DNews

"Chiến tranh làm tôi xa chồng, chiến tranh cũng đưa tôi gặp lại mẹ chồng"

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Ngày cưới, chiến tranh khiến nữ chiến sĩ Lệ Thu và chồng lạc nhau rồi không còn cơ hội gặp mặt. Bất ngờ khi thực hiện nhiệm vụ, bà Thu và mẹ chồng lại gặp nhau.

"Chiến tranh làm tôi xa chồng, chiến tranh cũng đưa tôi gặp lại mẹ chồng"
Chiến tranh làm tôi xa chồng, chiến tranh cũng đưa tôi gặp lại mẹ chồng - 1

Sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, nhiều cơ sở của biệt động thành bị lộ, nhiều chiến sĩ bị thương được rút vào hoạt động bí mật. Giao liên Thu Bà Điểm (Trần Thị Lệ Thu) nhận lệnh dẫn đường cho một chiến sĩ bị thương từ nội thành về cơ sở ở Hóc Môn, chờ đưa về chiến khu.

"Trước giờ tôi biết ở Hóc Môn có cơ sở của biệt động Sài Gòn, chuyên trung chuyển hàng hóa, chiến sĩ về chiến khu nhưng chưa từng đến. Hôm đó tôi đi theo chỉ đạo mới biết cơ sở là một gia đình giàu có ở Trung Chánh, Hóc Môn. Tôi đưa đồng đội vào nhà, thấy một người phụ nữ ăn mặc sang trọng ra đón thì mới ngớ người ra. Đó là mẹ anh Huỳnh, mẹ chồng của tôi đây mà!", bà Lệ Thu kể.

Thấy Thu, bà Hà Thị Tư (mẹ liệt sĩ Bùi Văn Huỳnh) cũng bất ngờ. Bà vội vàng chạy ra đón, cầm tay con dâu dắt vào nhà, vừa đi vừa gọi các con nhỏ ra xem mặt chị dâu. Bà cứ tưởng con dâu đến thăm nhà, đâu biết là bà Thu vì nhiệm vụ mới vô tình biết được nhà chồng.

"Lúc ấy tôi bất ngờ và xúc động lắm, nước mắt chỉ chực trào ra. Không ngờ vợ chồng tôi mới cưới, xa nhau hơn 1 năm trời không gặp, cái chết thì luôn cận kề, không biết đến bao giờ gặp nhau. Tôi cũng lo lắng là mình không biết gì về nhà chồng, lỡ có mệnh hệ gì thì làm sao nhận nhau. Không ngờ số phận sắp đặt cho tôi gặp được mẹ", bà Lệ Thu tâm sự.

Chiến tranh làm tôi xa chồng, chiến tranh cũng đưa tôi gặp lại mẹ chồng - 2

Làm giao liên cho Biệt động Sài Gòn hơn 1 năm, Lệ Thu đi hầu hết các cơ sở của lực lượng ở nội thành, biết ở Hóc Môn có cứ điểm trung chuyển lớn đóng tại ngã ba Trung Chánh nhưng không hề biết cơ sở này là nhà bà Hà Thị Tư, mẹ chồng của mình.

Hồi bà Lệ Thu ở căn cứ Trung ương Cục Miền Nam (Dương Minh Châu, Tây Ninh), bà Hà Thị Tư có lên thăm liệt sĩ Bùi Văn Huynh 2 lần. Lần đầu là để xem mắt cô gái xinh đẹp mà con trai bà đem lòng thương mến. Lần thứ 2 là tham dự lễ ra mắt đơn vị của 2 vợ chồng liệt sĩ Huỳnh. Trong 2 lần gặp mặt ngắn ngủi ấy, bà Tư không hề kể gì về gia đình, nhà cửa để giữ bí mật công tác. Nhưng chiến tranh đẩy đưa, 2 mẹ con lại gặp nhau khi đang làm nhiệm vụ.

Gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Mẹ con trò chuyện mới biết là hoạt động chung tổ chức, vì lý do giữ bí mật công tác mà đến giờ mới nhận ra nhau. Bà Thu còn gặp được liệt sĩ Bùi Văn Tùng (SN 1957, hy sinh năm 1969), lúc này cũng là giao liên của lực lượng biệt động.

Lệ Thu kể, ngày ấy bà làm giao liên bộ chỉ huy nên bà biết rất nhiều cơ sở của lực lượng biệt động. Bà cũng biết anh Bùi Văn Tùng là giao liên chuyên chở vũ khí, tài liệu giữa cơ sở garage Tự Lực ở nội thành về điểm trung chuyển Hóc Môn, sau đó đưa về chiến khu nhưng không hề biết ông Tùng là em chồng mình, cũng không biết cơ sở ở Hóc Môn là nhà chồng mình. Chỉ đến khi vào tận nhà, gặp tận mặt mẹ chồng thì hai mẹ con mới nhận ra nhau. Bà mới biết được gia thế nhà chồng, biết người đồng đội Bùi Văn Tùng là em chồng mình.

Chiến tranh làm tôi xa chồng, chiến tranh cũng đưa tôi gặp lại mẹ chồng - 3
Chiến tranh làm tôi xa chồng, chiến tranh cũng đưa tôi gặp lại mẹ chồng - 4
Chiến tranh làm tôi xa chồng, chiến tranh cũng đưa tôi gặp lại mẹ chồng - 5

Lệ Thu kể: "Như có số trời sắp đặt, chiến tranh làm tôi xa chồng, chiến tranh cũng đưa tôi gặp lại mẹ chồng. Nếu không gặp lại mẹ chồng lần đó chắc tôi cũng không biết nhà chồng ở đâu, thân thích là những ai. Vì sau lần đó, tôi về Sài Gòn thấy quân Mỹ dán cáo thị truy nã trùm biệt động với tấm hình ông Tư Chu, tôi vội vàng báo tin và đưa ông trốn về căn cứ ở Long An, sau đó rút dần sang Campuchia".

Đến năm 1973, khi bà Lệ Thu cùng đơn vị đóng quân tại Campuchia mới biết tin liệt sĩ Bùi Văn Huỳnh đã hy sinh từ năm 1971 ở chiến trường Đông Nam bộ. Từ đó cho đến sau ngày thống nhất đất nước, Lệ Thu không về lại Sài Gòn, chiến trường xưa với nhiều kỷ niệm hào hùng, cũng là nơi bà đánh mất người yêu.

Chiến tranh làm tôi xa chồng, chiến tranh cũng đưa tôi gặp lại mẹ chồng - 6

Nhắc về cuộc tái ngộ kỳ lạ với mẹ chồng, bà Lệ Thu lặp đi lặp lại lời cảm ơn tấm lòng bao dung của mẹ chồng mình, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Tư.

Cụ Tư được trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 2014, khi quy định cho phép xét duyệt những người mẹ có 2 con là liệt sĩ. Cụ Tư có 3 người con trai thì con đầu là chồng bà Lệ Thu, liệt sĩ Bùi Văn Huỳnh (hy sinh năm 1971), người con thứ là liệt sĩ Bùi Văn Tùng (hy sinh năm 1969), người con út là thương binh, tham gia chiến trường Campuchia.

Sau khi biết hoàn cảnh của bà Lệ Thu, có chồng hy sinh khi còn quá trẻ, đồng đội và đơn vị đã vun vén, giới thiệu cho bà tái giá với một đồng đội lớn tuổi là ông Huỳnh Chí Thu (SN 1936), chiến sĩ tiểu đoàn 1, sư đoàn 9.

Đại úy Huỳnh Chí Thu là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1952, trở lại Miền Nam chiến đấu vào năm 1962. Sau ngày thống nhất 30/4/1975, ông Huỳnh Chí Thu xin ra quân với quân hàm đại úy, thương binh 2/4 và dẫn vợ về quê ở Cà Mau sinh sống. Bà Lệ Thu theo về quê chồng, ra quân và công tác trong ngành giáo dục với tên là Trần Thị Yến Ngọc.

Chiến tranh làm tôi xa chồng, chiến tranh cũng đưa tôi gặp lại mẹ chồng - 7

"Điều tôi ấn tượng nhất với mẹ chồng Hà Thị Tư là dù tôi đã tái giá, bà vẫn thương tôi, coi tôi như con dâu của mình. Chính bà là người viết giấy xác nhận cho tôi là con dâu của bà, là vợ liệt sĩ Bùi Văn Huỳnh, do hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha mẹ chồng để tôi được hưởng chế độ vợ liệt sĩ tái giá", cô Lệ Thu xúc động tâm sự.

Có lẽ, nữ biệt động thành Trần Thị Lệ Thu là người phụ nữ hiếm hoi vừa mang thân phận là vợ thương binh, vừa được hưởng chế độ vợ liệt sĩ tái giá dù chưa từng chung chăn gối, không có con với liệt sĩ, không có điều kiện chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống. Đó là nhờ tấm lòng nhân hậu, bao dung của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Tư.

Kể về những ngày chiến đấu sôi nổi, bà Lệ Thu rất hào hứng. Nhưng khi nói về gia đình, bà lại buồn và thừa nhận mình khổ về đường con cái. Bà có 4 người con, 2 trai 2 gái nhưng cuối đời phải sống một mình. Cũng nhờ chế độ dành cho vợ liệt sĩ tái giá, cộng với số tiền lương hưu ít ỏi, bà Lệ Thu mới có đủ tài chính để sinh sống trong những ngày ở tuổi xế chiều này. Chính vì thế, bà càng nhớ và cảm ơn ân tình của mẹ chồng Hà Thị Tư hơn.

Giờ đây, ở cái tuổi 73, bà Lệ Thu đảm nhận vị trí Trưởng ban liên lạc đơn vị Bảo đảm chiến đấu A20-30, F100, biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định để liên lạc với đồng đội cũ từng chiến đấu tại Sài Gòn, làm công tác đền ơn đáp nghĩa và ghi nhận công lao của đồng đội, của đơn vị bà từng chiến đấu.

Ngoài ra, bà dành thời gian làm người thuyết minh tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn (145 Trần Quang Khải, quận 1, TPHCM) để kể lại cho con cháu nghe những câu chuyện chiến đấu quả cảm của đồng đội, những kỷ vật còn lưu dấu thời gian và chứng tích cho những trang sử hào hùng của một lực lượng đặc biệt - Biệt động Sài Gòn.

Chiến tranh làm tôi xa chồng, chiến tranh cũng đưa tôi gặp lại mẹ chồng - 8
Chiến tranh làm tôi xa chồng, chiến tranh cũng đưa tôi gặp lại mẹ chồng - 9
Chiến tranh làm tôi xa chồng, chiến tranh cũng đưa tôi gặp lại mẹ chồng - 10

Các trường học trên địa bàn thành phố cũng thường xuyên mời bà đến dự lễ chào cờ, kể chuyện chiến đấu cho các em học sinh nghe. Dù công việc không có thu nhập và sức khỏe kém những hễ có nơi mời là bà thu xếp công việc để đến trò truyện cùng các cháu học sinh.

"Tôi còn sống đây là hạnh phúc hơn rất nhiều anh chị em đã ngã xuống! Ước mơ của tôi bây giờ là được kể cho các cháu nhỏ nghe về những người đồng đội, đồng chí của mình, những người đã hy sinh tính mạng, hạnh phúc bản thân, tài sản và cả gia đình vì lý tưởng sống, vì mục tiêu đánh Mỹ, thống nhất đất nước; để các thế hệ trẻ không bao giờ quên họ, như tôi chưa từng quên!", người chiến sĩ biệt động già xúc động tâm sự.

Ảnh: Hữu Khoa