Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi:
Điện về bản xua tan nghèo đói
(Dân trí) - Nhiều thôn bản khó khăn ở vùng cao xứ Thanh đã được bao phủ điện lưới quốc gia. Điện về bản xua tan nghèo đói, cuộc sống của bà con dần đổi thay.
Vượt đồi núi đầy khó nhọc, chúng tôi đến thôn Đuông Bai, xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, một trong những thôn đặc biệt khó khăn của huyện miền núi này.
Đầu thôn đã nghe tiếng loa đài, tiếng nhạc, tiếng hát của bà con. Nay, bà con Đuông Bai tổ chức kỷ niệm ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong bộ quần áo truyền thống người Thái, ông Vi Văn Chung, Trưởng thôn Đuông Bai đón chúng tôi và hồ hởi cho biết, tháng 10 năm nay bà con Đuông Bai được thụ hưởng điện lưới quốc gia. Ngày đóng điện, bà con trong thôn vui như Tết, thịt cả trâu, bò liên hoan, tổ chức văn nghệ.
Thôn Đuông Bai có 41 hộ dân với 180 nhân khẩu. Bà con ở đây chủ yếu phát triển nông nghiệp, chăn nuôi. Sau bao năm sống nhờ đèn dầu, người dân hạn chế trong việc tiếp cận thông tin. Tình hình sản xuất, trồng trọt mang tính tự cung, tự cấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm tới 54%.
"Nay có điện rồi bà con Đuông Bai sẽ tự tin phấn đấu xây dựng thành công bản nông thôn mới", ông Chung tin tưởng nói với chúng tôi cũng như toàn thể bà con nhân ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 gồm nhiều dự án và tiểu dự án thành phần. Trong đó có Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc.
Chung niềm vui có điện là bản Đun Pù, xã Nam Xuân, huyện vùng cao Quan Hóa. Bản Đun Pù nằm chênh vênh trên những quả núi cao. Địa hình cách trở, khí hậu nơi đây cũng khắc nghiệt hơn. Đời sống của bà con Đun Pù gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế.
Chỉ tay vào bóng điện sáng, vào cái ti vi, ông Lương Văn Dân, Trưởng bản Đun Pù mừng rỡ nói, trước đây, khi chưa có điện, bà con trong bản phải mua tua bin nước hoặc sắm ắc quy, máy nổ... vừa tốn kém, vừa mất an toàn, điện lại không đủ sáng.
Năm 2020, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước bà con bản Đun Pù được thụ hưởng điện lưới quốc gia. Hôm điện được kéo về bản, nhiều gia đình đã đi phố huyện sắm ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, máy xay xát, đèn học cho con, cháu…
Đêm đến, trong những ngôi nhà sàn của bà con người Thái ở Đun Pù, tiếng nói cười, tiếng trẻ thơ đọc bài ê a vang lên. Từ khi có điện lưới quốc gia bà con đã tiếp cận được thông tin về các mô hình phát triển kinh tế hay, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập của bà con trong bản cũng nhờ đó tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm.
Ông Phạm Bá Diệu, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quan Hóa, cho biết, tính đến hết năm 2022, toàn huyện Quan Hóa với 107/107 thôn, bản đã được bao phủ điện lưới, vượt kế hoạch 3 năm so với dự kiến.
Để mang "nguồn sáng" về các bản đó là một sự nỗ lực của tất cả các cấp, ngành cùng sự đoàn kết, đồng lòng của bà con nhân dân. Có những bản dân cư thưa thớt như bản Cốc 3, xã Nam Tiến chỉ có 28 hộ dân; bản Cụm, xã Nam Tiến có 36 hộ; bản Nót, xã Nam Động có 37 hộ dân; Đun Pù xã Nam Xuân có 51 hộ dân...
"Có điện lưới quốc gia không chỉ thắp sáng thôn, bản, mà còn mang ánh sáng văn hóa, ánh sáng tri thức đến với bà con. Người dân được tiếp cận nhiều hơn các thông tin khoa học - kỹ thuật, áp dụng vào trong lao động sản xuất; nắm rõ hơn các chủ trương, chính sách về huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới; trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo...", ông Diệu cho biết.
Theo thống kê của Sở Công Thương Thanh Hóa, tính đến nay, địa phương này đã chính thức hoàn thành việc đưa điện lưới quốc gia tới 100% các xã, thôn, bản trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch, quyết định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 trước 2 năm.
Từ năm 2014 đến năm 2023, dự án đã triển khai thực hiện đầu tư cấp điện cho 80 thôn bản chưa có điện tại 9 huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân, Lang Chánh.