DNews

Cho tiền trẻ ăn xin là đang "giết" tương lai, ép các em vào đường cùng

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Những đối tượng trục lợi cố tình đưa trẻ em ra đứng đường để thu vén lợi ích cá nhân. Nếu người dân cho trẻ tiền, lợi ích lớn, các đối tượng trục lợi càng tìm cách để đưa thêm trẻ đi xin ăn.

Cho tiền trẻ ăn xin là đang "giết" tương lai, ép các em vào đường cùng

Cha mẹ "bán" con mà không biết

Thổi lửa xin tiền, bán vé số xin tiền, bán tăm bông xin tiền, hay đơn giản là 2-3 đứa trẻ ăn mặc nhếch nhác cầm theo ca nhựa đứng chờ ở ngã tư đèn giao thông chờ người qua đường thương xót…

Đó là những hình thức lao động trục lợi tình thương của trẻ em mà bản thân những đứa trẻ không thể tự làm một cách chuyên nghiệp, thường xuyên, định kỳ hằng ngày như thế nếu không có người lớn đưa đón đến nơi "làm việc", thu giữ tiền bạc, lo ăn ở hằng ngày…

Cho tiền trẻ ăn xin là đang giết tương lai, ép các em vào đường cùng - 1

Những đứa trẻ thổi lửa trên đường phố thường phải chia 3 thu nhập, 2 phần thuộc về nhóm các em, 1 phần phải chia cho "người bảo vệ" (Ảnh minh họa: Nguyễn Vy).

Tại hội thảo chuyên đề về tình hình bạo lực, xâm hại, bóc lột sức lao động trẻ em do Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM tổ chức, nhiều đại biểu khẳng định tình trạng bóc lột sức lao động vẫn đang diễn ra ngay tại thành phố.

Dễ thấy nhất là những đứa trẻ bị đẩy ra đường để xin ăn, bán vé số, có khi vừa bán vé số vừa kết hợp xin ăn. Khó thấy hơn là những đứa trẻ chưa tròn 16 tuổi đã được cha mẹ gửi đến các quán cà phê, xưởng may gia công nhỏ lẻ… để làm việc với tiền công rẻ mạt.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM, cho biết trong số gần 70 trẻ đang được chăm sóc tại trung tâm có không ít trẻ bị chính cha mẹ mình bán cho người khác để đưa về các thành phố lớn làm công.

Cho tiền trẻ ăn xin là đang giết tương lai, ép các em vào đường cùng - 2
Nhiều lúc cha mẹ bán con mình mà không biết.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM

Khi trung tâm đưa trẻ hồi gia, trao đổi thì gia đình mới biết, họ gửi con cho người quen ở thành phố làm việc với tiền công là vài chục triệu đồng mỗi năm. Tiền công trả theo năm, nếu đứa trẻ làm tốt thì họ mới trả tiền cho cha mẹ trẻ vào cuối năm.

Vì thế, khi đứa trẻ đến thành phố làm việc thì chỉ được nuôi ăn ở. Khi bị ép làm việc không mong muốn cũng không dám bỏ việc vì sợ cha mẹ không được trả tiền, thậm chí là có trường hợp xâm hại xảy ra.

Bà Dương ví dụ, cuối năm 2022, một đứa trẻ tên Khanh được đưa về chăm sóc tại trung tâm. Năm đó, Khanh mới 14 tuổi đã bị đưa xuống một tàu cá đi biển dài ngày. Trên tàu, em bị ép làm việc quá sức, thậm chí là bị người lớn trên tàu xâm hại. Khi về, chủ tàu đẩy em xuống bờ mà không trả tiền lương như hứa hẹn.

Bà Thùy Dương cho biết: "Nhiều lúc cha mẹ bán con mình mà không biết. Khi đưa trẻ hồi gia, chúng tôi trao đổi thì gia đình mới biết việc làm này là mua bán, bóc lột sức lao động của trẻ em".

Trẻ em phải trả giá cho sự hào phóng của bạn

Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM), quan điểm nhất quán của ngành lao động TPHCM lâu nay là tuyên truyền người dân không nên cho tiền người lang thang, trẻ em xin ăn trên đường phố.

Cho tiền trẻ ăn xin là đang giết tương lai, ép các em vào đường cùng - 3
Người dân không nên cho tiền người lang thang, trẻ em xin ăn trên đường phố.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM)

Bà Kim Thanh cho rằng, việc cho tiền người ăn xin, làm từ thiện tự phát không đúng cách sẽ làm cho người được trợ giúp ỷ lại, kéo theo nhiều vấn nạn xã hội khác.

Ngoài ra, khi cho trẻ tiền, những đối tượng trục lợi càng quyết tâm đẩy trẻ ra đường nhiều hơn vì lợi ích cho bản thân… Tình trạng này không chỉ làm bộ mặt đô thị xấu xí mà còn gây tác hại khó lường đến tương lai của những đứa trẻ đó.

Cách lao động dựa trên lòng thương của xã hội khiến trẻ ít quan tâm đến giá trị của sức lao động, tìm mọi cách để kiếm nhiều tiền, chán học, không chịu đến trường. Do kiếm sống dễ dàng từ tiền xin được nên không tiếc tiền phục vụ cho thú vui của bản thân…

Tiến sĩ Vũ Văn Hiệu, giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng, đang cùng các cộng sự thực hiện khảo sát thực trạng trẻ em lao động đường phố. Với 150 mẫu khảo sát, tiến sĩ Hiệu nhận thấy có nhiều nhóm trẻ đường phố dùng tiền kiếm được để phục vụ các thú vui như ở phòng internet chơi game suốt ngày đêm, dùng chất kích thích…

Cho tiền trẻ ăn xin là đang giết tương lai, ép các em vào đường cùng - 4
Thu nhập của các nhóm trẻ em lao động đường phố thường chia ba. Hai phần cho nhóm các em, một phần cho ai đó có thể bảo kê cho các em.
Tiến sĩ Vũ Văn Hiệu, giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng

Trung tá Phạm Thành Trung (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM) kể, mới đây, công an đã triệt phá 1 vụ án tổ chức bán dâm tại khách sạn. Vì hám lợi, chủ khách sạn dụ dỗ những bé gái lang thang vào ở trong khách sạn rồi tổ chức bán dâm. Khi bị triệt phá, tại ổ mại dâm này có nhiều em chưa đủ 16 tuổi.

Theo bà Kim Thanh, có nhiều trường hợp lợi dụng trẻ em đi xin ăn để kiếm tiền, tổ chức xã hội hỗ trợ nhưng gia đình không muốn nhận trợ giúp để cho con em đến trường mà chỉ muốn đưa con ra đường xin tiền… Như vậy, trẻ em sẽ không được đến trường và tiếp tục bế tắc trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo.

Bà Kim Thanh nhấn mạnh: "Có khi, trẻ em phải trả giá cho sự hào phóng của bạn. Khi bạn cho trẻ em ăn xin tiền, thức ăn, quà tặng hay mua bất cứ thứ gì, nghĩa là bạn đang khuyến khích các em tiếp tục công việc này, khuyến khích người lớn đẩy trẻ ra đường làm công việc này".

Có nhiều cách tốt hơn để giúp đỡ trẻ lang thang

Theo bà Thùy Dương quá trình công tác, bà đã tiếp xúc nhiều trường hợp trẻ em có hoàn cảnh thương tâm bị ép lao động sớm. Các em không chỉ bị bóc lột sức lao động mà trong quá trình làm việc còn dễ bị bạo hành, xâm hại.

"Có những đứa trẻ bị chính cha mẹ của mình chăn dắt. Họ bảo lãnh đứa nhỏ về để lại bắt con đi bán vé số, ra phố ngậm dầu thổi lửa để xin tiền", Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên TPHCM thở dài.

Cho tiền trẻ ăn xin là đang giết tương lai, ép các em vào đường cùng - 5

Những đứa trẻ nhỏ bị người lớn dắt đi xin tiền, trẻ lớn thì tự tổ chức thành nhóm tự đi kiếm tiền (Ảnh minh họa: Nguyễn Vy, Đăng Lê).

Bà Thùy Dương nhớ mãi cô bé Vy có khuôn mặt xinh xắn, ai nhìn cũng yêu. Bé nhiều lần được cơ quan chức năng thu dung, đưa về trung tâm chăm sóc. Sau đó, người nhà đến bảo lãnh cho bé về, rồi lại bắt đi phun lửa xin tiền.

"Có lần con bé phun dầu hôi không kịp, lửa bùng cháy đen hết cả mặt. Không bỏng đến lột da mà sạm đen hết vùng da quanh môi, hư hết mặt mày!", bà Thùy Dương bức xúc.

Theo bà Kim Thanh, người dân có nhiều cách tốt hơn để đồng hành, giúp đỡ các trẻ em lang thang, nghèo khó thay vì cho trẻ tiền, thức ăn… một cách tự phát.

Bà Kim Thanh hướng dẫn người dân phát hiện những hoàn cảnh thực sự khó khăn như trên có thể giới thiệu các em đến các dịch vụ như: Chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của nhà nước; các cơ sở bảo trợ xã hội đang chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề cho trẻ em; các tổ chức, mạnh thường quân đang đồng hành chăm lo cho trẻ em; các dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em tại địa phương…

Đây cũng là những địa chỉ đáng tin cậy mà người dân có thể tìm hiểu, đồng hành để cùng hỗ trợ trẻ nhỏ, thay vì hỗ trợ một cách tự phát như cho tiền, phát quà trên đường phố.

Cho tiền trẻ ăn xin là đang giết tương lai, ép các em vào đường cùng - 6

TPHCM thường xuyên tổ chức thu dung, đưa người lang thang, xin ăn trở về địa phương. Ai không có nhà cửa thì đưa đến các trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng (Ảnh: Hữu Khoa).

Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên TPHCM cho biết, hiện trung tâm đang nuôi dưỡng gần 70 em có hoàn cảnh khó khăn, từng sống lang thang trên đường phố.

Tại đây, các em không chỉ được nuôi ăn, chăm sóc y tế mà buổi sáng còn được học văn hóa, buổi chiều được học nghề phù hợp với bản thân. Trung tâm còn tìm kiếm các đơn vị dạy nghề, nuôi ăn ở để khi trẻ qua 16 tuổi, không còn đủ điều kiện ở tại trung tâm thì có nơi tiếp nhận để học nghề, có công việc ổn định sau này mưu sinh.