Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi:
Đỡ đầu xã khó khăn giảm nghèo bền vững
(Dân trí) - Sáng 10/10, tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị sơ kết giữa kỳ Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ giảm nghèo
Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh, đại diện Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo và các Cục, Vụ thuộc Bộ LĐ-TB&XH.
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND, Phó trưởng Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh, ước tính năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Thanh Hóa giảm còn 3,49%, bình quân giai đoạn 2022-2023 (theo chuẩn mới giai đoạn 2022-2025) giảm 1,65%/năm, vượt kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đảm bảo thống nhất từ tỉnh đến cơ sở.
Bên cạnh đó, các dự án sử dụng vốn đầu tư công đã được phê duyệt và giải ngân đảm bảo tiến độ, một số dự án, tiểu dự án sử dụng vốn sự nghiệp đã được triển khai thực hiện hỗ trợ đến người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo; cấp ủy, chính quyền các địa phương đã lồng ghép các hoạt động của chương trình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa hơn 1.640 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2022-2023 Trung ương đã giao 945,3 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân được khoảng 410 tỷ đồng, đạt 43,4% so với kế hoạch vốn, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (36,46%).
Tổng kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2023 là 685,1 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến nay được khoảng 138,2 tỷ đồng, đạt 20,17%.
Nhờ đó mà tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giảm 1,79%, vượt kế hoạch đề ra (1,5%/năm).
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vươn lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Nhiệm vụ trọng tâm để giảm nghèo
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, nhấn mạnh, giảm nghèo là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo để thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư.
Qua 3 năm triển khai thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, kinh phí từ ngân sách Trung ương đã hỗ trợ là 21.855 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ đầu tư hơn 1.600 công trình trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt vùng khó khăn, bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ hơn 1.600 dự án sinh kế cho người nghèo với trên 12.000 hộ tham gia; hỗ trợ gần 700 dự án nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp cho trên 37.000 hộ.
Ngoài ra, chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 48.000 người, hơn 1.500 người đi lao động ở nước ngoài; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đều đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra; một bộ phận người dân đã có ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ còn tự nguyện làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo.
Giai đoạn 2021-2025, Trung ương hỗ trợ cho tỉnh Thanh Hóa khoảng 3,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,56% tổng số vốn toàn chương trình. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 2 nghìn tỷ đồng.
"Đây là sự ưu tiên lớn, sự tin tưởng nhiều nhưng cũng là thách thức không nhỏ dành cho Thanh Hóa. Bởi, áp lực việc tổ chức triển khai thực hiện và giải ngân số kinh phí hàng năm là rất lớn", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời dành lời khen địa phương này đã có những điểm sáng nổi bật trong quá trình thực hiện chương trình.
"Thanh Hóa có điểm nổi bật là cách phân công cho các huyện miền xuôi, nơi có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tốt để hợp tác với các huyện miền núi có điều kiện còn khó khăn; phân công các sở, ngành "đỡ đầu" cho các xã đặc biệt khó khăn. Đây là một trong những giải pháp hay, đáng để các tỉnh trong cả nước tham khảo học tập", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Thanh Hóa cần có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đồng thời lưu ý Ban chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh cần quan tâm đẩy mạnh tổ chức thực hiện các nội dung, hoạt động của chương trình, nhất là phát triển kinh tế - xã hội liên kết vùng phục vụ dân sinh, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, lưu thông hàng hóa ở các huyện nghèo, khó khăn.
Ngoài ra, cần phát triển các hoạt động sản xuất, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, người nghèo theo chuỗi giá trị, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát huy lợi thế tiềm năng. Đặc biệt phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đã được phân bổ.
"Bảo đảm đến ngày 31/12 giải ngân tối thiểu 95% nguồn kinh phí được phân bổ năm 2023 và xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành", Thứ trưởng lưu ý thêm.
Cần tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện có hiệu quả kế hoạch đưa 2 huyện Thường Xuân và Bá Thước thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn vào năm 2025. Tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên nhằm hỗ trợ toàn diện cho người nghèo như bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, vay vốn ưu đãi…
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 44 tập thể, 26 cá nhân, 17 hộ gia đình đã có nhiều thành tích trong thực hiện phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021-2023.