Công nhân nghèo chật vật khi giá thực phẩm "té nước" theo... xăng
(Dân trí) - Vừa khỏi Covid-19, chị Nguyễn Thị Thu hốt hoảng khi hàng hóa, thực phẩm "ăn theo" xăng, đồng loạt tăng giá.
Lo "toát mồ hôi" vì 11 ngày là F0, phải nghỉ làm
Trở về phòng trọ sau buổi tăng ca, chị Nguyễn Thị Thu (SN 1983, công nhân một công ty may tại Khu công nghiệp Vsip, Nghệ An) cắt bắp cải nấu cơm nhưng rồi quyết định đi pha mì tôm ăn. "Ở một mình, không muốn lích kích làm gì, ăn bát mỳ tôm mà đi ngủ lấy lại sức", chị ái ngại nói.
Chị Thu quê huyện Thanh Chương (Nghệ An), mới xuống Hưng Nguyên làm công nhân hơn 2 tháng nay. Tháng đầu vừa làm, vừa học, lương chị được 3,6 triệu đồng thì mất 1 triệu đồng tiền thuê trọ, 200 nghìn tiền điện nước, vị chi còn 2,4 triệu đồng. Nếu ăn cơm bụi thì mỗi ngày mất 50-60 nghìn đồng nữa, chị quyết định tự nấu ăn cho tiết kiệm. Mỗi tuần chị về nhà một lần, mang gạo, rau, trứng, lạc xuống. Thỉnh thoảng đảo ra chợ, mua con cá hay lạng thịt nữa, bữa ăn cũng gọi là tươm tất.
Ngày 25/2, chị Thu mắc Covid-19. Không thể về trên nhà, cũng không thể đi làm, chị quyết định tự cách ly tại phòng trọ. "Tháng 2 thì có mấy ngày nghỉ Tết, rồi 3 ngày nghỉ ốm nên thành ra khoản chuyên cần, phụ cấp khác cũng bị cắt hết, chỉ nhận được 4,9 triệu đồng "lương cứng", vừa đủ chi phí cho thuốc men, thực phẩm, hoa quả trong đợt cách ly", chị Thu tâm sự.
Mất thêm 11 ngày nghỉ sang tháng 3, chị Thu mới đi làm lại, lương chưa nhận đã hoang mang bởi "cái gì cũng tăng giá". "Xăng tăng, rau củ tăng, xà phòng, dầu ăn, giá gas cũng tăng. Dù mỗi thứ tăng một chút nhưng với công nhân như chúng tôi, cộng lại các khoản chi phí cũng là vấn đề đáng lo, mua mớ rau, con cá cũng phải đắn đo. Tháng 3 này nghỉ mất 11 ngày, sợ lương không đủ mà chi tiêu", chị Thu buồn rầu.
Từ 2 tháng nay, do đang có bầu, lo ngại dịch Covid-19 nên chị Phạm Thị Thắm (SN 1989) xin nghỉ việc ở nhà. Mọi chi tiêu trong nhà do anh Nguyễn Văn Thiều (SN 1986), chồng chị gánh vác. Anh Thiều là nhân viên kỹ thuật trong một showroom ô tô tại TP Vinh, chị Thắm làm việc trong một nhà máy thuộc Khu công nghiệp Vsip Nghệ An, hai vợ chồng thuê một phòng trọ tại xã Hưng Tây, gần chỗ làm của vợ.
"Hai vợ chồng chi tiêu tối giản, trừ tiền trọ, ăn uống ra thì cũng tiết kiệm được khoản nho nhỏ nhưng từ hồi dịch Covid-19 tới nay, khoản dự phòng cũng cạn dần mà tháng sau thì đến kỳ sinh nở rồi, trong khi giá cả hàng hóa gì cũng tăng. Sắp tới vợ sinh con, còn tiền bỉm, tiền sữa, bao nhiêu thứ phải chi tiêu nữa", anh Thiếu nén tiếng thở dài.
"Cầm 100.000 đồng ra chợ không biết mua gì"
Kế bên cạnh phòng trọ anh Thiều là phòng trọ vợ chồng anh Lê Ngọc Đạt, chị Phạm Thị Thương. Trước hai vợ chồng anh Đạt làm công nhân, tháng thu nhập cũng tầm 13-14 triệu đồng. Gần một năm qua chị Thương nghỉ việc ở nhà trông con, nội trợ, cơm nước.
"Em cũng muốn đi làm đỡ đần anh ấy nhưng từ năm ngoái đến giờ do dịch Covid-19 nên không có cơ sở trông giữ trẻ nào mở nên đành phải ở nhà ôm con. 3 người trông chờ vào lương anh Đạt nên phải giật gấu vá vai mới đủ. Con nhỏ đang tuổi ăn dặm cũng phải đảm bảo dinh dưỡng, với lại chồng em công việc nặng nhọc, tăng ca tăng kíp, không thể ăn uống qua loa được, mà nay cầm 100 nghìn ra chợ không biết mua gì luôn", Thương kể.
Để tiết kiệm chi tiêu, Thương tận dụng khoảnh đất trống xung quanh khu trọ để trồng thêm rau. Thỉnh thoảng ông bà nội ngoại "viện trợ" thêm chục trứng, con gà hay yến gạo thì bữa cơm của hai vợ chồng công nhân nghèo được tươm tất hơn. "Chắc em cũng phải gửi con về quê để đi làm lại thôi chứ cứ như thế này mãi cũng không thể trụ lại ở đây được", người mẹ trẻ nói về dự định sắp tới.
Theo thống kê của Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, hiện các khu công nghiệp trực thuộc có 132 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số lao động 34.000 người. Có 70% doanh nghiệp trả lương theo lương tối thiểu vùng (3.070.000 đồng/tháng), 30% doanh nghiệp trả cao hơn lương tối thiểu vùng từ 100.000 - 600.000 đồng/tháng. Bình quân lương, làm thêm giờ và các loại phụ cấp của người lao động trong các khu công nghiệp tại Nghệ An đạt từ 5-7,5 triệu đồng.
Vốn dĩ mức thu nhập này, nếu người lao động khéo co kéo chi tiêu, ăn uống tằn tiện thì mới có thể để ra một khoản tích lũy hoặc lo cho con cái học hành. Bởi vậy, mỗi khi giá cả sinh hoạt biến động, cuộc sống của công nhân càng chật vật, khó khăn hơn.