, thân nhân liệt sĩ cũng phản ánh nên cần sửa lại để làm ấm lòng người đã khuất.

Theo ông Nguyễn Ái Tân - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Linh, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh có số lượng mộ liệt sĩ lớn nhất tỉnh. Nhiều năm đảm nhận nhiệm vụ trông coi, chăm sóc tại nghĩa trang, có thời gian dài, chị Phạm Thị Phượng phải một mình thực hiện khối lượng công việc rất lớn, nhưng chị luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc.