DMagazine

Chiếc xe lăn đầu kéo theo nguyên lý cổ gà của người đàn ông khuyết tật

(Dân trí) - Sau vụ tai nạn giao thông, bị mất khả năng đi lại, anh Lê Huy Tích đã mày mò, sáng chế ra xe lăn đầu kéo để giúp người cùng cảnh ngộ duy trì cuộc sống gần như bình thường.

Chiếc xe lăn đầu kéo nguyên lý cổ gà của người đàn ông khuyết tật

Sau vụ tai nạn giao thông, bị mất khả năng đi lại, anh Lê Huy Tích đã mày mò, sáng chế ra xe lăn đầu kéo để giúp người cùng cảnh ngộ duy trì cuộc sống gần như bình thường.

Ca trực đêm định mệnh

Xưởng cơ khí của anh Lê Huy Tích (44 tuổi, ở phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) - Giám đốc Công ty TNHH MTV người khuyết tật Hòa Bình thường trực tiếng máy cắt, khoan, hàn cả ngày lẫn tối muộn. Ở đó, ngày ngày đều thấy ông chủ xưởng cần mẫn, không ngừng sáng chể đủ loại xe khác nhau hỗ trợ người khuyết tật.

Ít ai biết rằng, anh Tích từng có một công việc tốt đẹp, cuộc sống, sự nghiệp đang trên đà thuận lợi trước khi vụ tai nạn giao thông ập đến.

Tuy kể lại chuyện buồn nhưng vị Giám đốc ngồi xe lăn vẻ rất lạc quan, thoải mái. Anh giải thích, "chuyện gì qua đã qua, hãy sống cho hiện tại và tương lai".

Anh Tích tốt nghiệp cao đẳng ngành cơ khí chế tạo máy thủy. Ra trường, anh công tác tại Đoạn quản lý đường sông số 9 trên tuyến sông Đà được 7 năm.

Chiếc xe lăn đầu kéo theo nguyên lý cổ gà của người đàn ông khuyết tật - 1

Anh Tích (ngoài cùng bên phải) chụp cùng đồng nghiệp khi chưa bị tai nạn giao thông.

Vào một buổi tổng kết cuối năm 2006, anh Tích có ca trực đêm. Khoảng 11 giờ đêm, anh đang cùng một đồng nghiệp đi xe máy tới chỗ trực ở huyện Kỳ Sơn thì gặp tai nạn. Một chiếc ôtô đi ngược chiều rọi thẳng đèn vào mắt anh khiến xe anh loạng choạng rồi đâm vào cột mốc giới hạn tốc độ, sống lưng anh bị va đập mạnh, bất tỉnh. Người đồng nghiệp may mắn không sao.

Anh được đưa ngay tới bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Vụ tai nạn đã làm anh bị đứt tủy sống, đôi chân bị liệt hoàn toàn. Lúc đó, anh Tích đang chuẩn bị lấy vợ, lại được đề bạt lên làm lãnh đạo.

Do đã vào biên chế được 7 năm, anh Tích được hưởng chế độ thương tật trên 3 triệu đồng/tháng. Còn với bạn gái, không muốn làm gánh nặng cho cô ấy nên anh Tích đã dừng việc kết hôn. Hơn một năm rưỡi, anh phải nằm bất động, cơ thể lở loét, nước mắt hai hàng. Anh muốn lật mình cũng phải có mấy người đàn ông trợ giúp.

"Bán đất chạy chữa xong thì ở đâu?"

Thương con, bố mẹ anh vét hết tiền của để chạy chữa cho anh nhưng đều thất bại. Hơn 2 năm ròng, của cải trong nhà cứ đội nón ra đi. Thậm chí, có người mách anh phải sang Singapore để cấy tủy, chi phí vào khoảng 450 triệu đồng. Bố mẹ anh đã định bán mảnh đất đang ở đi để đưa anh đi Singapore nhưng rồi anh quyết định không đi, chấp nhận làm người khuyết tật đến hết đời.

"Nhà có mỗi mảnh đất, bán xong thì bố mẹ và mình ở đâu, chẳng lẽ lại đi ở trọ. Hơn nữa, sang nước ngoài cũng không chắc chắn khỏi 100% nên tôi quyết định không đi và động viên bố mẹ", anh Tích chia sẻ.

Giống như nhiều người gặp bi kịch, ban đầu anh rất tuyệt vọng, buồn bã. Nhưng người thân, bạn bè luôn ở kề bên chăm sóc, động viên giúp anh dần lấy lại được niềm tin cuộc sống. Đồng nghiệp làm cho anh chiếc giường ba khúc, có dây đai cố định để anh vận động dần dần. Mấy năm liền "tập ngồi", anh có thể ngồi vững, di chuyển được bằng xe lăn và tự làm được một số việc cá nhân.

Liệt đôi chân nhưng còn bàn tay, khối óc

Anh Tích tâm niệm "còn đôi bàn tay, đầu óc minh mẫn thì vẫn còn lao động được". Anh bắt đầu tìm hiểu về nghề sửa chữa điện thoại và mở một cửa hiệu nho nhỏ để kiếm thu nhập. Cửa hàng nhỏ xinh của anh nườm nượp khách ra vào....

Chiếc xe lăn đầu kéo theo nguyên lý cổ gà của người đàn ông khuyết tật - 2

Anh Tích hướng dẫn mọi người lắp ráp xe ETic Tribike.

Khát khao được đi lại, trong một lần tìm mua xe lăn tự động, anh được báo giá 67 triệu đồng, một khoản tiền quá lớn với người khuyết tật. Anh về suy nghĩ, nếu mình tự chế được đầu kéo xe lăn thì giá thành sẽ không cao như vậy và nhiều người khuyết tật có thể mua được.

Nói là làm. Anh xin bố mẹ và vay mượn ngược xuôi được 50 triệu đồng để mua thiết bị, mày mò chế tạo đầu kéo. Trong một lần nấu ăn, anh sơ ý làm đổ ụp nồi canh vào chân và bị bỏng khá nặng, lại phải lên Hà Nội điều trị mấy vài tháng. Đến lúc về, cửa hàng bị ngập nước sau trận mưa lớn, linh kiện xe điện hỏng hết. Anh phải đóng cửa hàng, mất toàn bộ vốn đầu tư.

Không bỏ cuộc, anh tiếp tục vay vốn và nghiên cứu. Ban đầu, tham khảo mẫu xe lăn tự động của Italia, cộng với kiến thức về cơ khí sẵn có, anh vẽ bản thiết kế và chế tạo bộ phận từ truyền động, khớp nối, khung xe... Pin được anh đặt hàng một nơi uy tín. Mất gần 2 năm để anh cho ra chiếc đầu kéo xe lăn đầu tiên.

Tuy nhiên, xe lăn đầu kéo lúc đầu còn thiếu độ chắc chắn, người ngồi lái cảm nhận được sự rung lắc, đặc biệt khi phải đi qua địa hình xấu. Anh Tích đã quan sát kỹ cách đi của con gà lấy cái cổ dài làm thăng bằng. Chính điều đó đã giúp anh cải tiến đầu kéo dài hơn, linh hoạt hơn.

Kết nối đầu kéo vào xe lăn là một khớp nối hoạt động ổn định, có thể thay đổi nâng cao lên, hạ thấp xuống để phù hợp với độ cao của xe lăn và kéo dài ra, thu ngắn lại phù hợp với độ dài cánh tay của người lái.

Chiếc xe lăn đầu kéo chạy bằng điện hoàn thiện được ra đời vào năm 2015 với giá chỉ dao động khoảng 5 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với các loại xe lăn tự động đang có trên thị trường. Hiện tại, giá xe  ETic Tribike rẻ hơn các loại xe khác trên thị trường rất nhiều.

Xe lăn đầu kéo của anh Tích còn có ưu điểm là phần đầu kéo riêng, chỉ tháo lắp trong chục giây. Sức kéo có thể chở được một người lớn và một trẻ em, đi ổn định trên địa hình xấu, lên dốc tốt và có thể di chuyển được quãng đường khoảng 70km mới phải sạc pin.

Chiếc xe lăn đầu kéo theo nguyên lý cổ gà của người đàn ông khuyết tật - 3

Quả ngọt sau chuỗi ngày nỗ lực

Xe lăn đầu kéo của anh Tích đáp ứng nhu cầu đi lại xa của người khuyết tật nên nhanh chóng nhận được đơn hàng từ nhiều nơi. Đến nay, khoảng 600 xe lăn đầu kéo của anh đã có mặt tại gần 20 tỉnh thành của cả nước.

Ngoài ra, anh Tích còn không ngừng cải tiến sản phẩm như: Chế thêm bàn làm việc ngang tầm với xe lăn, chiếc ghế nhỏ để họ có thể di chuyển mà không dùng đến xe lăn, xe điện 3 - 4 bánh, xe bán hàng rong, xe vận chuyển kho bãi, xe thu hoạch nông sản, phương tiện hỗ trợ di chuyển cho người già, người khuyết tật, ghế tập vận động cho người liệt hai chi dưới....

Năm 2019, anh mang sản phẩm xe lăn đầu kéo đi thi cuộc thi giải pháp sáng tạo tiếp cận cho người khuyết tật SDG Challenge 2019 tại Hà Nội và lọt vào top 3. Ngay trước thềm cuộc thi, ông chủ mới được gợi ý để đặt tên sản phẩm là ETic Tribike.

Tiếp đó, ETic Tribike của anh đạt giải Nhì tại cuộc thi Sáng kiến vì cộng đồng lần III năm 2020. Cũng trong năm 2020, anh Tích được bình chọn là một trong những gương điển hình tiên tiến của TP Hòa Bình lần thứ 5 (2015 - 2020).

Chiếc xe lăn đầu kéo theo nguyên lý cổ gà của người đàn ông khuyết tật - 4

Anh Tích ngồi trên chiếc xe ETic Tribike trong lễ trao giải cuộc thi Sáng kiến vì cộng đồng lần III năm 2020.

Đạt giải cao sau nhiều cuộc thi, đến nay đã vài năm, anh Tích hiện vẫn "quên" đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Anh giải thích, bận nhiều việc nên không chú ý đến đi đăng ký. Hơn nữa, anh nghĩ việc đó không quan trọng lắm bởi đây là sáng chế vì cộng đồng. Nếu như các xưởng cơ khí đều có thể làm ra xe lăn đầu kéo tương tự và bán giá thành rẻ cho người khuyết tật, anh càng thêm vui, sẽ không trách móc gì.

Nếu cho tôi một điểm tựa, tôi cam kết sẽ đưa người khuyết tật trở lại cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng với những phương tiện hỗ trợ cho sự di chuyển được tối ưu hóa.
Anh Lê Huy Tích Người sáng chế xe lăn đầu kéo ETic Tribike

Không chỉ sáng chế ra sản phẩm hữu ích cho cộng đồng, anh Tích còn mở rộng sản xuất để tạo công ăn việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ. Có thời điểm, xưởng của anh Tích có 9 lao động, trong đó có 8 lao động khuyết tật cùng làm việc, thu nhập bình quân của họ được khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Bàn Văn Tuấn, người dân tộc Mán, cho biết, bị mất một chân sau vụ tai nạn giao thông. Ban đầu, anh tìm đến anh Tích chỉ để mua xe lăn đầu kéo. Sau đó, anh Tuấn ngỏ ý muốn được học nghề sửa chữa, lái xe giao hàng chỗ anh Tích.

"Không ngờ anh Tích đồng ý ngay. Anh ấy đã dạy nghề miễn phí cho tôi và giờ tôi đã có công việc ổn định và thu nhập để trang trải sinh hoạt, không phải phụ thuộc nhiều vào người thân", anh Tuấn chia sẻ.

Chiếc xe lăn đầu kéo theo nguyên lý cổ gà của người đàn ông khuyết tật - 5

Dù nhu cầu của thị trường lớn nhưng anh Tích thiếu vốn để mở rộng sản xuất xe lăn đầu kéo ETic Tribike cho người khuyết tật.

Tuy nhiên, hiện tại anh Tích vẫn đang rất trăn trở với công việc. Bởi, anh không có nhiều vốn để mở rộng sản xuất cho dù nhu cầu thị trường rất lớn. Anh cho biết, bản thân được xác định đã mất 91% sức lao động nên rất khó khăn để vay vốn ngân hàng.

"Tôi toàn phải lấy ngắn nuôi dài. Có những đơn hàng lớn nhưng không có tiền nhập nguyên liệu. Tôi hy vọng sẽ được các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp chung tay, giúp sức, hỗ trợ vốn cho tôi để tôi mở rộng sản xuất, đồng thời cũng là cùng giúp đỡ người khuyết tật", anh Tích bày tỏ.

Chiếc xe lăn đầu kéo theo nguyên lý cổ gà của người đàn ông khuyết tật - 6

Một chiếc đầu kéo tích hợp giảm xóc kết nối với xe lăn thông thường do anh Tích chế tạo.

Chiếc xe lăn đầu kéo theo nguyên lý cổ gà của người đàn ông khuyết tật

Nguyễn Văn Công