Chờ điều kỳ diệu như cuốn nhật ký lưu lạc hơn nửa vòng trái đất trở về!
(Dân trí) - Mỗi lần dở những trang nhật ký hằn in vết máu của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, người thân nghẹn ngào và đau đáu nỗi niềm khi kỷ vật đã trở về nhưng hài cốt, phần mộ liệt sĩ chưa được tìm thấy.
"Chờ đợi điều kỳ diệu như cuốn nhật ký lưu lạc hơn nửa vòng trái đất trở về!"
(Dân trí) - Mỗi lần dở những trang nhật ký hằn in vết máu của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, người thân nghẹn ngào và đau đáu nỗi niềm khi kỷ vật đã trở về nhưng hài cốt, phần mộ liệt sĩ chưa được tìm thấy.
Cuốn nhật ký trở về từ nước Mỹ sau hơn 40 năm
Đã 8 năm, cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, thôn Thanh Minh, xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống, Thanh Hóa trở về với thân nhân. Cứ mỗi dịp quê hương, đất nước chuẩn bị kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gia đình ông Nguyễn Văn Chinh - em trai liệt sĩ Nam, cùng con cháu lại mở những trang nhật ký ra xem. Nhìn nét chữ, đọc những vần thơ còn in vết máu qua các trang giấy, ông và mọi người trong gia đình lại đau đáu nỗi niềm tìm phần mộ của người thân.
Ông Chinh kể, liệt sĩ Nguyễn Văn Nam sinh năm 1952, là con thứ trong gia đình có 6 người con. Chưa tròn 18 tuổi, năm 1969, anh trai ông đăng ký nhập ngũ và được biên chế vào Sư đoàn 338.
Vào chiến trường, anh lính Nguyễn Văn Nam sống và chiến đấu ở miền Tây Nam bộ, dưới "mưa bom, bão đạn" nhưng anh vẫn luôn lạc quan và có niềm tin về ngày chiến thắng, non sông thống nhất.
"Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/ Tiến lên! chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn", anh ghi chép bài thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhật ký.
Ở nơi chiến trường, người lính trẻ gửi nỗi nhớ quê hương, nhớ người thân qua những hình ảnh khóm dừa, vần thơ.
Khi xem lại nhật ký của anh trai, ông Chinh nghẹn ngào, quay mặt đi, lau những giọt nước mắt đang chực trào ra. Giữa chiến tranh ác liệt, dường như nội dung cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam không nhắc nhiều đến chết chóc, đau thương mà thay vào đó là những vần thơ, dòng tâm sự nhớ nhung đầy ngọt ngào với người con gái được gọi là "em": "Trăng Khuyết rồi trăng lại tròn/ Quay đi quay lại anh còn yêu em/ Xa em anh chẳng có quên/ Xa em anh lại có trăng bên rồi/ Nhìn trăng anh thấy bồi hồi/ Nhìn trăng anh tưởng lúc ngồi bên em/ Hôm nay ngồi cạnh hồ sen/ Dưới trăng anh nghĩ lời nguyền bên em".
Nhật ký còn có đoạn: "Mến gửi em Hà Thị Rốt, trường Trung cấp nông nghiệp Hậu Lộc; Phạm Thị Lịch, giáo viên trường trung cấp 1, Minh Nghĩa, Nông Cống, Thanh Hóa".
Theo ông Chinh, bà Rốt là người làng bên, bạn học với anh trai ông, hai người thương mến nhau nhưng phải xa nhau vì chiến tranh. Họ có hứa hẹn, chiến thắng anh Nam sẽ trở về. Còn người có tên Phạm Thị Lịch là cô giáo tiểu học - người xã Trung Thành, huyện Nông Cống. Cô từng ở trọ trong nhà của bố mẹ liệt sĩ Nam để dạy học cho con em Minh Nghĩa.
8 năm trước, trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ - Ashton Carter đã trao tới Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - Đại tướng Phùng Quang Thanh hai kỷ vật của chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, gồm một cuốn nhật ký và một dây thắt lưng.
Nhờ những thông tin ghi trong nhật ký như: "Văn Nam, Minh Tiền, Minh Nghĩa quê mẹ", cơ quan chức năng xác định cuốn nhật ký là của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, nguyên quán xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
"Ngày 28/8/2015, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã trao trả kỷ vật của liệt sĩ cho gia đình. Ngày gia đình nhận lại cuốn nhật ký cũng vừa tròn 100 ngày mất của mẹ tôi. Vậy là sau 43 năm, ngày anh trai tôi nằm xuống, cuốn nhật ký - kỷ vật duy nhất anh để lại đã trở về bên gia đình. Hiện gia đình giữ cuốn nhật ký phô tô còn bản gốc đã gửi tặng Bảo tàng", ông Chinh cho biết.
Nhận cùng lúc 2 giấy báo tử và đau đáu nỗi niềm tìm mộ liệt sĩ
Trong ký ức của ông Chinh, người anh trai của mình cao, học giỏi, đẹp trai nhất nhà. Anh trai ông còn có nhiều tài lẻ như làm thơ, hát hay, thổi sáo giỏi, vẽ đẹp nên nhiều cô gái thầm thương, trộm mến.
Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình chờ mãi nhưng liệt sĩ Nguyễn Văn Nam mãi không về. Người thân dò hỏi khắp nơi mà không có tin tức.
Năm 1976, gia đình nhận được giấy báo tử với nội dung: "Ngày 13/4/1972, chiến sĩ Nguyễn Văn Nam hy sinh, thi hài được đồng đội an táng tại khu vực Kinh Dương, Kiến Bình (tỉnh Kiến Tường, miền Tây Nam Bộ cũ)".
"Thời điểm đó, gia đình tiếp nhận cùng lúc hai giấy báo tử. Một là của anh Nam và của anh trai cả Nguyễn Văn Việt. Hai anh đều hy sinh trong chiến trường phía Nam. Cầm trên tay hai tờ giấy báo tử, bố mẹ tôi ngất lịm, còn anh em chúng tôi chỉ biết khóc", ông Chinh nhớ lại.
Theo ông Chinh, khi còn sống, bố mẹ ông luôn đau đáu nỗi nhớ hai anh trai. Trước khi mất, bố ông đã lập một mộ gió chung cho cả hai anh trai. May mắn, mộ của anh đầu - liệt sĩ Nguyễn Văn Việt sau đó được tìm thấy, còn phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam đến giờ cả gia đình vẫn ngày đêm trông ngóng.
Ông Chinh kể, hơn 10 sau khi đất nước thống nhất, lần theo địa chỉ ghi trên giấy báo tử, gia đình ông vào tỉnh Kiến Tường (cũ) ở miền Tây Nam bộ, mang theo niềm tin đưa được hài cốt anh trai về với gia đình, quê hương nhưng chưa thực hiện được. Không bỏ cuộc, mỗi khi nghe thông tin, gia đình ông lại đi tìm hài cốt của anh trai.
Gần 50 năm qua, gia đình ông Chinh đã nhiều lần đi tìm bằng nhiều cách nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin về hài cốt cũng như phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Nam. Ông Chinh luôn hi vọng sẽ có điều kỳ diệu đến với gia đình như chính cuốn nhật ký của anh trai ông lưu lạc hơn nửa vòng trái đất, từ nước Mỹ xa xôi trở về quê hương.
Gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Nam có truyền thống cách mạng. Mẹ liệt sĩ Nam là bà Lê Thị Cưu được Nhà nước phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng. Trong những năm tháng chiến tranh, gia đình mẹ Cưu là nơi nuôi giấu nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên về đây làm nhiệm vụ. Mẹ có 2 con trai đã hi sinh cho Tổ quốc.
Ông Đỗ Quang Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Nghĩa cho biết, năm 2015, nhân dân, chính quyền địa phương, cùng thân nhân đã đón nhận cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam sau 43 năm thất lạc. Cuốn nhật ký là những dòng thơ giản dị nhưng chất chứa tinh thần lạc quan, yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất của người lính Cụ Hồ.
Theo ông Đỗ Quang Lâm, địa phương hiện có 142 liệt sĩ. Hằng năm, vào những ngày lễ, tết, đại diện chính quyền đều đến thăm hỏi, động viên thân nhân các liệt sĩ, người có công với cách mạng... Ông cũng hy vọng phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam sớm được tìm thấy.
Bà Trần Thị Tâm, chuyên viên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nông Cống cho biết, toàn huyện có 3.700 liệt sĩ, trong đó có nhiều người hi sinh vẫn chưa tìm thấy phần mộ, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Văn Nam.
"Cuốn nhật ký được trao trả lại cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Nam là niềm an ủi, là "sợi dây" hàn gắn tình cảm giữa người đã khuất và gia đình. Bởi chiến tranh xảy ra, có biết bao người đã mãi mãi không trở về mà không để lại chút kỷ vật nào", bà Tâm chia sẻ.
Nguyễn Hạnh