(Dân trí) - Xuất thân là tiểu thư hoàng tộc phong kiến ở Huế, trong một gia đình thân Pháp, học trường Pháp nhưng trên con đường lý tưởng của mình, cô gái Xuân Phượng theo kháng chiến.
Là một tiểu thư hoàng tộc phong kiến, từ bé đã chịu ảnh hưởng văn minh phương Tây, cuộc đời bà Nguyễn Thị Xuân Phượng lại theo một bước ngoặt lạ lùng. Sống trong hoàng tộc, bà là người chứng kiến vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho nhà sử học Trần Huy Liệu đại diện chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn vào tháng 8/1945.
Gia đình có nhiều người thân Pháp nhưng bà theo cách mạng, chống Pháp. Bà cũng chính là người từng dẫn các đoàn quay phim nước ngoài ghi hình tại chiến khu Việt Bắc, giúp thông dịch, cùng làm bộ phim "Chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh" tại hậu phương miền Bắc. Bà cũng đã chứng kiến ở Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, giới chóp bu chính quyền Việt Nam Cộng hòa lầm lũi rời khỏi quyền lực và những chiến sĩ giải phóng lau chùi bùn đất trên chiếc xe tăng vừa trải qua đợt hành quân thần tốc.
Bà là một trong những phụ nữ Việt Nam đầu tiên chế tạo vũ khí trong kháng chiến chống Pháp, trở thành nữ phóng viên chiến trường đầu tiên của Việt Nam, rồi làm bác sĩ, đạo diễn phim tài liệu, bà chủ phòng tranh, đưa tranh Việt đi khắp thế giới...
Và đặc biệt, dù chống Pháp nhưng bà được Chính phủ Pháp trao tặng huân chương Bắc đẩu Bội tinh vào năm 2011.
Cuộc đời bà được ví là "pho tượng lịch sử thu nhỏ của Việt Nam thế kỷ 20".
Sinh hoạt tại Hội quán Các Bà Mẹ ở Sài Gòn, mới đây, người phụ nữ ấy (nay đã 94 tuổi) chỉ nói về… tình yêu. Câu chuyện tình cũng kỳ lạ như chính cuộc đời bà, khắc họa thân phận người phụ nữ trong chiến tranh.
Năm 16 tuổi, theo học ở trường Khải Định trong những năm tháng sôi nổi đi theo tổ chức "Học sinh Cứu quốc Huế", cô nữ sinh Xuân Phượng và anh học trò học trên hai lớp tên Nam phải lòng nhau. Cô trải qua mọi cung bậc hạnh phúc, ngọt ngào nhất của mối tình đầu.
Mẹ Nam đã từ Nghệ An vào Huế để gặp bố mẹ Phượng, hai gia đình đồng ý cho hai con đi lại. Khi đó, hai gia đình đi hỏi, Nam - Phượng cũng được xem như là đã đính hôn.
Năm 1946, kháng chiến bùng nổ, Phượng trốn gia đình, từ chối cuộc sống nhung lụa theo Đoàn Tuyên truyền kháng chiến, còn Nam trở về quê. Anh là con một, gia đình không muốn anh thoát ly. Cặp đôi rơi vào cảnh chia cắt trong chiến tranh.
Dẫu vậy, với tình cảm nồng nàn của mối tình đầu, Phượng luôn xem mình là "hoa đã có chủ". Với cô, Nam, chứ không phải ai khác sẽ là chồng. Vì vậy, cô tiểu thư xuất thân hoàng tộc Huế từ chối hết mọi quan tâm, cảm mến, theo đuổi của những chàng trai khác.
Thời điểm đó, với lợi thế biết tiếng Pháp, đọc được tài liệu nước ngoài, Phượng được giao chế tạo vũ khí chống Pháp như thuốc nổ, thuốc súng, lựu đạn... Cô cũng là một trong 3 phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam tham gia công việc đặc biệt nguy hiểm này. Chỉ cần sơ sẩy là họ có thể mất mạng.
Hôm đó, vào một buổi sáng, khi 4 người trong đoàn đang nhồi thuốc nổ thì anh phụ trách gọi Phượng. Phượng vừa bước ra thì một tiếng "đoàng" nổ ngay phía sau. Cô quay người lại, lập tức ngã gục khi nhìn thấy một bàn tay lủng lẳng trên dây điện, các ngón tay vẫn còn cử động. Đồng đội đều tử nạn. Phượng ngất xỉu tại chỗ...
Những ngày hoảng loạn đó, anh phụ trách ở đơn vị tên Hoàng luôn ở cạnh động viên, vỗ về, chăm sóc Phượng, từ chén cháo nóng đến ly nước ấm, những lời ân cần... Hoàng trở thành người Phượng tin cậy giữa công việc đầy căng thẳng, giữa bom đạn chiến tranh.
Cả hai chưa từng trải qua những ngày yêu đương, hò hẹn. Đến một ngày, Hoàng đề nghị: "Em có đồng ý làm vợ anh không? Anh rất yêu em!".
Trước đó, Phượng chưa từng có ý nghĩ yêu đương với Hoàng. Nhưng khi anh ngỏ lời vậy, đúng 3 giây sau, cô gái đáp: "Được!".
Tiếng "được" lúc đó chất chứa cả nỗi đau lẫn sự ấm áp, an ủi. Bởi trước đó, Phượng nghe tin Nam đã cưới vợ. Mối tình đầu nồng nàn, chờ đợi, hứa hẹn đã kết thúc trong đau đớn, còn người đàn ông bên cạnh lúc này làm cô cảm động, an lòng.
Tiểu thư Xuân Phượng kết hôn với chàng trai phụ trách đơn vị nơi chiến khu Việt Bắc và họ nhanh chóng có tin vui. Một ngày, khi Phượng mang thai đến tháng thứ ba, cô nghe tiếng gõ cửa theo nhịp, cứ "3 dài, 2 ngắn", "3 dài, 2 ngắn"... Đó là ký hiệu trước đây của Nam và cô khi hẹn gặp nhau.
Nghe tiếng gõ, Phượng nghĩ mình... đang ngủ mơ. Nam ở Nghệ An, còn cô đang trong rừng sâu tại căn cứ Việt Bắc kia mà. Nhưng không, cánh cửa mở ra, Nam đứng ngay trước mặt. Tiếng Nam hỏi đi hỏi lại: "Phượng ơi, sao em lại lấy chồng?".
Hóa ra, Nam chưa lấy vợ. Chiến tranh không chỉ là bom đạn, là cái chết tàn khốc mà còn là sự chia cắt đối với cả những người đang sống, đang yêu, là những hiểu lầm thay đổi cả số phận.
Nam nói: "Hai nhà chúng mình đã ăn hỏi, anh sẽ đến gặp Hoàng xin lại Phượng".
Đêm ấy, cũng ở trong rừng sâu, dưới gốc cổ thụ, ba người là Phượng, Hoàng - chồng cô và Nam - bạn trai cũ của cô ngồi bên nhau. Họ im lặng rất lâu, không ai biết phải nói gì.
Sau này, khi bà kể lại chuyện của mình, con cháu hay mọi người thường phải bật cười vì quá hồi hộp, ly kỳ nhưng với cô gái Xuân Phượng lúc đó là đau khổ, là nước mắt. Cô gái đôi mươi chới với, chông chênh giữa bi kịch yêu một người và đang có thai với người khác...
Bấy giờ, Hoàng lên tiếng, phá tan sự im lặng đó: "Chúng ta phải nghĩ đến đứa bé trong bụng Phượng. Đứa bé không tội tình gì mà phải chia cách với cha". Một lúc thật lâu sau, Nam trầm ngâm: "Mai tôi đi".
Sau câu nói của Nam, Hoàng đứng dậy bước đi, để vợ và bạn trai cũ ở lại nói chuyện với nhau suốt đêm, đến tờ mờ sáng hôm sau, Phượng tiễn Nam ra bến đò sông Lô...
Nhớ lại giây phút tiễn Nam lên đò, đến giờ, bà Phượng vẫn trào nước mắt, mong các bạn trẻ có mối tình đầu đẹp đẽ sẽ không bao giờ phải chịu cảnh chia ly như mình đã từng.
Sau này, khi Nam lập gia đình, anh muốn đặt tên cho đứa con đầu lòng là... Nam Phượng, ghép tên của hai người. Phượng phản đối, không tán thành để anh làm điều đó vì như vậy là có tội với vợ anh, với gia đình, con cái. Sau đó, con của anh được tên là Nam Phương.
Hòa bình lập lại, cuộc sống hai gia đình đang bình yên thì Nam phát hiện bị ung thư vào năm 1988. Biết rằng cái chết đang chờ mình, Nam bày tỏ với vợ con, với vợ chồng Phượng ước nguyện cuối đời được vào Sài Gòn điều trị để... được chết bên Phượng.
Trước đề nghị bất ngờ đó, chính Hoàng, chồng Phượng là người hồi đáp: "Anh Nam ơi, anh vào đi, chúng tôi chờ anh!".
Nam nằm ở bệnh viện Thống Nhất, mỗi chiều, Phượng đều vào thăm. Lúc hấp hối, anh cầm tay Phượng nói lời cuối: "Anh đi trước Phượng nhé!". Đau lòng tột cùng, bà đi Pháp như một cách để vơi đi nỗi đau dai dẳng.
Bà không né tránh việc trong cuộc đời, bà đã yêu một người, sống với một người. Theo bà, hôn nhân hoàn toàn có thể xây dựng trên tình nghĩa, sự thấu cảm, chia sẻ, bao dung...
Yêu ông Nam bao nhiêu thì bà càng cảm mến, ngưỡng mộ người chồng của mình bấy nhiêu. Ngưỡng mộ ông ở cách cư xử văn minh, tế nhị không chỉ trong thời chiến mà ngay cả trong thời bình, trong cuộc sống hàng ngày...
Trong cuộc đời, có những thứ tình nghĩa vượt xa cả tình yêu, sự sở hữu, đó là tình người và con người. Vậy nên hai ông bà đã bước cùng nhau trong cuộc hôn nhân bình yên, hạnh phúc suốt 62 năm, cho đến ngày ông qua đời.
Nội dung: Hoài Nam
Thiết kế: Thủy Tiên