Bình Định:
Làm sao để người dân vùng sạt lở vừa có nhà, vừa có việc làm?
(Dân trí) - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định Hồ Vĩnh Thảo cho rằng di dời dân cư vùng sạt lở nguy hiểm, triều cường cần có cơ chế phù hợp, đảm bảo an toàn gắn với sinh kế người dân.
Ông Hồ Vĩnh Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định đã có buổi chia sẻ với phóng viên Dân trí về kết quả di dời dân cư vùng sạt lở nguy hiểm, vùng triều cường trên địa bàn thời gian qua. Đồng thời, đưa ra kế hoạch chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.
Công tác hỗ trợ, di dời người dân sống ở vùng ảnh hưởng thiên tai nguy hiểm đến nơi ở an toàn luôn được tỉnh quan tâm, ông có thể chia sẻ một số kết quả đạt được?
- Từ năm 2013, tỉnh Bình Định đã thực hiện việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể bố trí dân cư giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 (nay là Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022).
Đến nay, tỉnh đã xây dựng 13 dự án tập trung, 4 dự án xen ghép để di dời, bố trí ổn định dân cư cho 1.054 hộ dân trước đó sinh sống ở vùng thiên tai nguy hiểm. Qua đó, góp phần quan trọng phân bổ lại dân cư, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dân các vùng thiên tai.
Trước khi triển khai di dời, các địa phương thực hiện công khai minh bạch, việc xét chọn hộ và cấp phát chế độ hỗ trợ di dời dân kịp thời, đúng đối tượng. Đồng thời, xây dựng và phát triển các vùng dự án, từng bước hình thành các khu dân cư mới làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Thực tế, vẫn còn nhiều hộ dân đang sinh sống ở vùng chịu nhiều ảnh hưởng thiên tai trong tỉnh?
- Do vậy, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND thực hiện Chương trình bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu chung của chương trình là bố trí ổn định dân cư tại các vùng thiên tai (sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng); đặc biệt khó khăn (thiếu đất, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu, ô nhiễm môi trường, các làng chài trên sông nước, đầm phá).
Vùng hải đảo (bao gồm Khu kinh tế - quốc phòng); vùng dân di cư tự do đến đời sống quá khó khăn và khu rừng đặc dụng nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai…
Cụ thể, giai đoạn 2023-2030 thực hiện bố trí, ổn định dân cư cho 1.542 hộ; trong đó giai đoạn 2023-2025, bố trí ổn định cho 541 hộ.
Theo tiến độ thực hiện đến tháng 11 năm nay, đã thực hiện bố trí ổn định dân cư cho 24 hộ, trong đó thị xã Hoài Nhơn 8 hộ và huyện Phù Mỹ 16 hộ đến nơi ở mới, xây dựng nhà ở, ổn định và nâng cao đời sống, phát triển sản xuất tại khu tái định cư.
Dự kiến đến hết năm nay, bố trí ổn định cho 30 hộ dân vùng thiên tai đến các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị các địa phương triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở đề xuất UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các dự án mở mới theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Vậy theo ông, đâu là khó khăn trong quá trình thực hiện Kế hoạch số 130 nói riêng và công tác di dời dân cư vùng sạt lở nguy hiểm, vùng triều cường trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- Tiến độ di dời dân vùng thiên tai giai đoạn 2013-2022 tại các dự án, phương án trên địa bàn tỉnh còn chậm so với kế hoạch đề ra do nội dung, định mức chính sách hỗ trợ bố trí ổn định dân cư còn thấp, chưa phù hợp với thực tế.
Nguồn vốn bố trí thực hiện các dự án bố trí dân cư còn hạn chế, kéo dài, chưa đáp ứng nhu cầu di dân thực tế. Nhận thức về nguy cơ thiên tai của người dân còn chủ quan, mặt khác cuộc sống, nghề nghiệp đã gắn liền với nơi ở cũ từ lâu đời nên một số ít hộ dân còn chưa di dời đến nơi ở mới.
Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2023-2025 thực hiện kế hoạch số 130 chưa được phân bổ; các Bộ ngành Trung ương chưa ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện chương trình. Trong đó, việc thực hiện quy trình bố trí, ổn định dân cư chưa cụ thể, gây lúng túng cho các địa phương khi triển khai.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình, cá nhân và địa bàn bố trí dân cư xen ghép chưa được cơ quan có thẩm quyền ban hành để các địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện.
Theo ông, để kế hoạch được thực hiện đảm bảo đúng tiến độ thì cần những giải pháp gì?
- Thực tế, đối tượng thụ hưởng chương trình đa số là hộ nghèo, cận nghèo, kinh tế còn khó khăn. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ mang tính tương đối, phù hợp với thực tế, nhằm tạo động lực cho người dân sớm di dời khỏi nơi ở cũ, tái định cư ổn định tại nơi ở mới theo quy hoạch, kế hoạch.
Trong đó, chú trọng điều chỉnh tăng mức hỗ trợ trực tiếp hộ, cá nhân (di chuyển, xây dựng nhà ở, lương thực, nước sinh hoạt) nhằm giải quyết một phần gánh nặng kinh tế, góp phần ổn định đời sống, sản xuất cho hộ dân bị ảnh hưởng.
Song song đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm, góp phần tạo sinh kế, cải thiện thu nhập cho các hộ, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững cộng đồng dân cư tại địa phương.
Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, đối tượng thụ hưởng và quy trình bố trí dân cư; kịp thời phát hiện, xử lý các vướng mắc phát sinh, tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai...
Hiện nay, Chi cục Phát triển nông thôn đang tham mưu Sở NN&PTNT xây dựng và báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân và địa bàn bố trí dân cư thuộc chương trình bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, mức đề xuất hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân là 50 triệu đồng/hộ; mức hỗ trợ cho địa bàn nơi bố trí dân cư xen ghép là 60 triệu đồng/hộ; mức hỗ trợ ổn định dân cư tại chỗ là 25 triệu đồng/hộ. Dự kiến, dự thảo sẽ trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thường kỳ giữa năm 2024.