Đắk Nông:
Chương trình giảm nghèo bền vững đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn
(Dân trí) - (Dân trí)- Theo đánh giá của Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Đắk Nông, công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã đạt mục tiêu đề ra. Chương trình giảm nghèo bền vững đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Nhiều chính sách giảm nghèo ý nghĩa
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020 đã góp phần tác động đến mọi mặt đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Đắk Nông.
Nhờ triển khai đồng bộ chính sách của Trung ương và đặc thù nên những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Đắk Nông từng bước giảm đáng đáng kể.
Theo kết quả giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là 682.278 triệu đồng. Trong đó, nguồn kinh phí ngân sách Trung ương bố trí hơn 480 tỷ; nguồn kinh phí ngân sách tỉnh là hơn 193 tỷ….
Tính đến ngày 31/1/2020, kết quả giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, Tuy Đức và Đắk G’Long là hai huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông được “nhận” nhiều cơ chế, chính sách đầu tư hạ tầng với mục tiêu thoát nghèo trong giai đoạn 2018 – 2020.
Nhờ đó, về hạ tầng, hai huyện được đầu tư xây dựng 39 công trình thiết yếu như đường giao thông, công trình trường học, nhà văn hóa…. và các dự án sinh kế, giúp gần 7000 hộ được hưởng lợi.
Gia đình ông K’Tang (xã Đắk P'lao, Đắk G’long) là hộ dân được hỗ trợ vay vốn sản xuất 50 triệu đồng. Ông K’Tang cho biết, trước đây, gia đình không có vốn đầu tư nên cà phê trồng lên rồi hầu như đợi may rủi để thu hoạch thôi. Từ khi có vốn vay, gia đình kịp thời mua phân bón nên vườn cây được cải thiện và năng suất tắng. Từ chỗ có thu hoạch, có nguồn đầu tư trở lại hàng năm, gia đình cũng bớt khó khăn hơn.
Vợ K’Tang là H’Giàng phấn khởi khoe: “Bây giờ nhà mình đã có 3 ha cà phê, xe máy cày đã có hai cái”.
Tương tự, ông K’Liêu (dân tộc Mạ, thôn 10, xã Quảng Khê, huyện Đắk G’long) cũng là một trong những hộ phát huy hiệu quả từ các chương trình hỗ trợ giảm nghèo.
Năm 2017, gia đình ông K’Liêu được cấp 3 con bò, trong đó có 1 con của chương trình giảm nghèo bền vững. Từ 3 con bò được cấp, đến nay gia đình ông đã có đàn bò 9 con. Nhận thấy đây là hướng có thể phát triển kinh tế bền vững, nên hiện nay gia đình ông chú trọng nhân rộng đàn bò.
Bên cạnh tạo “sinh kế” cho các hộ nghèo, HĐND tỉnh Đắk Nông còn có Nghị quyết 31, về hỗ trợ kinh phí học tập và cấp sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng đã góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng. Đến nay, tỉnh này đã hỗ trợ trên 66 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Nỗ lực giảm nghèo bền vững
Theo đánh giá, nhờ thực hiện các chính sách hỗ trợ từ Trung ương và đặc thù của tỉnh, các hộ nghèo, cận nghèo, nhất là hộ dân tộc thiểu số đã có cơ hội vươn lên, từng bước thoát nghèo. Bộ mặt nông thôn, hạ tầng, đời sống xã hội từng bước được nâng lên rõ rệt.
Tại huyện Đắk G’Long, một trong hai huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông, ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long cho biết, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm hàng năm. Đến cuối năm 2019 huyện còn 6.846 hộ, chiếm 40,9%. Như vậy, cả giai đoạn huyện giảm được 2.383 hộ nghèo, bình quân hàng năm giảm 5,32%.
Lãnh đạo địa phương này đánh giá, các chương trình đã thực sự đi vào cuộc sống và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp...
Đặc biệt, nhờ Chương trình giảm nghèo bền vững, nhiều công trình thiết yếu được đầu tư xây dựng, giúp huyện Đắk G’Long từng bước thoát nghèo hiệu quả như Đường giao thông liên thôn ở thôn 4-5 xã Đắk Ha; đường giao thông liên xã Đắk Som - Đắk R’măng; đường giao thông vào Bệnh viện Đa khoa huyện... Phòng học tiểu học, THCS xã Đắk Som, Trường mẫu giáo xã Quảng Hòa….
Theo nghị quyết HĐND tỉnh Đắk Nông giao, tỉnh này phấn đấu hàng năm giảm 2% hộ nghèo trở lên; trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 4% so với năm trước. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 19,26%, đến cuối năm 2019 giảm xuống còn 10,5%, nghĩa là giảm được 8,76%.
Ban Dân tộc HĐND tỉnh Đắk Nông cho rằng, giảm nghèo là chương trình mang tính nhân văn và ý nghĩa. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tiếp theo.