(Dân trí) - Theo danh sách được lập, cán bộ Trạm Y tế xã Môn Sơn (Nghệ An), gọi điện thuyết phục thai phụ 2 bản Đan Lai đến cơ sở y tế để sinh con. "Canh đẻ từ xa" trở thành chuyện thường ngày ở xã biên giới này.
Tộc người Đan Lai vốn chỉ là một nhóm dân cư nhỏ, sống ở ngọn nguồn dòng Khe Khặng, nơi thăm thẳm rừng già thuộc 2 bản Cò Phạt và Khe Búng, xã biên giới Môn Sơn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An). Người Đan Lai còn được biết đến với cái tên "tộc người ngủ ngồi", gắn với truyền thuyết trốn chạy bạo chúa Hoa Quân.
Cái tên "tộc người ngủ ngồi" gợi nên sự nghèo khó với những mái nhà tranh vách nứa, tập quán sinh hoạt, sản xuất lạc hậu. Người ta kể rằng, phụ nữ Đan Lai tự sinh con tại nhà, trẻ sinh ra phải được nhúng vào dòng suối Khe Khặng như một cách "chọn lọc tự nhiên", bất kể đó là mùa đông hay mùa hè.
Cũng bởi sống biệt lập trong rừng già, người Đan Lai khó thể tránh được tình trạng hôn nhân cận huyết, tảo hôn và nguy cơ suy vong giống nòi.
Những bước chân của cán bộ biên phòng, cán bộ xã, huyện đã vào với đồng bào Đan Lai, giúp họ từng bước cải thiện cuộc sống. Nhiều nguồn lực đã được đầu tư cho người dân Đan Lai nơi "thâm sơn cùng cốc" này.
Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, người Đan Lai đã có những "cuộc cách mạng" của riêng mình. Phụ nữ Đan Lai, từ chỗ đẻ 7, 8 con, đã biết đến "kế hoạch" bằng cách sử dụng các biện pháp tránh thai.
Chị Vi Thị Tố Loan, cán bộ dân số Trạm Y tế xã Môn Sơn, chia sẻ: "Với đại đa số phụ nữ, việc đặt vòng tránh thai không phải là điều gì to tát, nhưng với phụ nữ Đan Lai, đó là một sự kiện chấn động. Nói là chấn động, bởi với phụ nữ Đan Lai, để người khác nhìn thấy bộ phận kín của mình là một điều cấm kỵ, cùng với đó là quan niệm sinh đẻ nhiều để có lao động đi làm nương, làm rẫy. Bởi vậy, vận động chị em Đan Lai ở Cò Phạt, Khe Búng đặt vòng tránh thai rất khó".
Những cán bộ y tế nơi đây không nhớ nổi đã bao nhiêu lần ngã xe và đi bộ đến sưng vù mắt cá chân, để vượt con đường núi khúc khủyu gần 20km vào tuyên truyền, vận động chị em Đan Lai thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
Có những chuyến đi, cán bộ y tế phải ở lại bản vài ngày hoặc cả tuần, tổ chức họp bản hay đến từng nhà tỉ tê tâm sự để chị em hiểu. Sự kiên trì ấy cuối cùng cũng được đền đáp khi những phụ nữ Đan Lai đầu tiên vượt núi đi... đặt vòng tránh thai.
Chị Lê Thị Bình (SN 1979, trú bản Cò Phạt) là một trong những phụ nữ Đan Lai đầu tiên đi "kế hoạch". Như nhiều phụ nữ Đan Lai khác, chị Bình lấy chồng rất sớm, sinh liền tù tì 5 đứa con. Cán bộ xã, biên phòng, y tế đến tận nhà, giúp chị hiểu sinh nhiều con không chỉ khiến gia đình đói nghèo mà việc chăm sóc, nuôi dạy con cái cũng nhiều khó khăn. Bởi vậy, khi cậu con trai út Lê Văn Sang (SN 2002) được 5 tháng tuổi, chị Bình quyết định đi đặt vòng.
Người mẹ Đan Lai bế con nhỏ trong tay, chuẩn bị thêm vắt xôi, đi bộ gần 20km ra trung tâm xã. Ngày đi, mệt thì nghỉ, đêm ở tạm nhà người quen, 2 ngày sau, chị Bình cũng đến trạm y tế xã.
"Lúc đầu mình ngại đấy, sợ đau nữa, nhưng cán bộ y tế tư vấn kỹ nên yên tâm hơn. Về thì chồng mình không chịu đâu, "đòi" đấy nhưng mình nhớ cán bộ dặn rồi, phải "kiêng" thời gian đầu, mãi chồng cũng nghe. Đặt vòng xong, không lo "vỡ kế hoạch", người không ốm yếu như hồi sinh con liên tục nữa", chị Bình còn ngượng nghịu khi kể chuyện đi đặt vòng.
Mặc dù đã có nhiều thay đổi trong nhận thức của chị em Đan Lai về thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nhưng chị Vi Thị Tố Loan thừa nhận, đây vẫn là một nhiệm vụ khó đối với cán bộ dân số cơ sở.
Mở cuốn sổ công tác của mình, chị Loan thống kê, tỷ lệ phụ nữ thực hiện các biện pháp tránh thai tại bản Cò Phạt đạt 57%, trong khi đó, ở bản Khe Búng là 53%. Bởi vậy, tỷ lệ sinh con thứ 3, thứ 4 hay thứ 5 ở 2 bản Đan Lai vẫn cao so với toàn xã.
"Tỷ lệ chị em đặt vòng rất hạn chế, do tâm lý và một phần từ người chồng. Chị em chủ yếu lựa chọn biện pháp cấy que tránh thai hay tiêm thuốc tránh thai. Tuy nhiên 2 biện pháp này khá tốn kém, 1,2-18 triệu đồng, thời gian duy trì hiệu quả ngắn hơn đặt vòng.
Trước đây chi phí cấy que tránh thai được hỗ trợ, nhưng 3 năm nay không còn chính sách này nữa. Đây cũng là trở ngại đối với việc tuyên truyền, vận động chị em thực hiện kế hoạch hóa gia đình", chị Loan cho hay.
Theo nữ cán bộ dân số này, chưa có nam giới nào ở 2 bản Đan Lai này thực hiện biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Mặc dù không trực tiếp thực hiện nhưng nhiều đàn ông Đan Lai đã có sự thay đổi đáng kể trong suy nghĩ. Họ không ngăn cấm hay bài xích mà đã chủ động đưa vợ đi thực hiện biện pháp tránh thai như trường hợp anh La Văn Tám, La Văn Cang...
Theo bà Vi Thị Thanh, Trưởng Trạm Y tế xã Môn Sơn, những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân Đan Lai, đặc biệt là chị em phụ nữ đã có nhiều tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe, chủ động đến cơ sở y tế khi ốm đau, sinh nở.
Vừa rồi, trạm y tế phải kích hoạt phản ứng nhanh để hỗ trợ sản phụ La Thị Sáng (trú bản Khe Búng) ngay bến thuyền, cách trạm khoảng 1km. Thời điểm thuyền cập bến, sản phụ đã vỡ ối. Sau khi thăm khám, sản phụ đủ điều kiện chuyển tuyến, Trạm cử cán bộ theo ô tô đưa chị Sáng ra Trung tâm Y tế huyện Con Cuông sinh con.
Chị Sáng là 1 trong 3 thai phụ trên tổng số 25 ca sinh ở 2 bản Đan Lai chủ động đến cơ sở y tế để sinh con trong năm nay. Tuy tỷ lệ chủ động đến trạm y tế thấp nhưng theo bà Thanh, đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của thai phụ và gia đình.
"Đại bộ phận phụ nữ 2 bản Đan Lai chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe sinh sản. Nhiều người còn không biết mình mang thai lúc nào, không khám thai định kỳ nên không biết thời gian dự sinh. Bên cạnh đó, chị em duy trì việc sinh con tại nhà với sự hỗ trợ của "mụ vườn" hay người thân, cắt rốn trẻ sơ sinh bằng cật nứa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe", bà Thanh chỉ rõ.
Hàng tháng, Trạm Y tế xã Môn Sơn đều cử cán bộ vào bản Cò Phạt, Khe Búng tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân và thai phụ, tuy nhiên chỉ đáp ứng được một phần nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ngoài việc tư vấn, tuyên truyền, tổ công tác của trạm y tế có nhiệm vụ lập danh sách phụ nữ mang thai với các thông số cụ thể về thời gian mang thai, thời điểm dự kiến sinh để có biện pháp hỗ trợ.
"Phụ nữ Đan Lai đổi tên liên lục, tháng này vào tên này, nhưng tháng sau vào lại tên khác. Như ở bản Khe Búng, trong danh sách có thai phụ La Thị Lá, nhưng lần sau vào, hỏi mãi không có ai tên này đang mang thai nhưng lại xuất hiện sản phụ La Thị Xao, có thời gian mang thai tương đồng với sản phụ Lá. Tìm hiểu kỹ mới biết chị Lá đã đổi tên thành Xao. Lập và theo dõi danh sách thai phụ cũng khiến chúng tôi căng cả đầu", chị Vi Thị Lan, nữ hộ sinh Trạm Y tế Môn Sơn, kể.
Trên cơ sở danh sách này, cán bộ trạm y tế dự tính ngày sinh, chủ động gọi điện để... nhắc và tư vấn sản phụ đến cơ sở y tế sinh con. Mặc dù "canh đẻ" qua điện thoại rất kỹ, nhưng không phải lúc nào cán bộ y tế cũng thuyết phục được sản phụ đến trạm để sinh con.
"Trường hợp sản phụ La Thị Tiết ở bản Cò Phạt, mang thai lần thứ 5, gần đến ngày dự sinh, cán bộ trạm gọi liên tục, cứ 1-2 ngày gọi một lần. Gọi lần nào sản phụ cũng "dạ", hứa sẽ ra trạm y tế sinh con nhưng gọi đến lần thứ 5 thì sản phụ bảo sinh rồi", bà Thanh kể.
Cả 5 lần sinh nở, sản phụ Tiết đều sinh con tại nhà. Không thể thuyết phục được sản phụ đến trạm sinh con, cán bộ y tế phải vượt núi, ngược vào bản để tiêm phòng lao, kiểm tra sức khỏe cho trẻ và người mẹ.
Hàng tháng, 6/8 cán bộ của Trạm Y tế xã Môn Sơn phải "hành quân" vào Cò Phạt và Khe Búng thực hiện các chiến dịch truyền thông, tiêm chủng, tuyên truyền người dân chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Tại đây, cán bộ y tế lồng ghép, hướng dẫn người dân cách thức chăm sóc thai phụ, sản phụ và trẻ sơ sinh.
Dưới sự hướng dẫn, khuyến cáo của cán bộ y tế, người dân biết đun sôi thật kỹ thanh cật tre để làm dụng cụ cắt rốn, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng cuốn rốn hay nhiễm trùng uốn ván cho trẻ. Đặc biệt, tỷ lệ tiêm phòng cho trẻ trong độ tuổi tại 2 bản Đan Lai này đều đảm bảo.
Theo Trưởng Trạm Y tế Môn Sơn, tình trạng trên một phần xuất phát từ nhận thức của người dân còn hạn chế. Một nguyên nhân nữa không kém quan trọng là giao thông đi lại quá khó khăn, nguy hiểm cho sản phụ nếu di chuyển bằng đường bộ.
Trong khi đó, nếu đi thuyền từ bản Khe Búng, Cò Phạt ra trung tâm xã, mỗi chuyến cũng mất 1,5-1,8 triệu đồng. Đây là mức chi phí quá lớn đối với thu nhập của người dân ở hai bản có đến gần 100% hộ nghèo.
Bà Vi Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Con Cuông, thừa nhận công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ 2 bản Đan Lai nói trên còn rất nhiều khó khăn.
Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên Trạm Y tế Môn Sơn đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo bà Hương, chỉ cố gắng của đội ngũ y tế là không đủ trong khi người dân còn xem nhẹ vấn đề này.
"Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, tôi nghĩ, cần có cơ chế, chính sách riêng dành cho cán bộ y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản. Khi có cô đỡ thôn bản "cắm" ở đây, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản hay đỡ đẻ cho chị em sẽ đảm bảo hơn.
Tuy nhiên, việc tìm được người tại chỗ để đào tạo rất khó, trong khi đó, nếu cử cán bộ ngoài trung tâm xã vào với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng thì không ai muốn vào", bà Hương chỉ rõ khó khăn.
Năm 2023, huyện Con Cuông quyết định chi 90 tỷ đồng để nâng cấp con đường độc đạo từ trung tâm xã Môn Sơn vào 2 bản Cò Phạt, Khe Búng. Một con đường nhựa đang dần được hình thành, dù đích đến vẫn còn khá xa.
Việc nâng cấp đường giao thông, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế từ bản tới xã, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân Đan Lai sẽ có những bước tiến dài, đặc biệt là từ chính người dân của "tộc người ngủ ngồi" này.