1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Quảng Nam:

100 tỷ đồng xây dựng 10.000 phòng tránh bão, lũ

Công Bính

(Dân trí) - Tỉnh Quảng Nam đã xây dựng gần 2.200 phòng, gác tránh bão, lũ. Đến năm 2025, tỉnh sẽ bố trí 100 tỷ đồng để hỗ trợ người dân xây dựng 10.000 phòng và gác tránh lũ.

Tỉnh Quảng Nam nằm ở khu vực miền Trung với bờ biển dài 125km, mỗi năm phải hứng chịu trực tiếp 3-4 cơn bão, kèm theo đó là lũ. Nhiều hộ dân nhà cửa không đảm bảo phải sơ tán đến nơi an toàn.

Trong năm nay, hàng trăm hộ dân đã an tâm khi được Nhà nước hỗ trợ xây dựng phòng, gác tránh trú bão, ngập lụt.

quang-nam-dau-tu-100-ty-xay-10000-phong-tranh-bao_congbinh 1

Căn phòng trú bão rộng 6m2 của bà Dung được xây dựng rất kiên cố (Ảnh: Anh Vương).

Nhằm giúp người dân ở vùng thường xuyên ảnh hưởng bởi thiên tai bão, lũ có nơi trú tránh đảm bảo an toàn, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết hỗ trợ xây dựng phòng, gác tránh trú bão, lũ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và bố trí 100 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân xây dựng 10.000 phòng và gác.

Nằm ở khu vực ven biển, xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ) chịu ảnh hưởng trực tiếp khi bão đổ bộ. Nhiều hộ dân nhà cửa không đảm bảo an toàn nên mỗi khi có bão, chính quyền địa phương đưa bà con đến nơi tránh trú bão an toàn.

Năm 2023, xã Tam Thanh triển khai xây dựng 75 phòng tránh bão cho hộ nghèo, khó khăn ven biển. Hiện tại địa phương đã hoàn thành 45 căn phòng.

Nhà bà Phan Thị Mỹ Nhung (54 tuổi, xã Tam Thanh) xây dựng đã hơn 30 năm, xuống cấp nghiêm trọng. Năm nay, bà Nhung được nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng để xây dựng căn phòng trú bão an toàn. Căn phòng được xây kiên cố bằng bê tông, cốt thép có diện tích 6m2, không gian đủ cho nhiều người ở trú bão an toàn.

"Mỗi khi có bão vào, mẹ con tôi phải "chạy bão" vì sợ căn nhà sẽ sập, ảnh hưởng đến tính mạng. Năm nay có căn phòng chắc chắn này rồi, có bão lớn, mẹ con tôi cũng không sợ, chỉ cần chuẩn bị thực phẩm đầy đủ là có thể yên tâm ở nhà chống bão", bà Nhung nói.

Gia đình ông Nguyễn Hồng Nhi (65 tuổi, thôn Long Thành, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) đang gấp rút hoàn thành căn phòng trú bão rộng 14m2 phía sau nhà. Ngoài kinh phí được nhà nước hỗ trợ, vợ chồng ông Nhi bỏ thêm 40 triệu nữa để xây thành một căn phòng ngủ.

Ông Nhi bày tỏ: "Phòng này tôi xây chắc chắn lắm, bão cấp 12 cũng không sợ. Có cái phòng này bản thân mình cũng thấy an toàn, con cái làm ăn xa cũng an tâm cho bố mẹ".

quang-nam-dau-tu-100-ty-xay-10000-phong-tranh-bao_congbinh 2

Căn gác tránh lũ của bà Vang được nhà nước hỗ trợ (Ảnh: Anh Vương).

Theo ông Trần Hải Nam, Phó Chủ tịch xã Tam Tiến, mỗi mùa mưa bão, xã phải sơ tán 3.000 dân, trong đó có khoảng 500-600 người được đưa đi sơ tán tập trung, còn lại sơ tán xen ghép qua các nhà khác kiên cố hơn.

Lãnh đạo xã Tam Tiến cho hay trong năm nay, toàn xã có hơn 138 hộ dân đăng ký xây dựng phòng tránh bão, đến tháng 11 đã thực hiện được hơn 80 phòng. Còn lại hơn 50 phòng được chuyển tiếp sang năm 2024.

"Phòng tránh bão là chủ trương rất tuyệt vời của tỉnh, được người dân rất ủng hộ", Phó Chủ tịch xã Tam Tiến nói.

Theo nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam về hỗ trợ xây dựng chòi, phòng trú bão, lũ, lụt trên địa bàn tỉnh, đến cuối năm 2023, sẽ xây dựng 2.182 công trình trú bão, lũ, lụt cho người dân.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, tính đến tháng 10 năm nay, các địa phương thực hiện hỗ trợ xây dựng được khoảng 1.787 chòi/phòng trú bão, lũ, lụt, đã hoàn thành 1.476 công trình, đang xây dựng 311 công trình, đạt tỷ lệ 17,8%.

Dự kiến đến cuối năm 2023 thực hiện thêm khoảng 395 công trình, đạt tỷ lệ khoảng 18,7%. Đã giải ngân hơn 8,5 tỷ đồng.

Trên cơ sở báo cáo của các địa phương và ý kiến đề xuất của địa phương tại các buổi kiểm tra thực tế tình hình thực hiện, Sở Xây dựng Quảng Nam đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố đôn đốc các địa phương có kế hoạch triển khai thực hiện nhằm hoàn thành xây dựng theo kế hoạch vốn đã được phân bổ cho địa phương.

Thực hiện hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng theo Nghị quyết. Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp các hộ có nhu cầu hoán đổi thì chủ động điều chỉnh, tạo điều kiện cho người dân được sớm xây dựng công trình theo nhu cầu thực tế và hoàn thành theo kế hoạch vốn đã được phân bổ cho địa phương.