Bộ trưởng LĐ-TB&XH lý giải chuyện "dưới chờ trên, trên giục dưới" vì... sợ

Hoa Lê

(Dân trí) - Nói về những hạn chế trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung băn khoăn về việc phân cấp, phân quyền chưa rõ dẫn đến tình trạng chậm trễ, kém hiệu quả...

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (gồm chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình giảm nghèo và chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số) diễn ra chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá cao kết quả giám sát khách quan, toàn diện về quá trình triển khai các nội dung.

Bộ trưởng cho rằng, việc giám sát đã tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của các cấp các ngành.

Điểm sáng giảm nghèo

Nói về chương trình giảm nghèo, Bộ trưởng nhấn mạnh,  đây là nhiệm kỳ thứ 2 cả nước thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, theo ông, khác với nhiệm kỳ trước, các phần việc ở nhiệm kỳ này đòi hỏi cao hơn, nhiệm vụ giảm nghèo trước đây đã khó, giờ còn khó hơn.

"Bởi yêu cầu đặt ra không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà đòi hỏi giảm nghèo đa chiều, ngoài thu nhập còn phải giảm các chiều thiếu hụt khác. Theo đó, mục tiêu đề ra không chỉ là giảm nghèo đơn thuần mà cao hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn và đòi hỏi sự bền vững", Bộ trưởng phân tích.

Bộ trưởng LĐ-TBXH lý giải chuyện dưới chờ trên, trên giục dưới vì... sợ - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (Ảnh: Quang Vinh).

Người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chỉ rõ bối cảnh 2 năm qua, việc thực hiện chương trình giảm nghèo còn chịu sự tác động, ảnh hưởng nặng nề từ điều kiện khách quan, nhất là do đại dịch Covid-19.

Thực tế khác, tình trạng thiên tai, lũ bão, sạt lở cũng tập trung chủ yếu các vùng khó khăn, gây thêm ảnh hưởng nặng nề. Do đó, các khu vực này đã khó càng khó hơn, đã nghèo lại bị tác động nhiều hơn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khái quát: "Cả hệ thống chính trị đã rất cố gắng, hiện đang tập trung giải quyết những vùng lõi nghèo. Các cơ quan xác định vùng khó khăn nhất là vùng đồng bào, dân tộc miền núi, vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn".

Kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo vừa qua, theo Bộ trưởng, còn nhiều điểm hạn chế, chưa đạt mong muốn, về tỉ lệ hộ nghèo, chất lượng giảm nghèo, tính bền vững của giảm nghèo.

"Tuy nhiên, đánh giá chung với tất cả sự khiêm tốn, những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt các địa phương và của bản thân các hộ nghèo, hộ cận nghèo rất đáng ghi nhận", Bộ trưởng nhận định.

Chính vì vậy, kết quả là các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 24 của Quốc hội cơ bản đều đạt được. Kết quả đó rất cơ bản. Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng. Thực tế, Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bền vững.

Bộ trưởng chốt lại: "Không ai sinh ra và lớn lên lại muốn mình nghèo và không ai không muốn thoát nghèo, chỉ là vì chưa có khả năng và thực tế, nếu còn trong danh sách hộ nghèo, ít nhất được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ".

Nói về định hướng thực hiện chương trình trong thời gian tới, Bộ trưởng phân tích, Chương trình giảm nghèo hiện không còn chính sách cho không mà đã chuyển hoàn toàn sang hỗ trợ có điều kiện.

Bộ trưởng nêu, thời gian qua, nhiều địa phương có hàng trăm hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo và chủ động nhường quyền lợi hỗ trợ cho người khác. Người dân cũng e ngại, băn khoăn khi nhận là "hộ nghèo" và tự mình muốn vươn lên. 

Đối với các hộ nghèo không có khả năng lao động, không có khả năng thoát nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa ra các tiêu chí để những người này có cuộc sống tốt hơn hoặc không thấp hơn hộ nghèo. 

Về việc hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tinh thần Quyết định 90 và Nghị quyết 24 của Quốc hội là phấn đấu trong nhiệm kỳ này xóa được khoảng 100.000 căn hộ dột nát khó khăn cho các hộ nghèo ở 74 huyện nghèo.

Bộ trưởng LĐ-TBXH lý giải chuyện dưới chờ trên, trên giục dưới vì... sợ - 2

Quốc hội thảo luận tại hội trường về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (Ảnh: Quang Vinh).

Đặt trong tổng thể 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho rằng, qua thực tiễn triển khai có thể thấy việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đang triển khai tương đối tốt. Hiện chỉ còn Chương trình phát triển kinh tế xã hội đồng bào dân tộc miền núi gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Nhìn chung, cả 3 chương trình đang tồn tại 4 vấn đề.

Thứ nhất, các cơ quan chức năng phải ban hành quá nhiều văn bản, bình quân mỗi chương trình 60-70 văn bản khác nhau. 

"Hơn nữa, việc phân cấp, phân quyền chưa rõ, dẫn đến tình trạng dưới chờ trên, trên bảo dưới cứ làm nhưng dưới sợ. Điều đó dẫn đến hiện tượng thông tư đã hướng dẫn, nhưng cấp dưới tiếp tục đề nghị... hướng dẫn của hướng dẫn", Bộ trưởng nhận định.

Ngoài ra, các chương trình phân bổ các dự án nhỏ lẻ, manh mún. Việc giao vốn đã chậm, nhỏ giọt, về địa phương càng chậm. Khâu tổ chức, thực hiện cũng có vấn đề. 4-5 nguyên nhân dồn lại thành những nút thắt không dễ gỡ.

Để triển khai nhanh, hiệu quả các chương trình trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội 7 cơ chế chính sách đặc thù.

Bộ trưởng nêu ý kiến, trước mắt, trong Nghị quyết về giám sát kỳ này, Quốc hội nên cho phép thí điểm "trao quyền trọn gói", cho cấp huyện được chủ động quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ các chương trình và giữa các chương trình với nhau.

Trước hết, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội cho phép mỗi tỉnh chọn 1-2 huyện làm thí điểm việc huyện quyết định toàn vẹn, tỉnh chỉ làm nhiệm vụ điều phối, kiểm tra, giám sát và Trung ương kiểm tra mục tiêu, thanh tra, kiểm tra, tổng kết chương trình.