1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bình Định: Đào tạo nghề chú trọng chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội

Doãn Công

(Dân trí) - Trong chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Bình Định chú trọng nâng chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần cải thiện đời sống người lao động, giảm nghèo bền vững.

Nâng cao chất lượng nguồn lực

Thực hiện chiến lược Phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã xác định đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nói chung và đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nói riêng là nhiệm vụ then chốt để đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Từ năm 2011 đến nay, tổng kinh phí đầu tư xây dựng mới các trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập và mua sắm trang thiết bị dạy nghề là 113,8 tỷ đồng.

Bình Định: Đào tạo nghề chú trọng chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội - 1
Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, thậm chí theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Đến nay, tổng số giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp hơn 1.400 người. Trong đó, lực lượng giáo viên, giảng viên là 1.137 người. Số giáo viên, giảng viên có trình độ tiến sĩ là 10 người; thạc sĩ 326 người; đại học 556 người; cao đẳng 71 người... Có 224 người có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Các đơn vị giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý phù hợp nhu cầu và quy hoạch phát triển nhân lực của đơn vị và địa phương.

Trong 10 năm qua, đã có trên 800 lượt cán bộ, nhà giáo được cử đi đào tạo, học tập, bồi dưỡng các trình độ và chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau.

Đặc biệt, nhiều giáo viên của 3 nghề trình độ quốc tế: Cơ điện tử, điện tử công nghiệp (thuộc Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn), công nghệ sinh học (Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ) được đào tạo, tập huấn kỹ năng tại Học viện Chisholm (Australia).

Bình Định: Đào tạo nghề chú trọng chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội - 2
Nhu cầu việc làm của người lao động rất lớn.

Bên cạnh đó, việc tham gia các hội thi cấp trường, cấp tỉnh và cấp quốc gia như: Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, Hội thi thiết bị đào tạo tự làm... mở ra cơ hội để các giáo viên tự rèn giũa, nâng cao năng lực bản thân.

Ngoài ra, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nghề được xem là con đường tốt nhất, nhanh nhất để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận trình độ đào tạo của các nước trong khu vực và thế giới. Nổi bật trong hoạt động này là Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn. Trường đã liên kết với Hàn Quốc, Thái Lan, Úc và giúp đỡ nước bạn Lào.

Đáp ứng nhu cầu xã hội

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, giai đoạn 2011 - 2019, toàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 213.400 người ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp.

Riêng số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án 1956 từ năm 2010 đến năm 2020 ước đạt gần 36.800 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghề của tỉnh tăng bình quân 2%/năm, đạt và vượt Nghị quyết HĐND tỉnh Bình Định đề ra.

Bình Định: Đào tạo nghề chú trọng chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội - 3
Sinh viên ngành Công nghệ ô tô - Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn vui mừng được thực tập trên các xe ô tô công nghệ mới.

Hoạt động đào tạo nghề bước đầu có sự gắn kết giữa các địa phương với cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong việc tuyển sinh đào tạo, giải quyết việc làm. Tại các trường nghề, các giáo trình đều có sự tham gia đóng góp ý kiến của doanh nghiệp, đưa chương trình đào tạo sát với thực tế sản xuất, kinh doanh, tăng cơ hội việc làm cho người lao động sau tốt nghiệp.

Bà Võ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, cho biết: “Nhà trường đã ký kết hợp tác với hơn 20 doanh nghiệp trong ngoài tỉnh để đưa học sinh, sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp với thời lượng từ 4 - 10 tháng (tùy theo hệ, nghề đào tạo). Hiện, một số doanh nghiệp như Công ty CP Phụ kiện và nhà thép Nhất, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất... đã ký thỏa thuận với nhà trường tiếp nhận 100% sinh viên tốt nghiệp 2 ngành Điện công nghiệp và Cơ khí vào làm việc với mức lương ban đầu trên 7 triệu đồng/tháng”.

Trong khi đó, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 đã đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững.

Theo ông Trần Hữu Hiệu, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định, Trung tâm đang tập trung đào tạo cho lao động nông thôn các nghề mũi nhọn: May công nghiệp, hàn điện, đan nhựa giả mây, trồng và nhân giống nấm, tạo dáng và chăm sóc cây cảnh, trồng rau an toàn...

Với các nghề phi nông nghiệp, Trung tâm đào tạo theo hướng kết nối với doanh nghiệp, trên 80% lao động sau đào tạo được giới thiệu vào làm việc trong các doanh nghiệp hoặc mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm.

Với nghề nông nghiệp, trước đây lao động chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, nhưng sau khi học nghề, người lao động biết áp dụng vào sản xuất nâng cao hiệu quả. Do đó, Trung tâm định hướng họ thành lập các nhóm cùng sở thích, sản xuất tại chỗ ở các làng nghề, Hợp tác xã.

Mặt khác, mô hình đào tạo nghề tại doanh nghiệp được triển khai vài năm trở lại đây đã đạt được những kết quả bước đầu. Bên cạnh việc đào tạo nghề cho lao động mới tuyển, các doanh nghiệp còn đào tạo bổ túc và đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, nhằm phù hợp với sự thay đổi của công nghệ, đáp ứng yêu cầu đối tác.