Chuyển biến tích cực ở huyện nghèo có diện tích gấp 3 lần tỉnh Bắc Ninh
(Dân trí) - Gần 3 năm huyện Tương Dương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, hệ thống hạ tầng đã dần được hoàn thiện.
Tương Dương là huyện vùng cao của Nghệ An, có hơn 60km đường biên giới với nước bạn Lào, diện tích tự nhiên hơn 2.800km2 (gấp 3 lần diện tích của tỉnh Bắc Ninh - hơn 822km2).
Địa bàn rộng lớn của huyện là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc: Thái (chiếm 73%), Mông, Khơ Mú, Ơ Đu và Tày Poọng. Đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Đến nay, sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Năm 2022-2023, huyện được giao tổng số vốn ngân sách Nhà nước thực hiện chương trình là hơn 456 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển hơn 427 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 29 tỷ đồng) cho 10 dự án.
Nhiều dự án đã tạo động lực, góp phần thay đổi diện mạo với việc giải quyết vấn đề nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đầu tư hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc cũng như đầu tư hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần vùng ĐBDTTS.
Ông Lương Xuân Hiệp, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tương Dương, cho biết: "Được mục sở thị, được nghe nhân dân nói hiệu quả của chương trình mang lại là rất thiết thực. Chúng tôi lấy đó là niềm vui, hạnh phúc và kỳ vọng chương trình này sẽ mang lại hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới".
Ông Lô Văn Giáp, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông cho biết, Xã luôn bám sát chủ trương, kế hoạch, phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần đoàn kết, quyết liệt trong công tác tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình; đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch, xác định rõ mục tiêu, đích đến Chương trình hỗ trợ.
"Sức mạnh toàn dân được phát huy, đồng thuận cao trong thực hiện chủ trương chính sách nói chung và thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi nói riêng, là nhân tố tạo nên kết quả, góp phần cho diện mạo nông thôn tại địa phương ngày càng khởi sắc", Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông nhấn mạnh.
Ông Lữ Ngọc Tinh, Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai cho hay, trong 2 năm 2022-2023, xã được cấp hơn 4,7 tỉ đồng để hỗ trợ làm mới, tu sửa nhà ở; hỗ trợ chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt; hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững; hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý... Các chương trình hỗ trợ đã và đang phát huy tốt hiệu quả tại địa phương.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác triển khai thực hiện chương trình, dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG năm 2023 và những năm tiếp theo, ông Đinh Hồng Vinh, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết:
"Huyện tiếp tục bám sát kế hoạch, chương trình và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và tỉnh, tổ chức thực hiện hiệu quả.
Cùng với đó, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả chương trình; đảm bảo tính công khai, dân chủ theo nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng".